Phỏng vấn T/S Alan Phan về những dự đoán và các kịch bản khác nhau
cho nền kinh tế trong 15 năm tới.
Do Trần Lương thực hiện – Phóng Viên Độc Lập tại Hoa Kỳ – 4
April 2014
PV: Ông từ chối không đưa ra dự
đoán cho nền kinh tế nước nhà trong những năm tới. Ông có thể cho biết lý do?
Alan Phan: Muốn có một dự đoán khoa học tương đối chính xác,
chúng ta cần những số liệu thống kê khả tín, và hiểu rõ những tác động của thị
trường cùng các tham dự viên. Ở Việt Nam, những con số chính thức thường được
ngụy tạo, thổi phồng; và yếu tố tác động lớn nhất lên nền kinh tế là từ chính
sách của nhà cầm quyền, trung ương cũng như địa phương, sau bức màn tre. Tôi
không nghĩ các chuyên gia có thể vượt qua rào cản này để dự đoán có một góc độ
chính xác nào theo chuẩn thế giới.
PV: Nhưng
ông lại đồng ý đưa ra dự đoán trong dài hạn, vào 2030?
Alan Phan:
Về lâu về dài, các số liệu không đo lường chính xác lắm vì những biến
chuyển liên tục của tình thế. Chúng ta có thể hình dung một tương lai rõ rệt
hơn khi dựa trên những trào lưu (trends) của toàn cầu và Đông Nam Á (ASEAN), và
những tác động tiêu biểu của đặc tính quốc gia. Tuy nhiên, phải nói ngay là
định kiến chủ quan và trực giác của cá nhân sẽ là những nguyên tố chính tạo ra
dự đoán. Do đó, nhiều chuyên gia thống kê sẽ không đồng thuận với phương cách
này.
PV: Vậy
vào khoảng 2030, tình hình tổng quan toàn cầu ra sao, theo ông?
Alan Phan: Tôi nghĩ trừ trường hợp có những đột phá về công
nghệ cao, như Internet thời 80’s; hoặc chiến tranh lớn, hoặc một biến cố “thiên
nga đen” (black swan), kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng theo tốc độ
hiện nay, khoảng 4 đến 5% mỗi năm; cùng với vài khủng hoảng nhỏ từng vùng,
không đáng kể. Thay đổi nhiều nhất có lẽ là Trung Quốc, từ XHCN chuyển qua một
định chế “dân chủ vỏ bọc“gần giống Nga hiện nay: một nền kinh tế chính trị có
hình thức tư bản nhưng thực sự được kiểm soát chặt chẽ bởi các đại gia liên kết
với cựu quan chức an ninh (mafia-led oligarchs).
PV: Sự
thay đổi ở cường quốc kinh tế số 2 Trung Quốc không có ảnh hưởng nhiều
đến kinh tế thế giới?
Alan Phan: Sẽ gây ra nhiều thay đổi tại Trung Quốc, nhưng tựu
trung thì đóng góp về GDP cho kinh tế toàn cầu vẫn không khác biệt lắm. Trong
nước, thế lực chỉ đạo sẽ chuyển từ các doanh nghiệp nhà nước sang các tài phiệt
“thân hữu”. Thành phần trung lưu sẽ gia tăng theo tiến độ của trào lưu thế
giới; người giàu sẽ giàu hơn rất nhiều; nhưng bù lại, người nghèo sẽ gặp khó
khăn hơn trong việc mưu sinh.
PV: Còn
Việt Nam? Chúng ta sẽ ở đâu trong bàn cờ này?
Alan Phan: Tôi nghĩ Việt Nam sẽ sao chép mô hình kinh tế như
Trung Quốc và Nga, dù sẽ chậm hơn, và sẽ ở một mức độ nhỏ hơn.
PV: Như
vậy, liệu thu nhập mỗi đầu người có cao hẳn và bắt kịp các nước láng giềng?
Alan Phan: Gánh nặng của bộ máy chánh phủ và sau này, đặc
quyền của các nhóm lợi ích quá nhiều để Việt Nam có thể chạy nhanh trong cuộc
đua kinh tế toàn cầu. Dù GDP mỗi đầu người vào 2030 có thể lên đến $6,700 (theo
Goldman Sachs dự đoán, khoảng bằng Thái Lan hiện nay), chúng ta vẫn thua xa các
nước ASEAN khác như Singapore, Mã Lai hay Brunei. Ngay cả Lào và Campuchia cũng
sẽ qua mặt Việt Nam về thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, chúng ta có một lợi điểm là
FDI sẽ tăng trưởng ấn tượng, dù có hay không có hiệp định TPP. Lý do là các nhà
đầu tư ngoại sẽ chọn Việt Nam hơn là Trung Quốc vì đồng tiền của họ dễ gây ảnh
hưởng trên chính sách và thị trường ở Việt Nam hơn là tại Trung Quốc. Bù lại,
kinh tế Việt Nam càng ngày càng bị đô hộ bởi tiền và công ty ngoại.
PV: Như
vậy, nền độc lập nước nhà sẽ bị đe dọa?
Alan Phan: Chúng ta vẫn tư duy theo lịch sử 100 năm trước. Mục
tiêu của Tây Phương khi chiếm lãnh các thuộc địa là để khai thác tài nguyên và
bòn rút các tài sản khác như lao động, thị trường… để làm lợi cho mẫu quốc. Họ
đã dùng vũ lực, để chiếm đất và thực hiện ý đồ. Ngày nay, họ đạt mục tiêu rẻ
hơn nhiều. Chỉ cần chia chác cho các quan chức lãnh đạo của những thuộc địa cũ.
Trên thế giới, ai cũng phải làm ăn với
tư bản, trắng hay vàng hay đen. Kể cả các nước giàu như Singapore, Hàn
Quốc…Điều quan trọng là phải làm sao thương lượng để lấy phần bánh lớn khả thi
nhất cho quốc gia mình. Sau đó, phải có lương tâm để chia công bằng cho mọi
tầng lớp dân chúng.
PV: Nhiều
người cho rằng với những tệ nạn như tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo, tình
trạng suy thoái…bất ổn xã hội ở Việt Nam có thể tạo ra những con thiên nga đen
rất lớn, tạo một đổi mới quan trọng về thể chế và liên hệ với Trung Quốc hay
Tây Phương?
Alan Phan: Bất ổn sẽ có, nhưng tôi không nghĩ nó đủ mạnh để
thay đổi nhiều vì năm lý do chính. Một là đảng Cộng Sản cầm quyền hiện có
khoảng hơn 10 triệu đảng viên và gia đình (hơn 10% dân số), tạo một hậu thuẫn
chắc chắn cho chế độ. Hai là quyền lực cảnh sát công an bao trùm khắp xã hội và
đảng biết sử dụng vũ khí này khá hữu hiệu. Ba là trào lưu tiến bộ của khắp thế
giới sẽ đem đến cho đa số người dân một mức sống cao hơn hẳn so với trước đây
vì họ bắt đầu ở một vị trí rất thấp. Bốn là dân trí nói chung vẫn “ngu hơn
lợn”. Sau cùng, các cường quốc có sức ảnh hưởng đến Việt Nam không thấy nhu cầu
chính trị hay kinh tế để khuấy động vũng bùn.
PV: Vậy
các vấn nạn như nợ xấu ngân hàng, bong bóng BDS, nợ công hay yếu kém của các
doanh nghiệp sẽ tự động biến mất, không cần giải quyết?
Alan Phan: Tôi không nghĩ chánh phủ, hay tư nhân, hay ngay cả
các nhóm lợi ích, biết cách để giải quyết vấn đề. Sau 5 năm, với lạm phát trung
bình khoảng 10% hay qua một điều chỉnh tỷ giá, giá trị nợ xấu hay BDS sẽ giảm
50% và các thành phần liên quan sẽ tự điều chỉnh. Đây là hình thức gián tiếp để
đa số người dân trả nợ dùm các đại gia, nhưng sau một thời gian dài, chẳng mấy
ai nhớ đến thủ đoạn này. Còn nợ công, dù có tuyên bố phá sản như Argentina hay
Zimbabwe, không ai có thể phát mãi tài sản của một quốc gia, nên rồi cũng huề
cả làng.
PV: Xin
ông tổng kết quan điểm của ông. Lạc quan hay bi quan cho một Việt Nam vào 2030?
Và lời khuyên cho các doanh nhân?
Alan Phan: Chẳng có gì để lạc quan hay bi quan. Nói chung Việt
Nam sẽ không hóa rồng hay quang vinh như các bác thích võ mồm. Nhưng cũng không
tệ lắm nếu so sánh với các quốc gia nghèo và đói khổ ở Phi Châu.
Thêm vào đó, nếu chúng ta may mắn có
được một chánh phủ có tầm nhìn xa rộng, biết hội nhập thực sự vào nền kinh tế
thị trường và không “ích kỷ” lắm, thì Việt Nam có thể tìm được vài đột phá nhỏ
và vượt qua Indonesia, Phillipines…
Riêng với các bạn doanh nhân, sự thành
công hay thất bại vẫn tùy thuộc phần lớn vào cố gắng cá nhân. Tìm một sản phẩm
mình đam mê, nghiên cứu cẩn thận về mô hình, kế hoạch, thị trường, chuẩn bị cho
mọi rủi ro…rồi dồn hết tâm trí và ý chí để phát triển. Sớm hay muộn, bạn sẽ đến
đích.
PV: Xin
cám ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét