Hạ Đình Nguyên.
Theo Người Lót gạch
Khó
ai có thể nhìn thấy hay phán đoán về sự phát triển của Việt Nam trong tình hình
hiện nay. Một bức tranh loạn màu sắc, mà chỉ cần nhìn qua cái tít của các tin
tức hằng ngày là đã thấy “choáng”. Như “dòng tin gây bức xúc” mỗi ngày của
Nguoilotgach, hay của Vietnam.net, hoặc bất cứ một trang mạng nào khác, mà
không cần đọc, chỉ lướt qua tựa đề thôi ! Nếu không gọi nó bằng từ
“hội chứng” của cả nước thì là gì ?
Nước
Mỹ đã dính líu vào cuộc chiến tranh Việt Nam thật sự máu lửa chỉ trong khoảng 7
năm, kể từ khi quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến 1965 đến 1972 thì rút quân.
Người lính Mỹ theo chế độ quân dịch, chỉ có một năm, quá lắm là 2 năm cho một
số người, thế mà nó đã sinh ra trên đất Mỹ một “hội chứng” về chiến tranh Việt
Nam kéo dài 40 năm sau, còn để lại những vết thương cho lương tri xã hội Mỹ và
lịch sử Mỹ, về một cuộc chiến mà họ không xem đó là cuộc chiến tranh xâm lược,
mà là cuộc chiến chính nghĩa, vì lý tưởng giúp nước nhỏ chống sự bành trướng
của chủ nghĩa Cộng sản vào toàn vùng Đông Nam Á. Cho là đúng mà vẫn ray rứt, vì
vết cắt của chiến tranh. Thông thường, một quốc gia sau khi chiến
tranh chấm dứt đều sinh ra một hội chứng nào đó.
Dân
tộc Việt Nam có phải là một bộ phận của nhân loại, có cấu tạo bình đẳng về tâm
sinh lý và tư tưởng trước Tạo hóa, hay nó là một loại người đặc biệt – có mình
bằng đồng, da bằng sắt – để chịu đựng những cuộc chà xát đảo điên liên tiếp kéo
dài hằng thế kỷ, từ Tàu, Pháp, Nhật, Mỹ, rồi lại Tàu.., mà không mang một tật
chứng nào trên da thịt, trong tâm thức của những người đang sống, cho dù cuộc
chiến tranh ấy có là chính nghĩa : bảo vệ tổ quốc, giành độc lập dân tộc ? Nói
cách khác, thuần về mặt hậu quả chiến tranh, trộm nghĩ, cả dân tộc Việt Nam đều
rơi vào một trạng thái hội chứng toàn diện, miên man đến nổi không còn phân
biệt được thế nào là hội chứng, bao gồm nhiếu thế hệ đã, đang và còn sắp sinh
ra trên đất nước nầy ?
Trong
giờ phút hiện nay, nó ngổn ngang trăm bề cấu xé trong tâm thức dân tộc, riêng
yếu tố nầy, tự thân nó đã nhấn chìm mình trong sự u minh, chưa tính đến yếu tố
tác động từ các thế lực bên ngoài ? Phải chăng, các cuộc chiến tranh liên tiếp
mà Việt Nam phải đương đầu đã vượt quá sức chịu đựng, và
làm kiệt sứcmột dân tộc, cũng như vượt khỏi khả năng của
những ê-kíp lãnh đạo của các thời kỳ, để đến khi đạt được kết quả, gọi là kháng
chiến thành công, giành được hòa bình độc lập, sự suy nhược thần kinh và tâm
sinh lý đã bộc phát, vở vụn, không còn biết đâu là phương hướng để
bước đi, quờ quạng như một người trong cơn say xỉn với bản năng bạo động và nổi
hoang mang đến tận cùng tâm thức, hồn chưa hoàn lại xác ? Mà xác và hồn cũng
đều bị “hội chứng”
Xin
chỉ lướt qua tựa đề các trang thông tin mỗi ngày thì rất rõ. Cái thực đơn
nuôi dưỡng tinh thần người Việt mỗi ngày, có cái gì tích cực sáng sủa ? Cuộc
hội chứng đầy đủ màu sắc điên loạn và giai điệu rối ben diễn ra khắp nơi,
chuyện nước cũng như chuyện nhà, và ở mỗi cá nhân ?
Chẳng
dám là người bình luận, chỉ là cảm quan của một dân thường, tôi thật sự chia sẻ
một nhận xét tự mình chưa dám nói ra, mà ông Thomas J. Vallely vừa
phát biểu “..tôi e rằng tôi đã đánh mất năng lực phê phán vốn có của
mình đối với sự phát triển của Việt Nam”.(Nhà sáng lập
Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, Chủ tịch Quỹ tín thác Đổi mới Đại
học Việt Nam, nói trong lễ nhận giải thưởng thuộc Quỹ Văn Hóa Phan Châu
Trinh.). Không chỉ riêng ông ấy, mà hầu hết đều “mất năng lực” về một
cái nhìn lạc quan. Nhưng không nhìn thấy, không có nghĩa là không có lối
ra. Nguyên nhân cốt lõi của nó là đâu ? Thomas J.
Vallely
trong dịp nầy, nhắc lại tư tưởng cốt lõi của nhà yêu nước Phan Châu Trinh nói
về vai trò của giáo dục, như nhiều nhà giáo dục Việt Nam đã từng nói, tư tưởng
ấy không những đúng vào thời kỳ của cụ, và đúng ngay bây giờ “Nhiều người
đắm đuối với cái gọi là quyền lực cứng của phương Tây như công nghệ, quân sự,
và sức mạnh công nghiệp. Phan Châu Trinh sâu sắc hơn. Ông kết luận rằng các yếu
tố khác, trong đó có giáo dục, mới là bản chất nằm đằng sau sự trỗi dậy của
phương Tây. Vai trò trung tâm của giáo dục và đổi mới trong việc quyết định
quỹ đạo phát triển của các quốc gia đúng cho ngày hôm nay cũng như dưới thời
của Cụ Phan. Không phải ngẫu nhiên mà những quốc gia châu Á duy trì
được sự chuyển biến kinh tế xã hội nhanh chóng và bền bỉ nhất – như Nhật Bản,
Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore – cũng là những quốc
gia đã thành công trong việc xây dựng hệ thống giáo dục có khả năng trang
bị cho người dân kỹ năng và kiến thức cần thiết để cạnh tranh và đổi mới…”
Thực
tế đó đã chỉ rõ con đường đi và cho ta niềm tin.
Tư
tưởng ấy đã mở ra từ thời Cụ Phan, nếu đã không thực hiện được như các nước và
vào thời kỳ ấy, thì bao cơ hội gần một thế kỷ sau lại tiếp tục bị bỏ qua. Vai
trò của giáo dục và tư tưởng nếu không phải là hàng đầu thì cũng là cốt lõi
song hành cùng các thứ hiện đại khác.
Nhưng
Việt Nam vẫn tiếp tục “kiên định” đi con đường mù mịt của mình, không chịu một
sự điều chỉnh nào, từ khi chấm dứt cuộc chiến ! Vẫn miên man trong cơn hội
chứng sau chiến tranh. Hội chứng về những “vinh quang” trong đau khổ mà bộ máy
tuyên truyền không ngớt cơn say ngợi ca như một thứ động lực rất giả tạo, hội
chứng làm giàu cá nhân, gia đình và tập đoàn trên quyền lực độc quyền, thô bạo
như một con nghiện đang lao tới trong cơn say thuốc của mình, hội chứng về sự
nói dối, ăn chơi, tráo trở, thủ đoạn cùng với bạo lực với sự nhân danh một loại
chân lý dung tục bất kể đạo lý. Hội chứng trong giới cầm quyền, hội chứng trong
nhân dân, hội chứng trong giới trẻ, và có thể tính đến cả cái hội chứng ở phía
một số người đang “đấu tranh” cho dân chủ và đổi mới bằng biện pháp hận thù
“chửi bới” với tất cả công suất có được. Sự hận thù và phẫn nộ là có nguyên
nhân sâu sắc có thể hiểu được, nhưng nếu lời chửi bới có sức mạnh làm bay cả
bàn ghế như trong phim hài Hồng Kông, thì cách ấy có thể dùng như một phương
thức đấu tranh xây dựng dân chủ được chăng ?
Nhưng
nguyên nhân lớn nhất, bao trùm tất cả, qua mặt cả hậu quả chiến tranh, làm cho
cả dân tộc bị hội chứng là vì một thứ chủ nghĩa mà hơn nửa thế
kỷ nó đang cố cắm vào não của các thế hệ đang ngồi ở ghế nhà trường, từ tiểu
học đến trung - đại học với tất cả “ý chí” của giới lãnh đạo. Nhưng không cắm
được, nó luôn bị bật lại, nó tạo nên tình trạng be bét hoang đường. Nếu nó
“xuôi chèo mát mái” thì ngày nay Việt Nam đã “hân hạnh” có mô hình của một Bắc
Triều Tiên, thanh niên Việt Nam sẽ ổn định và trật tự, chung một lòng đoàn kết
thống nhất dưới kiểu tóc nào đó, như kiểu tóc của lãnh tụ “Un” đã là biểu trưng
của một thứ thể chế, không ngớt hò reo là cao cả, tiên tiến, cách mạng !. Tuy
cùng là con đẻ của chủ nghĩa Mác-Lê-Mao, cái hội chứng của thời đại có khác
nhau ở mỗi nơi, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam. Khác nhau về kiểu dáng và màu
sắc. Cái chung nhất thì nó đã xóa nhòa được mọi chuẩn mực về giá trị cuộc sống
trong truyền thống văn hóa của mỗi nước, cũng như các chuẩn mực trong thời hiện
đại.. Việt Nam ngày nay, người dân đang tồn tại, ngơ ngác xen lẫn với hận thù.
Họ chỉ tay vào mặt nhau và gọi mi là “thế lực thù địch” cũng là theo cách mà
nhà nước khởi xướng, và tất cả đang ở vào vị trí “thủ thế”, chỉ biết lao lên
cho sự sống còn rất gần với bản năng. Cấu tạo của xã hội Việt Nam đang tồn tại
tạm thời trong “giềng mối” bạo lực của an ninh và cảnh sát, của các chính sách
quốc gia vì lợi ích nhóm, với từ ngữ được nhân danh là “ổn định”. Hội chứng của
Việt Nam đang tự mở ra bao nhiêu là cơ hội thuận tiện cho chủ nghĩa xâm lăng
của Bắc Kinh đang phát phì như có thuốc tăng trọng, mà toàn dân Việt Nam không
ai sẽ không là nạn nhân. Những người sáng suốt của thời đại đã nhiều năm, hàng
mấy mươi năm, kêu gào về một sự đổi mới, phục hồi sinh lực dân tộc, mở lối
thoát ra khỏi hội chứng, bắt đầu bằng cách tân giáo dục. Nhưng giống như mọi
lãnh vực khác, giáo dục cũng nằm trong cơn trầm cảm nặng nề, bởi những chủng tử
đã được cài cắm, bởi sự đè bẹp của các loại hội chứng khác, và đến độ thê thảm,
nó mang vào mình mọi thứ tiêu cực mà ngoài xã hội có, nó bao phủ một sự nói dối
chính thức, chính danh, không ngượng ngùng bằng các con chữ.
Các
nhà lãnh đạo xem ra họ biết hết các loại từ ngữ, từ xấu xa đến tốt đẹp, hay hào
nhoáng, nhưng nội hàm của nó thì xa lạ với cái hiều phổ quát của số đông và
thời đại. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã từng “chỉ đạo” ngành giáo dục về sự
“đổi mới”giáo dục, hiện đại hoa giáo dục, nhưng nội dung vẫn trong cơn mê man
xã hội chủ nghĩa u tối, lủng củng ngay trong kinh tụng của họ. Thủ Tướng Nguyễn
Tấn Dũng, với thông điệp đầu năm, vẫn rộn ràng các từ ngữ “quyền làm chủ của
nhân dân”, “nhà nước pháp quyền”, “nền quản lý hiện đại”, “nhân dân được quyền
làm những gì luật pháp không cấm”... Nhưng thực tế thì khác, các từ ngữ cứ thế
mà nhảy múa, quan chức các cấp vẫn ca len lén bài ca hưởng thụ về cái “thành
đạt” kín hở của mình và… hây hây hãnh tiến.! Luật pháp lại cấm cả những
điều mà Hiến Pháp không cấm. Hiến pháp là “cao nhất” nhưng là đằng sau “cương
lĩnh” của Đảng. Từ lời nói đến việc làm cũng biểu hiện hội chứng.
Luật pháp không cho giết người, nhưng người vẫn bị cơ quan công quyền giết,
theo cung cách của bọn giang hồ. Chính sách “trẻ hóa cán bộ” bằng cách cùng
nhau thu xếp cho con cháu mình vào các vị trí…, họ đã đánh mất lòng
tự trọng của người có học và vô lương tri về lẽ công bằng. Nếu không phải là
những người lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước, thì chính là nhân dân đang bị
hội chứng trầm cảm nhưng không hề hoang tưởng về những người lãnh đạo của mình.
Hội
chứng trong nhân dân là tình trạng mất niềm tin, không có niềm tin nào cả, về
mọi phương diện, đối với giới cầm quyền và đối với chính mình. Ai có điều kiện
ra nước ngoài thì tìm cách ra nước ngoài, hoặc cho con cái ra đi, trước hết là
để “tị nạn”tinh thần. Những người có điều kiện và nhiệt huyết để làm ăn thì co
lại không dám làm ăn, không phải vì sợ những rủi ro thị trường như vốn có, mà
vì sự hiểm nguy lồ lộ bởi tham nhũng và chính sách có tác dụng bất ngờ như
chiếc dây thừng sẳn sàng chẹn họng siết cổ. “Sống qua ngày và chờ đợi”dĩ nhiên
là tư tưởng bi quan. Sinh khí trong nhân dân trở nên bạc ngược, lùng bùng, năng
lượng không có chỗ thóat. Nó quá ngưỡng cái dấu chỉ của sự lụn bại. Nhưng hội
chứng ấy không bắt nguồn bởi lý do duy nhất từ phía người dân, mà người dân
phải hứng lấy cái hội chứng mỗi ngày theo cách “bội thu” phát đi từ phía nhà
nước. Không cần phải tìm kiếm ở đâu xa, chỉ cần nhìn vào Hà nội, thủ đô có lịch
sử văn hóa nghìn năm, từng là “niềm tin yêu và hy vọng” đã trở thành điển hình,
chứa chất mọi thứ tiêu cực lớn nhỏ, hửu hình, vô hình, đủ loại, đủ kiểu, cả
điều nhỏ nhặt như ăn cắp, đái đường, viết chữ bậy.., cũng ôm hết vào lòng. Nó
bao gồm tiêu cực mà cả nước có. Đúng hơn nó là tất cả, nó phả ra, nó gieo mầm
độc cho cả đất nước, một bộ mặt xã hội bầy nhầy, mà Thủ đô là tiêu biểu, nơi mà
bộ máy Trung ương hoành hành như trong cuộc đỏ đen, đang hò reo, ăn uống, hưởng
thụ, và hít thờ mỗi ngày.
Hội
chứng trong thanh niên chính là sự thờ ơ với xã hội, thờ ơ và chán chường với
lịch sử dân tộc mình, với thời cuộc mà mình đang sống, cũng có nghĩa là tương
lai của chính mình. Họ ở thế thụ động, có “tổ chức” yêu nước thay, có “đoàn
thể” suy nghĩ thay, họ được khuyến khích vào vùng sâu vùng xa, được quyền tìm
mọi cách sử dụng cơ bắp, bán sức lao động mà không có điều kiện tái tạo, được
quyền hy sinh tính mạng, được làm các thứ mà thành quả lao động thì có kẻ khác
tính toán thay. Họ sẽ được tuyên dương với các loại bằng khen nhảm nhí mà đem
về không thể nấu cháo được. Bây giờ thì họ từ chối hết. Trong sự bế tắc, họ có
thể bán bớt một phần cơ thể cho bọn vô lương, hoặc phát sinh bạo lực, trong đó
có bạo lực với quan hệ xung quanh và với bản thân mình dưới nhiều hình dạng, số
không ít, ngày càng nhiều, lao vào ma túy mà nhà nước không có biện pháp cứu
nguy.
Trong
bối cảnh Việt Nam khó ai có thể tin tưởng và phán đoán được điều gì tốt đẹp sẽ
xảy ra, cứ mỗi lần nghe thấy một vị lãnh đạo nào đó phát biểu thì y như rằng,
hội chứng bi quan “bức xúc”lại càng đậm đặc thêm lên. Giá như mỗi lãnh đạo Việt
Nam biết rằng từ cái tuổi thơ không bình thường của mình, trưởng thành một cách
bất ngờ qua một trạng huống bất thường của chiến tranh, leo lên chức vụ theo
cách “định mệnh” bí hiểm…, là đều mang vết tích của một loại hội chứng nào đó
trong thói quen và trong tư duy, thì hãy tìm cách giúp cho dân tộc thoát khỏi
cái hội chứng khốn khổ nầy, bằng cách để cho nền giáo dục đổi mới triệt để,
giải thoát thế hệ trẻ ra khỏi hội chứng nhằm mưu cầu tương lai cho đất nước. Đó
là xây dựng những mầm sống lành mạnh cho các thế hệ, biết tự trọng và tôn trọng
tri thức, biết yêu công bằng và xây dựng các giá trị sống mà nhân loại đang
hướng tới, không dùng thủ đoạn “hận thù giai cấp” để trấn áp, không tạo dựng
lên “thế lực thù địch” nhằm làm suy yếu tinh thần của cộng đồng dân tộc để củng
cố “tư thế chiến đấu” vì đặc quyền đặc lợi của mình. Cái tự hào mà lãnh đạo
Việt Nam hằng tự ngợi ca, có phải là điều mà có người gọi tế nhị là cạm
bẩy tinh thần ? Tự bẩy mình và bẩy cả dân tộc. Tôi thô thiển cho đó là
biểu hiện của một thứ hội chứng nguy hiểm nhất, thèm khát đến độ hoang tưởng về
quyền lực, vật chất, và không hiểu mình, vì nguyên nhân một phần của hậu quả
chiến tranh, nhưng nhất là vì sự mất thăng bằng và mặc cảm nặng nề từ một học
thuyết đã bị vượt bỏ của thời đại. Như một người nghiện ma túy, trước hết không
chịu mình là người nghiện, sau đó khi thừa nhận mình là người nghiện, lại luôn
cho rằng cái nghiện của mình là đặc biệt, nó có đặc điểm riêng, rằng mình là trường
hợp ngoại lệ để tìm cách xoay xở riêng theo một quán tính. Quán tính
giành quyền, đoạt lợi, nín thở gác bỏ giá trị tinh thần. Trong bối cảnh đó, nền
giáo dục được thiết kế theo hướng kiềm chế, quản trị bằng bạo lực và thiếu tôn
trọng tri thức. Làm sao để thoát ra cuộc hội chứng to lớn nầy, mà trước hết là
hội chứng trong nền giáo dục ?
Giả
sử rằng, “đế quốc” Mỹ, và thực dân Trung Quốc bắt tay nhau kiềm giữ và duy trì
một đất nước đang trong cơn hội chứng dưới thể chế hiện tại, trong trạng thái
đu đưa của một con lắc, sống dở chết dở, nhưng đồng thời là một môi trường màu
mở cho các loài sâu cầm quyền phát triển béo tốt, thì các nước lớn ấy đều có
lợi. “Trái độn” Việt Nam cứ hâm hấp trong bầu khí tranh chấp ba rọi. Họ kín đáo
đưa những mũi kim tiêm vào cơ thể Việt Nam, khi thì thuốc độc, lúc thuốc hồi
dương để duy trì tình trạng một Việt Nam lâm sàng. Với đối tượng đang “trong
cơn mê nầy”, họ có thể bàn bạc chia nhau “thị phần” hoặc khoanh vùng “tô giới”.
Giả sử rằng, Trung Quốc sẽ “nhường” một thị phần béo bở ở Thượng Hải, Tô Châu…,
hay khoanh một vùng “tô giới” ở Duy Ngô Nhỉ, Nội Mông, Tây Tạng… cho Mỹ, để
cùng hợp tác kinh doanh mà không hề sợ Mỹ chiếm đóng, lại vừa để cùng nhau “án
ngử” phía Liên Bang Nga, đổi lại, Việt Nam được “nhả” về tay Trung Quốc, xứng
đáng cho một xứ sở đã từng tuyên bố trung thành “không ăn ở hai lòng” với Trung
Quốc. Việt Nam sẽ mở đầu cho cả gói Đông Dương, Thái Lan và một phần
Biển Đông sẽ được “Tàu hóa”. Miền biển đối diện, từ Hoa Đông xuống đến
Philippine, Malaysia, Singapor vẫn êm ả là đồng minh của Mỹ. Đúng là Châu Á –
Thài bình Dương sẽ thái bình ! Ai có thể cho rằng Mỹ không chân chính, không
phải đạo ?. Lại đứng về phía lợi ích quốc gia của họ, sao gọi được họ là không
sòng phẳng hay không khôn ngoan ? Nó cũng pù hợp với phe “không ăn ở hai lòng”,
lại “cùng chung ý thức hệ” của Việt Nam, phải chăng là đạt được “đại cục hửu
nghị” ? Có gì mà không êm ấm ? Con cái lại được thong dong đi học hành - định
cư ở Mỹ, lại được vi vu sang Tàu làm ăn ? Cuộc chiến đấu “oanh liệt” của Việt
Nam được xếp lại vĩnh viễn trong viện bảo tàng.
Ai
dám chắc rằng đó sẽ không là một kịch bản, nếu Việt Nam cứ mãi ở thể chế “trung
tính”, “ni homme ni famme” nầy ?
Bởi
Việt Nam đang là con bịnh, con bịnh của một thứ hội chứng tồn đọng của một giai
đoạn còn rớt lại của thời đại, là thân phận của kẻ chậm hiểu, theo đuôi và chỉ
hớp lấy bụi độc đằng sau những người đi trước.
Không
thể trách người mà phải tự trách ta.
Nếu
thảm cảnh trên xảy ra, đó không chỉ là cái tội của ĐCS, mà là của cả nhân dân
Việt Nam. Vì ươn hèn nên mới có kẻ lãnh đạo ươn hèn, vì đui mù mới có kẻ dẫn
đường đui mù.
Nếu
không tự khẳng định mình, không khơi dậy được sức sống của nhân dân, và nhân
dân không tự làm cho mình mạnh lên, nếu không cải cách giáo dục và giáo dục
không đòi hỏi mạnh mẽ sự cải cách, thì chừng nào Việt Nam thoát khỏi cơn trầm
cảm và rối loạn đa nhân cách xã hội chủ nghĩa như hiện nay, để
lại rơi vào một bi kịch mới ? Chừng nào thì Việt Nam được như các nước Asean
với cơn mộng du “hiện đại hóa”? Chừng nào thì dân Việt Nam dở bung được nắp nồi
từ lâu đang hấp mình ? Cái nắp vung “thể chế” đang tạo nên một thứ hội chứng
đặc biệt, là sản phẩm của chủ nghĩa chứa đầy sâu bọ và chất độc hại.
Đổi
mới triệt để nền giáo dục là con đường chuyển hóa khả dĩ nhất, căn cơ, êm thấm,
bền vững, như thế kỷ trước ở Nhật mà Fukuyawa đã làm, ở Việt Nam như Phan Châu
Trinh đã từng thống thiết kêu gọi. Ở thời điểm quá chín mùi nầy, mà Lãnh đạo
Việt Nam không làm được, thì xứng đáng bị nguyền rủa, như lời của một người trẻ
đã hét lên trong đồn công an : “Hãy đi chết đi !” (ý nói là ĐCS..).
Lời nguyền rủa thật quá ngây ngô, nhưng lại làm chảy nước mắt. Lời nguyền rủa
cũng không xô ngã được ghế bàn. Thế thì, cái giá nào sẽ phải trả dù sớm hay
muộn ? “Thành nhân” không xem trọng, thì “thành công” sẽ chẳng có nghĩa, vì là
thành công gì ? Thiểu số “thành đạt” ư ? Dân tộc lụn bại, lịch sử sẽ lên án chỉ
là lời an ủi đáng tiếc ?
Trong
những năm qua đã có một sự chuyển động tích cực để thoát ra khỏi cơn hội chứng,
đầy phấn khích, từ phía nhân dân, từ giới trí thức và văn nghệ sĩ, từ những quân
nhân, cán bộ về hưu, và cả một bộ phận đang trong bộ máy nhà nước. Cái “uy” của
cơ chế hâm hấp bạo lực không còn như trước, mà đã rơi tuột thảm hại. Những
người làm công tac an ninh sẽ trực tiếp ôm lấy các hậu quả của những cơn “giật
cục” của Lịch sử. Tiếng nói của người dân ở hè phố, ở quán cà phê, ở lề đường,
trong những căn nhà rách nát, trên đồng ruộng, trong những chỗ gặp mặt riêng
tư, thậm chí có lúc ở chỗ đông người, trên mạng, trên facebook có tỏ ra là
“kính trọng” các “lãnh đạo” chút nào đâu ! Chỉ có sự coi khinh và căm giận, đó
là biểu hiện của sự khởi đầu ! Một số tổ chức của xã hội công dân đã được hình
thành.
Dù
sống trong bầu khí hội chứng mịt mù, nhưng các thế hệ thanh niên vẫn tiếp tục
trưởng thành. Đã có những bộ phận thanh niên, xứng đáng là tiền phong đang bước
lên phía trước, với sự kiêu dũng, cương nghị, thông minh đáng phục. Còn đại bộ
phận thì sao ? Từ cuộc giao lưu ngày 28-12 năm 2013, ông Phó Thủ tướng Vủ Đức
Đam vừa đúng 50 tuổi đã ngọt ngào xưng “Bác, Cháu”, rất dị hợm, với 650 đại
biễu Sinh Viên Đoàn viên ngoan toàn quốc, và rất “tương ứng”, những người trẻ
nầy cũng xưng hô lại “Cháu, Bác”. Cả hai không phải là biểu hiện của một loại
sâu bệnh của nền giáo dục hay sao?. Thì hôm nay, mới đây, cuộc tiếp xúc của một
số Sinh viên Hà nội với Đại biểu Quốc hội đã không còn như thế, họ đã bắt đầu
đứng lên, xưng “Chúng tôi” một cách trưởng thành. “Chúng tôi” là biểu hiện sự
thức tỉnh về vai trò và xác định tư thế của mình.
Việt
Nam đang cần nhiều tiếng nói, khởi đầu bằng danh xưng “Chúng tôi”, cất lên từ
khắp đất nước, để tự khẳng định vị trí của người công dân của một nước độc lập,
một dân tộc từng biết nói “không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do”, để khẳng định
quyền sống bình đẳng của con người, tự kiến tạo một xã hội công dân để đáp lại
cái kiêu ngạo của các giai tầng đẳng cấp đang thống trị, dù rất lạc lòi của
thời đại, từ trung ương đến địa phương, một thứ đẳng cấp khoát áo “Xã Hội Chủ
Nghĩa”, đội mũ ‘Mác-Lê-Mao”, xưng mình là ‘Cộng Sản”, miệng nói nhảm về biện
chứng, ưởng ngực lên hãnh diện và hoang tưởng vì có cái ghế ngồi, tài sản và
dinh thự. Đó là hội chứng tổng hợp của một cơn điên có hệ
thống.
Chưa
bị mất nước, nhưng cái nhục và sự khốn quẫn đã hiện hình, báo hiệu đà rơi xuống
tận đáy.
Một
nữ doanh nhân vừa trở về từ hội chợ quốc tế tổ chức ở Hồng Kông, đã quá xấu hổ
về sự bêu xấu không thể chối cải của tật ăn cắp “phổ biến”, “có hệ thống” của
người Việt. Làm quan mà không biết nhục chăng ? Nhưng làm dân lại rất nhục.
Trong nước thì quan chức vang danh tham nhũng, ra ngoài thì nhân viên vang lừng
ăn cắp, thế thì cái gì là sức mạnh đã từng “đánh thắng các đế quốc to” ? Nó ở
đâu rồi ? Ai đang làm hỏng chúng ?
Nhưng
mặt khác, từ tiềm thức dân tộc đã kết tinh nên những khí phách.
Anh
Đoàn Văn Vươn đã đứng lên đòi sự công bằng, bằng súng Hoa Cải, là tinh thần
khẳng khái của nông dân Việt Nam. Anh Đặng Ngọc Viết là sự đáp trả xứng đáng
của một nhân cách hoàn hảo, trong tình huống bi hùng của một hoàn cảnh bắt
buộc. Thầy giáo Đinh Đăng Định là một chuẩn mực yêu nước của một tấm gương kiên
định, tự nguyện gánh vát trách nhiệm với tấm lòng nhân ái, phản chiếu sâu sắc
sự tàn bạo của một giai đoạn vong thân tập thể. Tất cả các anh là bậc Thánh của
nhân dân trong thời đại nầy, đáng được xây dựng đền thờ, một ngày nào đó điều
nầy có thể diễn ra. Bà con Dương Nội làm lễ quyết tử để giữ đất là tiếng nói
bất khuất, có tính chất nền tảng. Chúng ta không thể kể hết, tiếp nối lịch sử
của Hoàng Diệu, của Nguyễn Tri Phương, có những vị lão tướng, lão thành…và bao
nhiêu là tấm gương của người trẻ.
Trong bài viết: “Hư học- hư danh – làm hư cả…cơ
chế” của Kỳ Duyên, (1) tôi không đồng tình. Phải nói ngược lại “ Cơ chế đã làm nên cái Hư học – Hư danh”
và làm hư tất cả. Không trách gì người học, không trách
gì thanh niên.
Tất cả phải làm lại. Làm lại giáo dục,
từ sự phá bỏ cái nền tảng đẻ ra nó.
Cần có cái đầu và trái tim của những cụ Phan.
./
9-4-2014
.....................................
(1) Mời
đọc tham khảo, “Hư học- hư danh- “hư” cả… cơ chế? (Kỳ
Duyên)
Không ai phủ
nhận kết quả và nỗ lực của học sinh VN, trong Chương trình đánh giá học sinh quốc
tế PISA 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2013. Theo
đó, học sinh VN xếp thứ 17 (môn Toán), đứng thứ 08 (môn Khoa học), và thứ 19
(môn Đọc hiểu) trong số 65 nước tham gia.
Nhưng vì sao
càng trưởng thành, người Việt càng tụt hạng trên “bản đồ” trí tuệ thế giới?
Theo báo GDVN (ngày 11/12/2013), trong báo cáo Chỉ số Đổi mới toàn cầu năm
2013, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thực hiện, VN chỉ đứng 76/142
quốc gia được khảo sát. Và dần thụt lùi xuống nửa dưới bảng xếp hạng của thế
giới về chỉ số đổi mới/sáng tạo. Nếu năm 2008, VN đứng thứ 65/ 153, năm 2009 là
64/130, năm 2010 tụt xuống 71/132, năm 2011 tăng lên 51/125, thì năm 2012 lại
tụt nhanh xuống thứ 76/141 quốc gia. Và lẹt đẹt về các ấn phẩm nghiên cứu khoa
học trình làng trên trường quốc tế. Chỉ bằng 1/5 của Thái Lan, 1/6 của
Malaysia, và 1/10 của Singapore.
“…sẽ hiểu vì sao Thủ đô HN từng đề xuất
hẳn một chiến lược “trí thức hóa” cán bộ quản lý, với mục tiêu 100% cán bộ khối
chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ TS; 100% cán bộ diện UBND TP quản
lý có trình độ trên ĐH, trong đó 1/2 có trình độ TS…”. Nhà phê bình Phạm Xuân
Nguyên đã cho rằng, cần phải kiên
quyết tách rời học vị và địa vị, chức vụ, không nên chỉ nhìn vào bằng cấp mà bổ nhiệm. Chừng nào ở ta chưa chấm dứt được việc
bổ nhiệm theo bằng cấp thì chừng đó bệnh “loạn TS” còn có nguy cơ gia tăng và
thêm trầm trọng..”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét