THU HẰNG
Đó là vấn đề đáng lưu ý được đưa ra tại buổi công bố chỉ số hiệu
quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2013, do Trung tâm
Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng - CECODES (thuộc Liên hiệp Các hội
KH-KT Việt Nam), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt
Nam phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức sáng
2-4.
Nhìn tổng quát, chỉ số PAPI năm 2013 cho thấy mức độ hài lòng của
người dân đối với hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh có gia tăng.
Vấn đề kiểm soát tham nhũng, quyết tâm chống tham nhũng cũng như vấn đề công
khai, minh bạch có cải thiện. Tuy nhiên, tham nhũng và hối lộ trong khu vực
công cũng như tình trạng lót tay để vào làm việc trong các cơ quan nhà nước vẫn
còn là vấn đề thường trực ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trên cả nước.
Đi học, khám bệnh, làm giấy tờ… đều có “lót”
Ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn chính sách về cải cách hành chính
và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt
Nam, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết cảm nhận của người dân về tham nhũng và
hối lộ trong khu vực công không giảm. Cụ thể khi được hỏi về hiện tượng tham
nhũng và hối lộ trong khu vực công, nhiều người dân đều đồng ý với nhận định
rằng phải đưa hối lộ khi xin cấp phép xây dựng, xin giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, đi học, khám, chữa bệnh, xin việc làm… và con số cảm nhận về tham
nhũng và hối lộ ở các lĩnh vực này đều tăng so với năm trước. Chỉ duy nhất lĩnh
vực y tế, tỉ lệ người dân cho rằng phải đưa hối lộ khi khám, chữa bệnh ở bệnh
viện công tuyến quận/huyện có giảm 2% so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao 40%.
Trên các số liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu cho rằng tham
nhũng tiếp tục là một trong những vấn đề kinh tế-xã hội mà người dân cho rằng
đáng lo ngại nhất trong năm 2013. “Bình quân một trong bốn người được hỏi cho
rằng tham nhũng là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay. Kết quả
khảo sát cho thấy điểm số về kiểm soát tham nhũng vẫn còn thấp và cần phải cải
thiện hơn nữa để người dân hài lòng hơn” - ông Jairo nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, GS-TS Đặng Ngọc Dinh,
Giám đốc CECODES, nói: “Sở dĩ tham nhũng, hối lộ trong khu vực
công vẫn phổ biến và chưa được cải thiện là vì những vấn đề căn bản liên quan
đến tham nhũng hiện nay chưa được giải quyết”. Những vấn đề căn bản, theo ông
Dinh, là trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với người dân chưa cao, sự
tham gia người dân vào các hoạt động của chính quyền địa phương còn hạn chế,
trong khi đó hoạt động của ban thanh tra nhân dân còn yếu… “Tất cả những điều
đó cho thấy vấn đề giám sát và kiểm soát tham nhũng hiện nay còn yếu, vai trò
của người dân trong phòng, chống tham nhũng chưa được phát huy. Tham nhũng vặt
hiện nay chưa có dấu hiệu ngừng và đang ở mức độ phổ cập hóa và bị bão hòa chưa
có sự cải thiện. Điều này cũng cho thấy nỗ lực phòng, chống tham nhũng của
chính quyền địa phương chưa mang lại ý nghĩa lớn” - ông Dinh nhìn nhận.
Muốn vào cơ quan nhà nước phải có “ô dù”
Báo cáo PAPI 2013 cho hay lĩnh vực nhiều người dân cho rằng phải
hối lộ nhiều nhất là xin việc vào cơ quan nhà nước với tỉ lệ 44%, ngang với năm
2012 (trong khi đó năm 2011 chỉ là 28%). Theo ông Jairo, ngoài việc nhìn nhận
thực trạng phải hối lộ để được vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, tỉ lệ
người dân cho rằng quan hệ quen biết với người có chức, có quyền trong khu vực
nhà nước là quan trọng và rất quan trọng khi xin việc làm tại đây. Cụ thể, qua
khảo sát có đến từ 51% đến 60% người dân đều nhìn nhận quan hệ quen biết có tầm
quan trọng để xin vào làm nhân viên văn phòng UBND cấp xã, công chức địa chính,
giáo viên tiểu học, công chức tư pháp, công an cấp xã. Tỉ lệ này cao hơn năm
trước khá nhiều. Trong đó, số người dân cho rằng dựa vào quan hệ quen biết để
vào được chức danh địa chính chiếm tỉ lệ cao nhất 60%.
Theo TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc CECODES, lót tay để có được
việc làm trong khu vực nhà nước vẫn còn phổ biến ở tất cả tỉnh, thành. Người
dân vẫn cho rằng “chủ nghĩa vị thân” vẫn còn rất phổ biến. “Trong đó, các tỉnh
miền núi như Lai Châu, Kon Tum và Đắk Nông người dân cho rằng việc thân quen
được xem là rất quan trọng khi xin việc làm vào các cơ quan nhà nước. Chỉ có
tỉnh Bình Dương, Tiền Giang và Long An được người dân đánh giá ít có hiện tượng
dựa vào người thân quen để xin vào làm việc trong các cơ quan nhà nước” - ông
Giang nói.
“Phát hiện từ PAPI về tầm quan trọng của việc thân quen với người
có chức, có quyền để có được việc làm trong khu vực nhà nước đang là một thách
thức lớn. Đã đến lúc khu vực nhà nước cần đẩy mạnh áp dụng tuyển dụng công
khai, minh bạch, dựa trên thực lực của ứng viên vào các vị trí công vụ để cải
thiện chất lượng dịch vụ công, nâng cao mức độ hài lòng của người dân” - TS
Giang lưu ý.
Nguồn: Pháp luật, 3-4-2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét