Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Người Tatar ở Crimea: NHỮNG HỆ LỤY LỊCH SỬ

Người Tatar ở Crimea
Nguyễn Hoàng Linh
Đối phó với những động thái diễn ra trong gần một tháng nay, không ít người thuộc sắc dân Tatar ở Crimea (Crimean Tatars) đang rời nơi họ sinh sống. Hiện đang chiếm tỉ lệ 12% trong số 2,3 triệu cư dân bán đảo Crimea, một bộ phận người Tatar đang chọn Kiev làm điểm đến trong những ngày này, để tránh viễn cảnh nơi này bị sáp nhập vào Liên bang Nga.
Chỉ riêng trong thứ Ba tuần trước, đã có 265 người - đa phần là phụ nữ và trẻ em - đã đến thủ đô của Ukraine “lánh nạn”, theo con số của chính quyền Ukraine. Cơ quan biên phòng nước này thì cho biết, ngày thứ Tư, đã lại có thêm 557 người Tatar rời bán đảo Crimea.
Có chăng, một làn sóng di tản - một exodus của thời hiện đại - của những người Tarar ở Crimea, sau khi Ban lãnh đạo thân Nga ở bán đảo này bằng mọi giá muốn trở về với Moscow? Tại sao họ lại muốn ra đi?

Không quên hệ lụy quá khứ!
Bằng việc tẩy chay và không thừa nhận tính hợp thức của cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-3, người Tatar ở Crimea đã bày tỏ nguyện vọng một cách rõ ràng: muốn mảnh đất này tránh được cảnh ly khai để ở lại với Ukraine. Cho dù họ cũng ý thức được rằng trước khoảng 75% cư dân gốc Nga chiếm tỉ lệ áp đảp ở Crimea, lời lẽ hoặc mong muốn của họ không có nghĩa lý gì.
Nhìn lại lịch sử, nhưng quan ngại của người Tatar ở Crimea là dễ hiểu và có cơ sở. Chỉ trong vòng ba ngày, từ 18-5 tới 20-5-1944, gần hai trăm ngàn người Tatar ở Crimea bị tịch thu gia sản, sau đó bị nhồi vào những toa tàu đóng kín và đày ải tới vùng Trung Á, chủ yếu là tại Nước Cộng hòa XHCN Uzbekistan thuộc Liên bang Xô-viết.
Quyết định này được đưa ra bởi Ủy ban Quốc phòng Nhà nước (GKO) là cơ quan có nhiệm vụ và chức năng chỉ đạo Liên Xô trong thời Đệ nhị Thế chiến, mà người đứng đầu là nhà độc tài Stalin. Theo như những hồi tưởng, những nhân viên mật vụ chính trị (NKVD - Bộ Dân uỷ Nội vụ) đã đi tới từng nhà và chỉ để 15-30 phút cho các hộ gia đình để họ thu xếp đồ đạc cá nhân cho chuyến đi.
Có nhiều người, thay vì chuẩn bị thực phẩm, đồ ăn đi đường, đã có gắng mang nhiều gia sản. Khi đó, họ còn chưa thể biết rằng, chặng đường kéo dài hai tuần đã khiến nhiều người bị chết đói, chết khát trên những toa tàu hàng chật chội, bẩn thỉu và thiếu dưỡng khí. Ngay cả khi tới vùng đất mới hoang vu, vẫn có nhiều người bỏ mạng vì đói khát, bệnh tật và những hoàn cảnh khắc nghiệt tại đó.
Cùng lúc đó, các quân nhân người Tatar ở Crimea đang chiến đấu trong đội ngũ Hồng quân cũng bị giải ngũ và đưa tới các trại tập trung lao động cưỡng bức ở vùng Siberia và vùng núi Ural. Không chỉ số này, mà nhiều đồng hương của họ bị đưa đi trực tiếp từ Crimea cũng đã tham gia các dự án kinh tế quy mô lớn thuộc hệ thống “Gulag - Quần đảo ngục tù”, mà về sau được văn hào Solzhenitsyn đặc tả trong tác phẩm lớn của ông.
 Những ước tính cho thấy chỉ vỏn vẹn trong hai năm rưỡi, từ tháng 7-1944 tới tháng 1-1947, khoảng 46% tổng số người Tatar ở Crimea bị đày ải đã chết trong quá trình bị trục xuất và lưu đày. Trong ngôn ngữ của người Tatar ở Crimea, sự đày ải thời Xô-viết được gọi bằng từ “sürgün” và hậu duệ của những người Tatar ở Crimea không bao giờ quên những ngày tháng hãi hùng đó.
Một trong những lý do là vì, trái với nhiều sắc dân khác cũng bị Stalin đày ải trong Đệ nhị Thế chiến (*), nhưng sau đó đều được trở về quê hương, chí ít là sau cái chết của “nhà độc tài đỏ” năm 1953, trong thời kỳ hòa dịu của Tổng bí thư Khrushchev, người Tatar ở Crimea chỉ có cơ hội hồi hương sau những biến chuyển dân chủ của Liên Xô năm 1989.
Vì những sự kiện lịch sử đó, sự trở về của người Tatar ở Crimea gắn liền một cách mật thiết với sự sụp đổ của Đế chế Liên Xô, và việc Ukraine vươn mình trở thành một nước cộng hòa độc lập đầu thập niên 90 thế kỷ trước.
 Trừng phạt tập thể
Đằng sau sự trả thù của nhà độc tài Stalin nhằm vào sắc dân Tatar ở Crimea là một thực tế thời Thế chiến II: năm 1941, các đơn vị quân đội Xô-viết - một phần do quá suy yếu sau những đợt thanh trừng hàng loạt với quy mô lớn - đã không còn sức kháng cự và phải đầu hàng trước đạo quân của phát-xít Đức, lúc đó nhanh chóng gặt hái nhiều thắng lợi như chẻ tre.
Lúc đó, Tập đoàn quân số 51 của Quân đội Xô-viết đã phải rút quân, để Crimea vào tay Tập đoàn quân số 11 của Đức, và hai mươi ngàn quân nhân Liên Xô, trong đó người Tatar ở Crimea chiếm đa số, đã đào ngũ. Trong hồi tưởng của mình, tướng Erich von Manstein, Tổng tư lệnh đạo quân Đức chiếm được Crimea cho hay: đa số quân nhân người Tatar tỏ ra thân thiện với quân Đức.
Lý do là vì người Đức “tôn trọng các tập quán tôn giáo của dân Tatar”, theo vị tướng Đức. “Chúng tôi còn tổ chức những đội tự vệ có vũ trang để chiến đấu chống lại du kích quân của Nga”, tướng Erich von Manstein cho hay, và nói thêm là “phong trào du kích đã gây nhiều mối lo cho chúng tôi xuất phát từ những nhóm cư dân người Nga định cư tại Crimea”.
Với sự chấp thuận của người Đức, những ủy ban Tatar đã được thành lập và hoạt động bên cạnh sự giám sát của SS. Cho dù Hitler không ủng hộ việc thành lập một nhà nước độc lập của người Tatar ở Crimea, nhưng trong số những người này, có người do tinh thần chống Bolshevik nên đã đồng ý hợp tác với Đức trong một liên minh chống Liên Xô.
Cần nhấn mạnh rằng, không chỉ người Tatar ở Crimea, mà nhiều sắc dân tại Liên bang Xô-viết đương thời - như các dân tộc ở Trung Á, người ở vùng biển Baltic, người Ukraine và rốt cục, cả người Nga - cũng có những bộ phận không đồng tình với chính thể độc tài của Stalin nên theo quân đội Đức trong Đệ nhị Thế chiến.
Các số liệu của Nga cũng cho thấy, cho dù người Tatar ở Crimea chiếm tỉ lệ chừng 20% trong cư dân ở bán đảo này, nhưng tỉ lệ những người tham gia các lực lượng quân sự không chính quy của Đức thì nhỏ hơn thế nhiều. Tuy nhiên, dù vậy, và bên cạnh đó, cũng có hàng vạn quân nhân Tatar ở Crimea chiến đấu anh dũng trong hàng ngũ Hồng quân, sắc dân Tatar ở Crimea vẫn bị đày ải.
Không ít gia đình Tatar ở Crimea, khi những người đàn ông đang chiến đấu ngoài chiến trường trong Đệ nhị Thế chiến, thì vợ con, cha mẹ họ bị tước đoạt tài sản và tống đi những vùng xa xôi. Cho dù, vào thời điểm 1943, nhiều người Tatar trước đó phục vụ trong các đơn vị do quân Đức thiết lập (trên cương vị cảnh sát, gác tù binh...), thì đến khi này đã trốn đi làm du kích.
 Đồng thời, với thời gian, ngày càng có nhiều người Tatar hợp tác với quân đội Đức cũng bị bắt giữ vì phía Đức lo ngại rằng họ sẽ “phản chiến”, đó là trường hợp tiểu đoàn số 47 vào tháng 1-1944. Cùng năm, Đức đã cho giải ngũ một phần ba các đại đội của người Tatar ở Crimea (nhưng những người trung thành nhất thì được sung vào các đơn vị SS trong năm 1945).
Thống kê cho thấy, có tổng cộng 35 ngàn người Tatar ở Crimea chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân (kể cả những người về sau đào ngũ). Trong số đó, có năm người được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, phần thưởng cao quý nhất dành cho một quân nhân Xô-viết.
Lập quốc lần thứ hai
Nhìn lại lịch sử, khái niệm sắc dân Tatar ở Crimea - một phân nhóm của người Tatar - không đồng nghĩa với tất cả những người Tatar đến bán đảo Crimea của Ukraine. Đây là một tộc người có nguồn gốc Turk, hình thành ở bản địa của Crimea từ thế kỷ 11 và có sự giao thoa với các sắc dân thiểu số khác tại đây.
Cái tên Tatar chỉ được dùng từ thế kỷ 13, khi vị hãn Bạt Đô (cháu nội Thành Cát Tư Hãn) của Đế chế Mông Cổ có những cuộc chinh chiến chinh phục để thành lập Kim Trướng Hãn Quốc, một đế chế rộng lớn, đã cai trị cả Đại công quốc Rus Kiev (nước Nga cổ) và vùng Caucasus trong khoảng 250 năm, cũng như đã tấn công và hủy diệt hai nước Hungary và Ba Lan.
Trong lịch sử, tên gọi Tatar thường được dùng đồng loạt để chỉ mọi sắc dân thuộc Kim Trướng Hãn Quốc. Sắc dân Tatar ở Crimera xét về mặt nhân chủng học và ngôn ngữ học cũng không có có nhiều điểm giống với người Tatar ở Volga. Nửa thế kỷ sau khi bị xua đuổi khỏi Crimea, sự trở về của người Tatar ở Crimea đầu thập niên 90 thế kỷ trước được coi như lần lập quốc thứ nhìn của họ trong lịch sử.
Trong vòng hai chục năm, tỉ lệ người Tatar ở Crimea từ 1%, lên tới 20% trên tổng số cư dân bán đảo này, tạo nên sự thay đổi lớn trên bản đồ nhân chủng của Crimea. Tất nhiên, họ không được nhận lại nhà cửa cũ, nhưng từ năm 1990, cũng đã có ba trăm khu dành cho người Tatar ở Crimea được tạo dựng, đa phần thiếu thốn về điện, nước và hệ thống đường xá. Tỉ lệ thất nghiệp cũng cao.
Cho dù, Kiev vẫn coi những người Tatar ở Crimea là đồng minh thực sự, vì với sự hiện diện của họ có thể làm giảm đi thế “thượng phong” của người Nga tại bán dào này, nhưng để phát triển những khu vực có người Tatar sinh sống, chính quyền Kiev hàng năm chỉ để ra khoản kinh phí rất nhỏ, không thể đủ để giải quyết những vấn đề xã hội.
Trước diễn biến mới nhất vừa rồi tại bán đảo Crimea, bên cạnh những hậu quả có thể phát sinh trên chính trường thế giới, một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Liên bang Nga sẽ xử lý ra sao vấn đề sắc tộc, khi những thông tin sơ bộ cho thấy, một bộ phận không nhỏ người Tatar ở Crimea không muốn chấp nhận sự thống trị của Moscow tại quê hương mình?
(*) Tổng bí thư Nikita Khrushchev, trong bản báo cáo mật vạch trần một số tội ác của Stalin đọc tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 (tháng 2-1956), đã dành một phần riêng để nói về những cuộc đày ải các sắc dân thiểu số tại Liên Xô trong thời gian diễn ra Đệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, trường hợp của người Tatar ở Crimea đã không được nhắc tới trong phát biểu đó.

Nguồn: Nhịp Cầu Thế Giới Online, 21.03.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét