Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Một Nguyên thủ mạnh & một quốc gia mạnh

Huy Đức 
(Theo FB Huy Đức)
Ngày 3-4-2014, trong "lễ thượng kỳ", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến khái niệm một "quốc gia mạnh" và, cái cách ông đứng trên nóc tàu, một tay chống nạnh, một tay vẫy đám đông, bên cạnh một cựu nguyên thủ phải ôm cột giữ thăng bằng, gợi ý hình ảnh một quốc gia mạnh cũng tương đồng với một nguyên thủ mạnh.
Một Nguyên thủ mạnh
Tàu ngầm chỉ phát huy tác dụng khi nó lặn sâu chứ không phải khi nó nổi lên. Chính trị Việt Nam cũng như biển khơi. Một nguyên thủ mạnh không chỉ là người biết xây dựng hình ảnh trước công chúng mà còn phải là một người biết kiến tạo tương lai cho mình và cho chính công chúng ấy.

Một nguyên thủ đưa được nhiều người thân, nhiều "em út" vào các vị trí trọng yếu, thâu tóm được nhiều quyền lực và tiền bạc chỉ được coi là một nhà độc tài. Một nguyên thủ coi mọi người dân đều là người của mình, thiết kế được một nhà nước mà ai ngồi vào cũng rất khó tham nhũng, khó lạm quyền; kiến tạo được những nền tảng dân chủ để quốc gia vẫn phát triển ngay cả khi không có mình, nguyên thủ ấy mới đáng được coi là nguyên thủ mạnh.
Một nguyên thủ mà đất nước cần vào lúc này phải là một nhà cải cách. Muốn trở thành một nhà cải cách phải có đủ khát vọng và trí tuệ. Chỉ những người có khát vọng dân chủ mới có đủ dũng cảm để từ bỏ đặc lợi, đặc quyền. Chỉ những người có đủ trí tuệ mới có thể tập hợp lực lượng và chuẩn bị một lộ trình vững chắc. Chưa có ý chí chính trị (cải cách), chưa thiết kế lộ trình chính trị thì chưa thể nào "thông điệp".
Độc tài & dân chủ
Những cuộc biểu tình ở thủ đô Bangkok hay được những người ngại thay đổi nói đến như những con ngoáo ộp dân chủ. Trong khi, Singapore lại thỉnh thoảng được đưa ra như một ví dụ êm ái khi bào chữa cho sự độc tài.
 Nhưng, Singapore chỉ là một "citi-state" và Thái Lan mới chỉ là một quốc gia đang ở trên đường đi đến dân chủ. Quyền lực nhà nước Thái vẫn đang khi nặng về vương quyền, khi nghiêng về pháp quyền. Trong những xung đột chính trị, quyền đưa ra "phán quyết" cuối cùng thường là quân đội chứ không phải là tối cao pháp viện.
Không phải không có những ví dụ về "độc tài anh minh". Nhưng, tỉ lệ các quốc gia thực sự thành công nhờ các nhà "độc tài anh minh" là không đáng kể so với những quốc gia thành công nhờ dân chủ. Điều quan trọng là, không nên rủi ro một quốc gia bằng cách ủng hộ một nhà độc tài vì nghĩ là họ anh minh bởi nếu họ không anh minh thì sẽ vô phương cứu chữa.
Dân chủ không phải là đích đến mà là con đường ít rủi ro hơn để một quốc gia đi tới phồn vinh. Các nhà độc tài có thể giam hãm một dân tộc nhiều thập niên, nhưng không có nhà độc tài nào có thể ngăn cản một dân tộc đi đến tự do, dân chủ.
Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - trong thông điệp đầu năm 2014 - cũng đã phải thừa nhận: "Dân chủ là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”. Có thể nhiều người không muốn "Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ” như tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng tôi tin, những người đấu tranh cho tự do sẽ hoan nghênh bất cứ ai, kể cả Đảng cộng sản, đưa được dân chủ đến cho Việt Nam.
Dân chủ không phải là một "ông Bụt" để có thể hiện lên khi một chế độ toàn trị bị dân chúng lật nhào. "Cách mạng Cam", "Mùa Xuân Ả Rập..." là những ví dụ cho thấy, dân chủ không đơn giản chỉ là đa đảng và tự do bầu cử. Tự do chính trị là điều kiện tiên quyết để có dân chủ nhưng một nền dân chủ chỉ có thể đứng được trên các trụ cột: nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và kinh tế thị trường.
Nếu những điều được nói trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng là thật lòng. Nếu những người đang nắm quyền muốn tìm lối thoát cho mình trong dân, thì nên chuẩn bị một lộ trình thông minh để từ bỏ độc tài. Con đường đi đến dân chủ không nhất thiết phải bắt đầu bằng sụp đổ.
 Kinh tế thị trường
Khác với các nền độc tài khác, độc tài xã hội chủ nghĩa không chỉ tước đoạt tự do chính trị mà còn tước đoạt cả quyền tự kiếm sống của người dân. Cho nên, tiến trình đi đến dân chủ của những quốc gia bị giam hãm quá lâu trong "tập trung, quan liêu" như Việt Nam, ưu tiên xây dựng kinh tế thị trường phải được đặt lên trước hết.
"Đổi mới" mà Đảng vẫn coi như một công lao thực chất chỉ là để cho dân được quyền tự lo lấy cơm ăn (Đại hội Đảng lần thứ VI, 12-1986, cho phép phát triển kinh tế nhiều thành phần từ chỗ tập trung quyền này trong tay nhà nước). Năm năm sau, ở Đại hội VII (1991), những người cải cách mới đưa được vào văn kiện Đại hội ý tưởng "xây dựng nền kinh tế thị trường". Nhưng, tháng Giêng năm 1994, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ, những người bảo thủ đã "buộc" vào "kinh tế thị trường" cái "đuôi định hướng".
"Định hướng xã hội chủ nghĩa" đã trở thành chỗ dựa chính trị để "kinh tế quốc doanh" trở thành "chủ đạo". Không thể có kinh tế thị trường khi nhà nước nắm hết các nguồn lực của xã hội, rồi nhảy vào mọi ngóc ngách của thị trường để cạnh tranh với khu vực "dân doanh". Trong giai đoạn thị trường sơ khai, nhà nước có thể vẫn duy trì một số doanh nghiệp cung ứng những dịch vụ mà tư nhân không thể đầu tư. Nhưng nếu nhà nước cũng kinh doanh thì không bao giờ có môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Năm 2006, lẽ ra Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có thể hoàn thiện các thiết chế của kinh thị trường, nâng thành quả thi hành Luật Doanh nghiệp 1999 lên một mức cao hơn nhờ tác động của Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ và WTO.
Nhưng chủ trương cho quốc doanh kinh doanh đa ngành không những đã tạo ra những ung nhọt bên trong (Vinashin, EVN Telecom...) mà còn hủy hoại môi trường kinh doanh. Giấy phép lại được các bộ ngành khôi phục và quyết sách kinh tế quan trong nhất trong nhiệm kỳ hai của ông lại nặng về hành chánh. [1]
Đại hội lần thứ XI (2011) đã có một quyết định quan trọng, không còn coi “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất" là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nếu các cố vấn chính sách của Chính phủ vẫn là những nhà cải cách, đây sẽ là chỗ dựa chính trị để trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân; thay "quốc doanh là chủ đạo" bằng "hiệu quả của nền kinh tế là chủ đạo"... Rất tiếc, sau Đại hội XI, Chính phủ không những không khai thác được lợi thế chính trị này để đưa ra được cải cách quan trọng nào mà còn để trống "trận địa chính sách" cho những người giáo điều, bảo thủ. [2].
Trong khoảng 1990 đến 2006, các nhà cải cách và những kẻ bảo thủ vẫn giằng co trong cuộc đấu tranh "ai thắng ai". Đôi bên đều cố gắng cài cắm "chữ nghĩa" vào các văn kiện rồi khai thác nó khi làm chính sách. Đầu thập niên 1990, các nhà lãnh đạo Việt Nam - từ thủ tướng cho tới các bộ trưởng, thứ trưởng - đều ý thức là họ cần phải học A, B, C về kinh tế thị trường. Thế hệ lãnh đạo ngày nay có bằng cấp cao hơn, nhiều người lầm tưởng là về kinh tế thị trường họ không cần phải học.
Nhà nước pháp quyền
Sau vụ xử 5 công an đánh chết công dân Ngô Thanh Kiều, ông Chánh án thành phố Tuy Hòa nói rằng bản án của tòa là một "lựa chọn an toàn" nhằm giữ gìn "quan hệ". Giải thích của ông chánh án làm dư luận bất bình nhưng ông đã rất thật thà. Trong quan hệ chính trị ở địa phương, xét về thứ bậc, chánh án thường chỉ được cơ cấu vào ban chấp hành trong khi trưởng công an lại nằm trong thường vụ.
Pháp chế xã hội chủ nghĩa ưu tiên bảo vệ chế độ chính trị, coi pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền. Nhà nước pháp quyền đặt "pháp" - những giá trị, những nguyên tắc về công lý được các thành viên trong cộng đồng chia sẻ và thừa nhận - cao hơn "luật" - những quy tắc do quyền lực tạo nên, lệ thuộc vào chính trị (Điều 88, Điều 258... của Bộ Luật Hình sự). Pháp không chỉ là sự công bằng mà còn là chủ quyền, pháp đứng trên, điều chỉnh hành vi của những người cầm quyền.
Một nhà nước không có khả năng bảo vệ công lý thì không thể thiết lập nền tảng cho những giá trị cốt lõi của dân chủ nảy mầm. Công lý không thể được mang đến bởi những người coi các mối quan hệ trong Đảng quan trọng hơn các giá trị được chia sẻ bởi cộng đồng. Không thể xây dựng nhà nước pháp quyền khi hệ thống pháp lý lệ thuộc hoàn toàn vào chính trị.  
Con đường đi từ một nhà nước chuyên chính đến một nhà nước pháp quyền không thể một sớm, một chiều. Không chỉ phải thiết lập một hệ thống tư pháp không còn lệ thuộc các cấp ủy và chính quyền địa phương mà còn phải có một hệ thống tư pháp "nhân danh công lý". Một khi tòa án vẫn còn "nhân danh nước cộng hòa XHCN Việt Nam" thì cán cân của tòa vẫn nghiêng về các yếu tố nhà nước như kết luận điều tra, cáo trạng thay vì phải dựa vào công lý.
Xã hội dân sự
Tháng 9-2011, nhà báo Trần Đăng Tuấn cùng các đồng nghiệp lên Suối Giàng định để "ngắm những cây chè cổ thụ". Nhưng trong chuyến đi, họ chứng kiến bữa ăn của 80 học sinh của một trường tiểu học nội trú chỉ có cơm và canh cải xanh. Ngay sau chuyến đi đó, ông Tuấn và bạn bè đã khởi động chương trình "cơm có thịt".
Hơn 18 tỷ đồng và nhiều hiện vật đã được người dân đóng góp và từ đó, không chỉ trường tiểu học Suối Giàng, hàng ngàn trẻ em vùng cao đã được làm quen với những bữa "cơm có thịt". Vậy nhưng, phải đến đầu tháng 4-2014, "cơm có thịt" mới được công nhận tư cách pháp nhân (Lập quỹ có tên gọi là Trò Nghèo Vùng Cao).
Một nhà cầm quyền khôn ngoan không bao giờ ôm hết về mình trách nhiệm giải quyết mọi phiền hà. Điều gì các quan hệ kinh tế, các quan hệ dân sự... xử lý được thì nhà nước không dại gì nhúng tay vào. Một chế độ dùng quyền lực nhà nước để đè bẹp xã hội dân sự, dùng các định chế chính trị (Đảng và các tổ chức chính trị của Đảng, các thiết chế nhà nước, các nhóm lợi ích...) chế ngự xã hội, thì chế độ đó không chỉ ngăn cản con người phát triển toàn diện mà còn tự làm nghèo chính mình.
Sự hình thành xã hội dân sự sẽ gặp không ít khó khăn khi chưa có tự do chính trị. Nhưng xã hội dân sự cũng không thể hình thành khi người dân không nhận thức được đó là sứ mệnh của chính mình. Chỉ khi người dân bước ra khỏi tâm thế thần dân để đứng trên tư thế công dân thì mới có thể xây dựng một xã hội dân sự trưởng thành, đủ sức đón nhận một cuộc chuyển tiếp dân chủ giảm thiểu khả năng đổ vỡ.
Những người đến Bangkok khi các cuộc biểu tình đang ở cao trào ngạc nhiên khi thấy mọi hoạt động trên các khu phố không có "tụ tập đông người" vẫn diễn ra bình thường. Thay đổi chính phủ cũng không gây ra rối loạn khi xã hội dân sự phát triển, hành chính công vụ và hệ thống tư pháp độc lập với các đảng phái chính trị.
Tự do chính trị và các nhà dân chủ
Không chỉ có công an, không ít người thành đạt trong xã hội hiện nay cũng thường sử dụng những ngôn ngữ ít thiện cảm khi nói về những người đấu tranh. Họ khai thác hình ảnh và ngôn ngữ thể hiện trong tình trạng bức xúc của một số người xuống đường và coi đó là "dân chủ".
Không rõ, khi có tự do chính trị, những người như blogger Điếu Cày, chị Bùi Hằng, luật sư Lê Công Định, tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ... có ra tranh cử hay không. Nhưng dân chủ không có nghĩa là các "nhà dân chủ" có thể đương nhiên cầm quyền mà là người dân có quyền bầu hoặc không bầu cho họ.
Dân chủ có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Đừng mặc cảm vì mình không đủ dũng cảm hy sinh như Lê Thị Công Nhân, như Điếu Cày... Xã hội dân chủ cần cả những người biết làm giàu cho chính mình chứ không chỉ cần những người dám xuống đường.
Tháng 3-2002, bác sĩ Phạm Hồng Sơn dịch bài viết "Như Thế Nào Là Dân Chủ" trên website của Đại sứ quán Hoa Kỳ rồi phát tán "tài liệu" này. Ông còn viết và phát hành bài "Những Tín Hiệu Đáng Mừng Cho Dân Chủ Tại Việt Nam". Hai mươi ngày sau, bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị bắt. Năm 2003 tòa sơ thẩm xử ông 13 năm tù, phúc thẩm giảm xuống còn 5 năm tù. Mười năm sau, cho dù vẫn có những người vì thực thi quyền tự do ngôn luận mà bị vào tù như Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào... nhưng không gian tự do chính trị đã rộng hơn rất nhiều so với thời bác sĩ Phạm Hồng Sơn ngôn luận.
Chính những người tranh đấu như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sự Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân... đã góp phần mở ra không gian tự do đó. Nếu chính quyền bình tĩnh, họ cũng sẽ thấy, những người tranh đấu không những không đe dọa quyền lực của họ mà còn giúp họ nhận ra, càng tôn trọng quyền tự do của người dân, nhà nước càng mạnh lên.
Đừng quá sợ hãi những người biểu tình quanh Hồ Gươm mà hãy quan sát các đoàn "dân oan" để thấy những "quả bom" ức chế trong dân. Không lúc nào là quá trễ để có một lựa chọn thông minh: đưa ra lộ trình dân chủ hóa để chủ động tham gia hay chờ đợi sự sụp đổ để trở thành đối tượng của đám đông giận dữ.
Đây là lúc những người trong Đảng có thể chia sẻ con đường cải cách, phải biết bỏ qua những tị hiềm, bắt tay nhau xây dựng một quốc gia vững mạnh.
.................................
[1]Trong nhiệm kỳ hai, Thủ tướng có ít những chính sách sai lầm hơn. Nhưng cách điều hành vẫn rất là hành chánh. Nghị định về quản lý vàng về mặt hình thức đã tạo ra những "con số đẹp" (mang lại cho Ngân hàng Nhà nước 7.600 tỷ đồng) nhưng hậu quả của nó là lâu dài. Chi phí của nền kinh tế tăng lên do 6000 cửa hàng vàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng phải đóng cửa hoặc phải núp bóng các doanh nghiệp có phép kinh doanh vàng; các ngân hàng thương mại phải mua đấu thầu gần 7 tấn vàng với giá cao hơn bình thường ít nhất là 7.600 tỷ đồng.

[2]Không có cải thiện trong chính sách đất đai, quan điểm "quốc doanh là chủ đạo" lại còn được đưa vào Hiến pháp.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét