Thủ tướng Đức và Chủ tịch Trung Quốc xem
bản đồ Trung Quốc cổ thế kỷ 18
|
Chuyến
thăm của ông Tập Cận Bình tới Đức hôm 28/3 đã kết thúc với nhiều câu chuyện bên
lề khá đặc biệt. Thông qua những câu chuyện này cho thấy một nước Đức khá
"tỉnh táo" trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Lời từ chối khéo và món quà đầy
"ý nghĩa"
Có một câu chuyện không nhiều người biết trước chuyến thăm châu Âu
của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hồi cuối tháng Ba chính là sự việc ông
muốn đến thăm Đài tưởng niệm Holocaust ở Đức.
Trước khi đến thăm quốc gia đứng đầu khối Liên minh châu Âu, ông
Tập Cận Bình đã có nhã ý muốn tới thăm khu tưởng niệm những nạn nhân Do Thái đã
thiệt mạng trong Thế chiến II. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ
chối lời đề nghị này.
Giới phân tích chính trị khẳng định việc ông Tập muốn đến đó không
hẳn là vì một "thành ý" mà chẳng qua chỉ là một thông điệp ngầm nhằm
chứng minh với Đức hay những nước khác rằng, Trung Quốc "đàng hoàng"
hơn Nhật Bản.
Theo tờ The Washington Post, Thủ tướng Đức đã nhắn gửi thông điệp
ngoại giao tới Chủ tịch Trung Quốc rằng ông có thể tới thăm Đài tưởng niệm
Holocaust với tư cách cá nhân. Phía chính phủ Đức sẽ không thực hiện một chuyến
thăm ngoại giao mang tính chất nhà nước tới địa điểm đặc biệt này.
Nổi trội nhất và cũng là câu chuyện được giới truyền thông bàn tán
mạnh nhất chính là việc Thủ tướng Đức đã có một món quà có nhiều ý nghĩa cho
ông. Đó là tấm bản đồ cổ của Trung Quốc. Tấm bản đồ được trao cho ông Tập trong
ngày 28/3, ngày đầu tiên của chuyến thăm tới Đức.
Đây là tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736 -
1795) do nhà bản đồ học người Pháp là Jean-Baptiste Bourguignon
d'Anville vẽ, được một nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735.
Theo tờ Vesti của Nga, trên tấm bản đồ này lãnh thổ Trung Quốc
không bao gồm các vùng Tây Tạng, Tân Cương, Mãn Châu Lý. Các đảo Hải Nam và Đài
Loan trên bản đồ này thì được tô màu khác với lãnh thổ Trung Hoa. Và điều đặc
biệt khác nữa chính là bản đồ này không hề có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
của Việt Nam và những phần khác của Biển Đông.
Chính sách ngoại giao khéo léo của Đức
Hai câu chuyện tuy chỉ là sự kiện bên lề của một chương trình
ngoại giao cấp cao giữa hai quốc gia, tuy nhiên nó đã cho thấy một nước Đức rất
“đề phòng” Trung Quốc.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và muốn trở thành một
trong những cường quốc lớn mạnh nhất thế giới, việc các quốc gia khác buộc phải
quan tâm và xem trọng ngoại giao với Bắc Kinh là điều dễ hiểu.
Bởi có mối quan hệ tốt với Bắc Kinh, thì quốc gia đó sẽ có cơ hội
tiếp cận với một thị trường hơn 1 tỷ người và một nguồn tài nguyên giá rẻ.
Đức không nằm ngoài xu hướng hướng đông này của thế giới. Giao
thương giữa quốc gia đông dân nhất thế giới và nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào
năm ngoái đã vượt mức 161,5 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất
của Đức ở châu Á, còn Đức là bạn hàng số một của Trung Quốc tại châu Âu.
Theo nhật báo Đức Handelsblatt, nhân chuyến công du của ông Tập
Cận Bình, thị trường Frankfurt có thể sẽ khai trương một cơ chế giao dịch dùng
đồng nhân dân tệ Trung Quốc, điều chưa từng có tại châu lục này.
Tuy vậy, Đức không hoàn toàn để những cái lợi về kinh tế này điều
khiển mối quan hệ giữa hai bên, đặc biệt là sức ảnh hưởng của Trung Quốc hiện
nay đối với các vấn đề thế giới có thể tạo cho Bắc Kinh thế “trên cơ” tại các
diễn đàn quốc tế.
Đức đã tỏ ra khéo léo khi từ chối thiết kế một chuyến thăm cấp nhà
nước tới Đài tưởng niệm Holocaust. Việc viếng thăm đài tưởng niệm những người
Do Thái thường là một phần quan trọng trong chuyến thăm Berlin của nhiều vị
khách, với ông Tập thì sẽ trở thành một chuyến thăm nhạy cảm.
Theo tờ Der Spiegel của Đức cho biết, lý do thực sự không
liên quan nhiều chủ đề người Do Thái. Nguyên nhân là vì giới quan chức Đức lo
ngại rằng họ sẽ bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản thường rất căng thẳng khi
nói đến một đền thờ chiến tranh có tên là Yasukuni tại Tokyo. Đây là đền thờ
những người lính đã khuất trong Chiến tranh thế giới thứ 2, bao gồm cả những vị
tướng lĩnh từng bị xét xử vì tội ác chiến tranh.
Việc Trung Quốc muốn tới thăm Đài tưởng niệm Holocaust có thể nhằm
nêu bật sự trái ngược giữa cách thức đối mặt với hậu chiến tranh của Nhật Bản
với sự hối lỗi của người Đức. Và rõ ràng là Đức đã không mắc bẫy Tập Cận
Bình để trở thành “kẻ thứ ba” trong mối quan hệ phức tạp này.
Đồng thời với đó, việc Thủ tướng Angela Merkel tặng tấm bản đồ cổ
không bao gồm các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đã xâm chiếm hoặc muốn xâm chiếm
đã "dội một gáo nước lạnh" vào những tuyên bố chủ quyền gần đây của
Bắc Kinh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà họ luôn miệng khẳng định họ
có "bằng chứng lịch sử".
Báo Đất Việt trích dẫn lời một cư dân mạng người Trung Quốc được
đăng tải trên Tạp chí Time cho biết: “Chúng tôi luôn nói rằng những khu vực
trên là một phần không thể tách rời của Trung Quốc từ thời cổ đại. Vậy mà bà
Merkel lại nói với chúng tôi rằng thậm chí đến thế kỷ 18 những khu vực ấy vẫn
không thuộc về Trung Quốc”.
Đây thực sự là một vố khá “hụt hẫng” của Bắc Kinh trong quan hệ
Trung Quốc – EU. Thông qua tấm bản đồ, nước Đức muốn ám chỉ rằng họ không công
nhận những tuyên bố chủ quyền táo tợn gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông cũng
như một số khu vực khác. Không chỉ có Đức, các quốc gia EU cũng luôn thể hiện
quan điểm khá rõ ràng về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và đề nghị
các bên liên quan phải giải quyết vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế.
Nguồn:
Infonet, 05/04/14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét