Tại các nước Đông Á
như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, một thành tố thực thể nhất thiết của hầu
hết tư tưởng chính trị là chủ nghĩa dân tộc. Và nếu như tại các nước châu Âu
phát triển nhất, các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở bên lề đời sống văn
hóa và xã hội, thì ở khu vực Đông Á và nhất là Hàn Quốc, tác động của chủ nghĩa
dân tộc vẫn rất lớn.
Đáng chú ý là tháng
Giêng năm nay, chính phủ Trung Quốc đã quyết định tranh thủ cảm tình của người
Triều Tiên trong cuộc xung đột Trung-Nhật hiện nay - nhà cầm quyền Trung Quốc
thực hiện bước đi mang tính biểu tượng. Họ cho phép khai trương Bảo tàng tại
nhà ga Cáp Nhĩ Tân, dành tưởng niệm người Triều Tiên An Trung Căn, nhân vật dân
tộc chủ nghĩa cách đây cả thế kỷ (vào năm 1909) đã ám sát một chính khách hàng
đầu của Nhật Bản là Ito Hirobumi tại nhà ga này.
Thật khó hình dung nếu tại nơi
nào đó ở châu Âu sự kiện từ hơn trăm năm trước bây giờ lại được tiếp nhận như
một phần của chính sách hiện hành. Còn ở Đông Á ý nghĩa chính trị quan trọng
hàm chứa ngay cả trong những gì xảy ra hàng nghìn hoặc thậm chí vài nghìn năm
xa xưa.
Cội nguồn sức sống
của chủ nghĩa dân tộc Đông Á là ở đâu? Có một số nguyên nhân.
Thứ nhất, bản tính
đơn chất thượng phong của dân tộc đa số ở hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Về thực chất, ở Hàn Quốc cũng như ở Nhật Bản vắng bóng dân tộc thiểu số (hay
nói chính xác hơn thì cho đến thời gian gần đây vẫn không có). Ở Trung Quốc,
hiện diện các dân tộc thiểu số nhưng tất cả tính chung chỉ chưa đầy 10% trong
tổng số của cộng đồng dân cư khổng lồ ở nước này. Dễ hiểu là trong bối cảnh như
vậy, nguồn sức mạnh dù hiện thực hay thêu dệt hư cấu làm chủ nghĩa dân tộc thẩm
thấu trong máu thịt và lịch sử sẽ đạt thành công hơn.
Thứ hai, cái nôi lịch
sử của chủ nghĩa dân tộc là châu Âu đã bị thiệt hại chính vì tư tưởng này trong
Thế chiến II. Chịu trách nhiệm chính về những sự kiện thời 1939-1945, không cần
bàn cãi gì nữa, là chủ nghĩa dân tộc Đức cực quyền, khét tiếng với tên gọi chủ
nghĩa Quốc xã. Tuy nhiên, ban đầu chủ nghĩa dân tộc đã hình thành như là một bộ
phận của phong trào xã hội châu Âu và phần nhiều phân định ý thức hệ cũng như
đời sống văn hóa cả của nhiều nước châu Âu hồi những năm 30 của thế kỷ trước.
Đi qua cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc, đối với hầu hết người châu Âu sau
năm 1945 chủ nghĩa dân tộc gắn liền với tổng thể ý niệm chiến tranh, đau khổ và
chết chóc.
Ở Đông Á không diễn
ra thực tế như vậy. Tất nhiên, các nước châu Á cũng bị ảnh hưởng tổn thất nặng
nề bởi quân phiệt Nhật Bản hiếu chiến hồi nửa đầu của thế kỷ XX. Nhưng phần lớn
họ không đổ lỗi cho chủ nghĩa dân tộc chung chung, mà chỉ thấy cụ thể là do chủ
nghĩa dân tộc Nhật Bản. Các thành viên dân tộc chủ nghĩa tại những nước khác
của Đông Á khi đó đều tự coi mình là nạn nhân, và trong mọi trường hợp không
thấy phần trách nhiệm về những gì xảy ra trong cuộc Thế chiến II.
Thứ ba, tất nhiên,
đóng vai trò lớn trong việc giảm thiểu chủ nghĩa dân tộc trên địa bàn châu Âu
hiện đại là sự xuất hiện của Liên minh châu Âu. Dù không ít vấn đề và nhược
điểm, Liên minh châu Âu hiện vẫn là tổ chức được sự ủng hộ của đa số cư dân các
nước thành viên. Dễ hiểu là sự tồn tại của Liên minh này khó lòng bền vững nếu
tồn tại chủ nghĩa dân tộc đại chúng ở các quốc gia thành viên. Còn ở châu Á
chưa có Liên minh chung của châu lục, do đó chưa bộc lộ yêu cầu phải thu xếp sự
dung hòa tương tự.
Chính vì thế, các
tranh luận ở các nước Đông Á về quá khứ, kể cả quá khứ xa xưa, chắc sẽ không
tránh khỏi mang tính chính trị. Còn quan hệ giữa những đất nước này hôm nay
phản chiếu bóng dáng ký ức về những lỗi lầm quá vãng, hiện thực và hư ảo. Tất
cả những điều đó khá đáng buồn, nhưng tình hình như vậy có lẽ chưa thay đổi
trong tương lai gần.
Nguồn: http://vietnamese.ruvr.ru/ (Tiếng nói nước
Nga), 6-2-2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét