Quốc kỳ Transnistria |
Sau khi Nga nuốt chửng Crimée của Ukraina, người ta bỗng nhớ đến
tình trạng tương tự tại Moldova – quốc gia láng giềng cũng thuộc Liên Xô cũ.
Tổng thống Moldova lo ngại kịch bản Crimée sẽ lặp lại tại Transnistria - vùng
đất ly khai từ Moldova đã tuyên bố độc lập nhưng không có nước nào trên thế
giới công nhận, kể cả Nga. Quả thật ngay sau đó, ngày 21/03/2014 Nga đã cho tập
trận tạiTransnistria.
Để giúp độc giả hiểu thêm về Transnistria, một cái tên xa lạ với
người Việt, một « Nhà nước ma » hiếm hoi còn tồn tại trong thế kỷ 21,
Thụy My xin mời bạn đọc theo dõi bài phóng sự đặc sắc đăng trên báo Le Figaro
ngày 01/04/2014.
Chào mừng khách đến
thăm một đất nước không hiện hữu ! Đồn biên phòng chắn ngang con đường
ngăn cách Ukraina và Moldova, với những nhân viên hải quan đáng ngờ đội chiếc
nón kết to kiểu Liên Xô cũ, không hề có tư cách hợp pháp đối với quốc tế. Lá
quốc kỳ hai màu đỏ và xanh lá cây phấp phới trên cột cờ - lá cờ cuối cùng trên
thế giới còn mang hình búa liềm – là quốc kỳ của một Nhà nước không được bất kỳ
quốc gia nào công nhận.
Nước Cộng hòa Transnistria - vùng trắng luật pháp ở tận cùng
châu Âu, tuy vậy cũng sở hữu tất cả các biểu hiện chủ quyền : một thủ đô
là Tiraspol, một chính phủ, bộ máy cảnh sát và một lực lượng quân đội nho nhỏ.
Transnistria tự in đồng tiền riêng của mình là đồng rúp Transnistria và cấp hộ
chiếu cho các công dân. Nhưng sự hiện hữu của Transnistria chỉ được công nhận
bởi các định chế Liên Xô cũ cũng tự tuyên bố độc lập là Abkhazia, Nam Ossetia
và Nagorno-Karabakh.
ũng như những nước chư
hầu khác của đế quốc Liên Xô cũ, từ hơn hai mươi năm qua Transnistria vẫn được
Matxcơva hỗ trợ, với danh nghĩa bảo vệ những người nói tiếng Nga. Sự hiện diện
của Nhà nước ma này giúp Nga duy trì được các đội quân bên ngoài biên giới và
có thể can thiệp khi cần, tại những nơi Matxcơva coi là thuộc vòng ảnh hưởng
của mình.
Sau khi Crimée nhanh
chóng bị sáp nhập, người ta bỗng nhớ đến sự hiện hữu của nước cộng hòa ly khai
này, cũng như sự hiện diện của đội quân Nga tại biên giới phương đông của
Ukraina. Vladimir Putin cũng nhắc đến những quan ngại của ông ta đối với số
phận của nửa triệu người Transnistria, trong đó gần một phần ba mang quốc tịch
Nga.
Ông ta nói thế với ông
Obama, còn Obama thì "thuyết giáo" với Putin về Crimée. Ông Putin lại
thổ lộ với bà Angela Merkel, nhưng bà Merkel lại nói về Ukraina. Tướng không
quân bốn sao Mỹ Breedlove, Tham mưu trưởng NATO, cảnh cáo không nên lặp lại một
kịch bản giống như Crimée ở Transnistria, và biên giới Dnieper trở thành một
trong những điểm căng thẳng ở lục địa.
Một cuộc xung đột bị
đóng băng
Những động thái ngoại
giao này không ảnh hưởng mấy đến Transnistria. Trên dải đất hẹp có bề ngang chỉ
khoảng vài chục kilômét, nằm lọt giữa những khúc uốn của con sông Dnieper và
bình nguyên Ukraina, cuộc sống vẫn tiếp diễn như trước đây. Quân đội Nga canh
gác trên những chiếc cầu bắc qua dòng sông đối diện với phía tây, dường như
không bị đặt trong tình trạng báo động.
Hai ngàn lính Nga được
triển khai tại Transnistria từ khi ngưng bắn – làm ngưng lại cuộc chiến nho nhỏ
với Moldova năm 1992 - trên danh nghĩa, là lực lượng gìn giữ hòa bình. Nhưng
các thiết bị quân sự vẫn được tích trữ trên lãnh thổ, và cuộc xung đột bị đóng
băng này giúp Matxcơva đặt được một bàn chân vào khu vực biên giới giáp Liên
hiệp châu Âu.
Đi đến Transnistria,
cũng giống như làm một chuyến du hành ngược thời gian. Ở phía tả ngạn sông
Dnieper, người ta bỗng dưng bị đẩy vào một nước Liên Xô của năm 1984. Mỗi quảng trường đều có
một tượng Lênin, tay đút túi, cằm ngước lên hướng về một tương lai xã hội chủ
nghĩa rạng ngời. Các công dân ưu tú được trưng ảnh trước xô-viết Tiraspol, đối
diện với các anh hùng lao động, phi hành gia đầu tiên của Moldova và các cựu
chiến binh của « cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ».
Cũng giống như trong
một Công viên Khủng long (Jurassic Park) kiểu cộng sản, những chiếc trolleybus
từ thời ông Brejnev và những chiếc xe hơi cổ lỗ sĩ hiệu Lada, Volga, Waz,
Jigouli là một viện bảo tàng lưu động ngợi ca vinh quang của nền công nghiệp xô
viết. Khắp nơi mọc lên những công trình kỷ niệm những anh hùng trong cuộc chiến
tranh giải phóng1941-1945 và cuộc chiến giành độc lập chỉ kéo dài vài tháng
trong năm 1992, trên những chiếc cầu bắc qua sông Dnieper.
Xung đột diễn ra từ
những bất đồng trong nội bộ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Moldova vào lúc Liên
Xô sụp đổ. Nền độc lập tuyên bố bởi cư dân ở hữu ngạn sông Dnieper - vùng đất
bị Stalin xâm chiếm với sự đồng lõa của Hitler vào năm 1940, đã bị cư dân tả
ngạn – thuộc Liên Xô từ năm 1920 và gắn bó với Nga hơn, từ chối. Matxcơva đã
khuyến khích, hỗ trợ phong trào ly khai, và rốt cuộc đã gởi sang quân đoàn số
14 để cứu phe nổi dậy.
Đối với những người
trẻ sinh ra sau chiến tranh như Katia và Sacha, hai sinh viên ở Tiraspol, « chiến
tranh do Moldova khởi sự, họ muốn chiếm đất của chúng tôi. Họ muốn ngăn cản người
dân nói tiếng Nga và áp đặt phải sử dụng tiếng Moldova, một thứ ngôn ngữ gần
giống tiếng Rumani. Chúng tôi, những người Nga, chúng tôi muốn hội nhập vào
Liên bang Nga ».
Cũng như ở Ukraina,
trong cuộc xung đột khó thể phân biệt được các đối thủ. Không chỉ là vấn đề sắc
tộc hay ngôn ngữ, bất đồng trước hết là về bản sắc. Liên Xô đã để lại sau lưng
một dân sốCon người xô-viết, những người này nghi ngờ sâu sắc về những
lợi ích trước mắt của kinh tế thị trường. Lý lẽ của họ để chống lại phương Tây
hiện đại được nuôi dưỡng bởi sự tiếc nuối những nhà máy thép, nhà máy xe hơi và
các xưởng sản xuất đồ hộp, đã tạo nên sự thịnh vượng cho vùng này trong thời kỳ
Liên Xô cũ.
Tại cực bắc của
Transnistria, trong tiệm tạp hóa nhỏ bé gần bến xe Camenca, một nhóm hành khách
chờ đợi một chiếc xe buýt già cỗi. Họ uống rượu vodka, được cân bán trong những
chiếc ly nhựa. Những lời bình luận xoay quanh tình hình ở Ukraina.
Chủ tiệm tạp hóa
nói : « Sẽ có chiến tranh giữa Nga và Mỹ, và lại chỉ dân
thường lãnh đủ. Ukraina và Nga phải nên là một quốc gia mà thôi. Tất cả những
món hàng tôi bán ở đây là từ Ukraina, giá cả sẽ tăng lên với các sự kiện
này ». Một người đàn ông giải thích, cuộc cách mạng ở Maidan là
do người Mỹ tài trợ : « Obama trả 400 đồng hryvna nếu bạn
phất cờ, và chi gấp đôi nếu bạn ném một quả bom xăng ». Ông chủ
tiệm lo nhất là cuộc di cư đã ảnh hưởng đến Transnistria : « Tất
cả mọi người ở đây đều đi sang Matxcơva, không còn thanh niên nữa. Mọi cư dân
đều trên 50 tuổi ».
Khó thể nói rằng sự
độc lập đã làm nên thành công về kinh tế. Nhà nước Transnistria ngày nay nghèo
nhất châu Âu. Cứ năm người dân thì có một người sống dưới ngưỡng nghèo khó. Các
thành phố như thủ đô Tiraspol, Ribniza hay Dubasari, là những tòa nhà thời
xô-viết xếp thẳng hàng với những mặt tiền loang lổ một cách thảm thương. Các
làng mạc gồm những căn nhà nhỏ lợp tôn fibro xi-măng, những mảnh vườn nhỏ bao
quanh là hàng rào giậu bằng gỗ. Những đường ống trên không dẫn khí đốt từ Nga
qua, mà chưa bao giờ Matxcơva gởi hóa đơn tính tiền. Những nhà máy thời Liên Xô
hoen rỉ, hoang phế lấp đầy phong cảnh còn lại.
Cư dân ở đây sống sót
nhờ tiền của những người Transnistria đi làm việc ở nước ngoài gởi về, chủ yếu
là từ Nga. Lương hưu do Matxcơva trả và khí đốt miễn phí giúp cải thiện phần
nào điều kiện sống.Tập đoàn Gazprom, vừa mới tăng giá khí đốt bán cho Ukraina
lên 1/3 so với giá cũ, tỏ ra rất thông cảm với nước cộng hòa nhỏ bé này. Việc
trồng cây lương thực cũng giúp người dân xoay sở được chút ít. Gà vịt kiếm ăn
trong sân, và những cánh đồng thường do trâu bò kéo cày, thì thuộc loại màu mỡ
nhất châu Âu.
Trong số những quan
ngại của Vladimir Putin, là việc các nước láng giềng Ukraina và Moldova phong
tỏa Transnistria một cách bất công. Ukraina kiểm soát biên giới từ năm 2006,
được hải quan châu Âu tăng cường. Tuy nhiên Transnistria tiếp tục thu được
những món lợi kha khá nhờ buôn lậu nhiều loại hàng khác nhau, từ thuốc lá cho
đến thịt gà đông lạnh. Hàng hóa trốn thuế từ cảng Odessa của Ukraina đưa đến
Transnistria, sau đó được bán lại với giá cạnh tranh tại Ukraina.
Ngôi sao sê-ríp
Nạn nghèo khổ không
tấn công tất cả mọi người. Cũng như mọi nơi, Transnistria cần phải có đại gia
của mình. Nhưng đại gia ở đây không nằm trong số những nhân vật sáng giá nhất.
Viktor Gushan là một cựu sĩ quan KGB, nên còn giữ thói quen bí mật. Có rất ít
hình ảnh về ông, và ông ta cũng rất ít xuất hiện công khai. Nhưng vương quốc
của Viktor Gushan được đại diện trên toàn cõi Transnistria bằng ngôi sao cảnh
sát trưởng, logo của ông.
Ngôi sao sê-ríp này là
biểu tượng của Football Club Sheriff, đội bóng đá của Tiraspol ; của chuỗi
siêu thị duy nhất tại nước này là Sheriff, bao phủ toàn quốc ; và các trạm
xăng Sheriff. Viktor Gushan cũng sở hữu chuỗi cửa hàng rượu Dvinkt và công ty
điện thoại & Internet duy nhất tại Transnistria là ITC. Trung tâm của vương
quốc Sheriff là sân bóng đá rộng mênh mông mà ông Gushan cho xây dựng tại Tiraspol :
hai sân bóng ngoài trời, một sân có mái che, một khách sạn năm sao đang xây
dựng và một trường đào tạo bóng đá. Ê-kíp FC Sheriff thường xuyên đá bại
Moldova và lọt được vào giải Liên đoàn các câu lạc bộ vô địch. Tiếng hô cổ vũ
của những người ủng hộ đội bóng là : « Nước Nga ! Nước
Nga ! »
Quyền lực nhiều năm
nằm trong tay người đã đòi độc lập cho Transnistria : Igor Smirnov, là một
người thân của Viktor Gushan. Thường xuyên tái đắc cử với tỉ lệ đôi khi vượt
quá 100%, cuối cùng năm 2011 ông Smirnov bị đánh bại bởi một địch thủ trẻ tuổi,
Evgheni Chevtchouk. Tân lãnh tụ đã có một số biện pháp để cải cách phần nào hệ
thống siêu tập trung của người tiền nhiệm, tạo điều kiện để làm kinh tế ngoài
việc buôn lậu qua biên giới. Nhưng quan hệ tồi tệ với hai nước láng giềng là
Moldova và Ukraina tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Transnistria.
Tất cả các dự thảo
hiệp định với Moldova nhằm đảm bảo quyền tự trị rộng rãi cho Transnistria để
đổi lấy việc chấm dứt ly khai, đều thất bại. Hầu hết là do Matxcơva chưa bao
giờ chấp nhận việc rút quân khỏi lãnh thổ này. Đối với các nhà ngoại giao châu
Âu, nếu Nga chưa bao giờ chính thức công nhận sự độc lập của đàn em nhỏ bé này,
Matxcơva luôn giữ lá bài Transnistria để xòe ra khi cần thiết.
Nguồn: Blog Thụy My, 9-4-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét