Theo BBC
Việt Nam hướng tới ít nhất năm mục
tiêu trong đợt thả tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đã đang diễn ra từ
mùa Xuân năm 2014, trong đó mục tiêu tạo hình ảnh mới sau khi giành ghế thành
viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và tìm cách thoát ly ảnh hưởng của Trung
Quốc là các lý do chính, theo một nhà quan sát Việt Nam từ châu Âu.
Trao đổi với BBC
Việt ngữ hôm 13/4/2014 từ Thụy Sỹ, bình luận về động cơ thực sự đằng sau các vụ
'bắt - thả' tù nhân chính trị của Việt Nam lần này, mà mới nhất là các tù nhân
Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Hữu Cầu được thả tự do, một
cựu Vụ Phó Bộ Ngoại giao VN cho rằng có 5 mục tiêu chính.
"Thứ nhất là
giảm sức ép; giảm ảnh hưởng đối với ông bạn láng giềng (Trung Quốc); tạo thêm
bạn mới, tạo thêm những liên minh mới; những lợi ích làm ăn về kinh tế và tạo
hình ảnh," ông Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneva nói.
"Tạo hình ảnh
nhất là Việt Nam sau khi đã vào Hội đồng Nhân quyền, rồi những cam kết của Việt
Nam trong tôn trọng nhân quyền cũng là một trong những nhu cầu tạo ảnh hưởng và
tôi nghĩ rằng đợt rồi Bộ Ngoại giao, tiếng nói đã lên trong vấn đề thuyết phục
được các đối tượng liên quan, để mà có những thay đổi như vừa rồi."
Theo cựu quan chức
ngoại giao, một mục tiêu rất lớn mà Việt Nam đang hướng tới là gia nhập vào
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là một động thái giúp
Việt Nam giảm đi ảnh hưởng vào Trung Quốc, nhưng do đó, Việt Nam đã phải cải
thiện thành tích nhân quyền của mình để đáp ứng điều kiện.
Tuy nhiên, động
thái chuyển hướng mới có thể làm cho Trung Quốc, quốc gia được cho là muốn giữ
Việt Nam trong vòng ảnh hưởng vụ lợi cho Bắc Kinh, không 'khoái lắm', ông Xương
Hùng nói tiếp:
"TPP là một
trong những bước đi của Việt Nam để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, tất
nhiên tôi nghĩ rằng Trung Quốc không khoái lắm trong cái này, những thay đổi,
nhất là những thay đổi về tư duy, Trung Quốc không khoái lắm bởi vì Trung Quốc
luôn muốn Việt Nam nhất nhất phải đi theo cách mà Trung Quốc muốn."
'Muốn gửi tín hiệu mới'
Hôm 12/4, cựu Đại biểu Quốc hội Việt
Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói với BBC ông cho rằng Việt Nam nên có những
thận trọng nhất định trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc.
Ông lưu ý: "Nước nào cũng vậy,
không chỉ là Việt Nam và Trung Quốc, đều muốn những nước láng giềng của mình
giữ một mối quan hệ hữu nghị với mình, và nếu gần gũi về mặt quan điểm thì càng
tốt.
"Đặc biệt là Trung Quốc cũng
tìm nhiều cách để mà tác động đến Việt Nam, làm ảnh hưởng đến Việt Nam, mà
trong đó có những tính toán không có lợi cho Việt Nam, bởi vì vậy, tôi nghĩ là
Việt Nam cũng phải khôn ngoan để nhận ra là mình nên đi con đường nào.
"Trong khi mình giữ một mối
quan hệ láng giềng thân thiện với Trung Quốc, thì mình cũng phải đảm bảo quyền
lợi dân tộc mình, mà quyền lợi dân tộc mình phải là cái được đề cao hơn”.
Về động cơ của Việt Nam trong đợt
thả các tù nhân chính trị và lương tâm đợt này, đặc biệt về những gì Việt Nam
được cho là muốn được đổi lại, Giáo sư Thuyết nhận định:
"Khi trả tự do cho một số nhân
vật mà người ta vẫn gọi là bất đồng chính kiến như vậy, rõ ràng Việt Nam muốn
gửi đi một tín hiệu đối với quốc tế về sự đổi mới trong quan niệm của mình, và
nó là điều mà tôi nghĩ là lợi nhất,
"Thế còn về khả năng tham gia
vào một số hiệp định hợp tác, như Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương chẳng
hạn, chắc đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để cho đối tác của
Việt Nam dễ chấp nhận Việt Nam hơn...".
'Không ảnh hưởng an ninh'
Theo Giáo sư Thuyết đợt thả tù nhân
chính trị và lương tâm đợt này đã được Việt Nam 'cân nhắc' kỹ lưỡng. Ông nói:
"Trong trường hợp này tôi cho
rằng chính quyền cũng đã cân nhắc thấy rằng việc trả tự do cho một số người bất
đồng chính kiến như vậy cũng không có ảnh hưởng gì lớn đến an ninh của mình,
nên mới có thể làm."
Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho
rằng đợt thả tù nhân đã đang diễn ra này 'chắc chắn' có sự tác động 'đặt vấn
đề' của cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong đó là vai trò
của Hoa Kỳ, mà gần đây thông qua chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng John
Kerry.
Nhân dịp này, Giáo sư Thuyết cho
rằng Việt Nam nên thay đổi cách nhìn với giới bất đồng chính kiến ôn hòa, ông
nói:
"Trong một xã hội dân chủ, việc
một số người có ý kiến khác với chính quyền, thì chuyện đó cũng là chuyện bình
thường, không có vấn đề gì quá đặc biệt, đến mức phải cách ly họ khỏi cuộc
sống, trừ trường hợp mà họ cầm vũ khí chống lại chính quyền, nhà nước, thì cái
đó ở nước nào người ta cũng phải xử lý thôi."
Hôm thứ Bảy, một cựu thành viên Ban
Cố vấn Thủ tướng Chính phủ thời kỳ nội các Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói
với BBC có ba lý chính tác động vào việc thả tù nhân chính trị của Việt Nam lần
này.
"Vừa qua, sau khi Việt Nam được
bầu vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, thì sự chú ý của công luận của thế giới
đối với tình trạng nhân quyền của Việt Nam đã tăng lên rất rõ rệt," Tiến
sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC từ Hà Nội.
"Và những người hoạt động để
ủng hộ và bảo vệ nhân quyền và muốn đề xuất yêu cầu thả những người bị bắt vì
những sự biểu đạt chính kiến của họ một cách hòa bình - thì đề nghị là được
thả, và những người đó đã tiếp xúc với nhiều sứ quán của các nước ngoài, cũng
như là được trình bày ở những diễn đàn khác nhau."
'Nộp bản tiếp thu phê bình'
Tiến sỹ Doanh nhận định thêm:
"Hơn thế nữa, Việt Nam sắp tới đây sẽ tích cực đàm phán để gia nhập Hiệp
định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó cũng có những yêu cầu nhất
định về nhân quyền, mà như những yêu cầu này không được thông qua, thì Thượng
Nghị viện Hoa Kỳ có lẽ sẽ không chuẩn y Hiệp ước TPP đó, trong đó có trường hợp
của Việt Nam."
Hôm 13/4, Tiến sỹ Nguyễn Quang,
nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự
giải thể) nói với BBC, Việt Nam có bốn điều mong muốn được đổi lại qua việc thả
tù nhân hiện nay.
Ông nói: "Rất có thể đáp ứng
những sức ép từ bên ngoài... thí dụ đàm phán TPP với Mỹ, cải thiện quan hệ với
Mỹ, cải thiện quan hẹ với Liên minh châu Âu (EU),
"Và bây giờ là giữa tháng Tư,
hơn một tháng nữa, Việt Nam phải trả lời, nộp bản tiếp thu của mình đối với
Kiếm điểm Phổ quát về Nhân quyền (UPR), với tư cách là thành viên Hội đồng nhân
quyền của Liên Hợp quốc, lúc đó Việt Nam phải làm một cái gì đó..."
Nhân dịp này, trước câu hỏi lấy gì
để bảo đảm Việt Nam sẽ chấm dứt trong tương lai việc bắt - thả có điều kiện các
tù nhân lương tâm mà một số nhà quan sát ví như các 'con tin', phục vụ công tác
đối ngoại hoặc đàm phán quốc tế, cũng như để đạt một lộ trình nguyên tắc thả
các nhà bất đồng ôn hòa và không tái phạm, TS Quang A nêu quan điểm:
"Tôi nghĩ rằng không có một
cách nào khác là sức ép từ xã hội, từ người dân của Việt Nam, phản đối kịch
liệt tất cả những việc bắt bớ tùy tiện như thế, đồng thời với sức ép từ bên
ngoài
"Nếu sức ép từ bên trong và bên
ngoài đều hết sức mạnh mẽ và phối hợp nhịp nhàng, thì tôi nghĩ rằng chính quyền
sẽ phải thay đổi."
'Ngoại giao đóng vai bắt thả'
Hôm Chủ Nhật, cựu quan chức ngoại
giao Đặng Xương Hùng nói với BBC, phía sau những động cơ và lý do của đợt thả
tù nhân chính trị và bất đồng chính kiến, lần này các diễn biến cho thấy ngành
ngoại giao Việt Nam đã phát huy vai trò để tham mưu cho chính phủ và chính
quyền phụ hợp hơn trong tình hình mới.
Trước hết, ông Hùng nói về cách thức
và quy trình đi tới ra quyết định thả tù nhân ra sao:
"Bắt ai, thả ai, tôi nghĩ rằng cái này được Bộ Ngoại
giao và Bộ Công an quyết định thôi. Tôi nghĩ rằng chắc phân tích của Bộ Ngoại
giao hiện nay cho thấy là khi mà ta (Việt Nam) đã vào Hội đồng Nhân quyền
(LHQ), nhất là khi ta đã ký Công ước chống tra tấn, rồi ta đã kiểm điểm định kỳ,
rồi trước những dấu hiệu khả quan của TPP,
"Thì Bộ Ngoại giao mới đề xuất lên rằng trước tình hình
đó, cần phải cải thiện hình ảnh về nhân quyền ở Việt Nam, trước mắt thả những
tù nhân chính trị, thì cái này sẽ được bàn với Bộ Công an, rồi đưa ra Bộ Chính
trị, Bộ Chính trị sẽ có những quyết định như vậy."
Tuy nhiên, ông Hùng cũng đặt câu hỏi liệu đây chỉ là một động
thái đáp ứng điều kiện quốc tế nhất thời, hay là một bước thay đổi thực sự về
tư duy của Đảng và chính quyền, ông nói:
"Tôi thấy rằng đấy có thể là tiến trình, cách làm như vậy
và đi đến giải pháp là thả tù chính trị, thả tù nhân lương tâm, cái này thực chất
là để đạt được mục tiêu là TPP,
"Hay đây là một hình thức là cởi mở có sự thay đổi nhất
định, đã thay đổi trong tư duy ở trong con người rằng là tình hình thế giới,
tình hình thông tin thế giới như hiện nay, chính quyền không thể bưng bít được
tất cả những thông tin, ta nên có một cách tư duy, cách suy nghĩ khác trước đi
một chút."
"Thì đấy là niềm vui còn nếu chỉ là nhằm mục tiêu của
TPP, thì đó chỉ là một hành động cụ thể nào thôi," cựu quan chức Ngoại
giao nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét