Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Nỗi lo của Việt Nam: lần trỗi dậy đầy đe dọa của Trung Quốc

Cuộc xung đột ở biển Đông đánh thức dậy những nỗi lo sợ có gốc rễ sâu xa tại Đông Nam Á: một sự thống trị của Trung Quốc. Một chuyến viếng thăm Việt Nam cho thấy việc đối phó với cường quốc mới khó khăn cho tới đâu.
Sao vàng trên nền đỏ. Học viên sĩ quan chỉnh tề trong những bộ đồng phục trắng. Thêm vào đó là mặt trời lặn trên biển và những bài ca về quê hương. Trong truyền hình nhà nước Việt Nam, việc tạo khí thế yêu nước ngày càng đạt tới những đỉnh cao mới. Chính phủ ở Hà Nội dựa vào xúc cảm – và thông điệp là rất rõ ràng: Trường Sa và Hoàng Sa, như hai quần đảo ở biển Đông được Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền có tên trong tiếng Việt, là thuộc Việt Nam. Chấm hết.

Trung Quốc nhìn điều này có khác đi: Sau khi giàn khoa đầu tiên của Trung Quốc được neo lại trong vùng biển tranh chấp vào đầu tháng Năm thì giàn khoan kế đến đã tiếp theo đó vào giữa tháng Sáu. Trung Quốc tiến hành một hình thức mới của chính sách đối ngoại bành trướng ở biển Đông, cái không bao lâu nữa cũng có thể được áp dụng ở những vùng khác, điều này thì các chuyên gia châu Á thống nhất với nhau. Và qua đó, Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng từng bước một – khiến cho Đông Nam Á lo ngại, nhưng cũng cả Nhật Bản và Hoa Kỳ nữa. Và các quốc gia tương đối nhỏ ở xung quanh đối phó rất khó khăn với siêu cường quốc mới, mặc cho có sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ như trong trường hợp của Philippines. Cơn thịnh nộ về bước tiến đơn phương của láng giềng to lớn đã bùng phát thành những cuộc biểu tình bạo lực vào giữa tháng Năm trong nhiều tỉnh của Việt Nam. Trong đó đã có bốn người bị thiệt mạng. Chính phủ Việt Nam đã đối phó một cách cương quyết với những người biểu tình bạo lực. Hiện giờ tình hình đã kiểm soát được.
Cuộc xung đột đời đời
Khi nói chuyện với người Việt về tranh chấp lãnh thổ thì lịch sử đầy xung đột của hai nước sẽ được nhanh chóng đề cập tới. Người ta sẽ nói về Ngô Quyền, người năm 938 đã giành được nền độc lập cho Việt Nam từ Trung Quốc. Hay Lê Lợi và hai bà Trưng, những người đã đánh đuổi người Trung Quốc. Nghe giống như là những nhân vật của thời hiện tại.
“Từ 1000 năm nay, các hòn đảo đó thuộc Việt Nam. Những gì Trung Quốc đang làm là bất hợp pháp”, một người đàn ông cao tuổi nói, người đang ngồi nghỉ tại hồ Hoàn Kiếm trong trung tâm của thủ đô Hà Nội vào một ngày nóng nực. “Cuộc đấu tranh chống Trung Quốc”, trưởng phân tích về địa chính trị của thinhtank Mỹ Stratfor, Robert D. Kaplan, đã viết như vậy trong quyển sách mới nhất của ông về xung đột ở biển Đông, “là cốt lõi của lịch sử Việt Nam.”
Vì vậy mà người khách đến thăm nhìn thấy cuộc tranh chấp biển đảo ở khắp nơi trong nước. Ở lối vào của Bảo tàng Lịch sử thủ đô Hà Nội, ba tấm bản đồ có nhiệm vụ chứng minh cho quyền sở hữu các hòn đảo lâu đời hàng nhiều trăm năm. Cả tại các cảng hàng không, khách du lịch cũng được thông tin về việc này bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Những ngày này tại thành phố cảng Đà Nẵng ở trung phần Việt Nam, trong khuôn khổ của một hội nghị quốc tế, một cuộc triển lãm đã được khai mạc, sưu tập nhiều tài liệu và bản đồ qua nhiều thế kỷ như là những bằng chứng. Ngay cả trên những hòn đảo nhỏ ở biển Đông cũng có những cuộc triển lãm di động, có nhiệm vụ chứng minh cho các quyền lịch sử của Việt Nam.
Chiến đấu? Hay chấp nhận bị áp bức?
“Người Việt căm ghét những gì người Trung Quốc đang làm trước bờ biển Việt Nam”, người đàn ông già ở cạnh hồ nói tiếp. “Nhưng cũng cần phải bình tĩnh và tìm một giải pháp hòa bình.” Một người đàn ông khác thêm vào: “Tôi không thể nghĩ rằng sẽ có chiến tranh trong tương lai gần đây. Trung Quốc và Việt Nam có nhiều mối quan hệ chặt chẽ trên nhiều bình diện.” Và ở một nơi thuộc ngoại ô Hà Nội, một cựu chiến binh nhấn mạnh với Làn sóng Đức: “Không có ai muốn chiến tranh cả.”
Nhưng xung đột này có thể được giải quyết cụ thể như thế nào thì không ai biết. Những người đàn ông ở hồ Hoàn Kiếm nhất trí với nhau, rằng Việt Nam cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, vì so với Việt Nam thì Trung Quốc là một kẻ khổng lồ. “Nếu không thì chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhập sự đàn áp của Trung Quốc.”
Nhiều phương cách, không có giải pháp
Ở hội nghị kéo dài nhiều ngày tại Đà Nẵng, các chuyên gia từ mười nước cũng rất khó khăn trong việc tìm một phương cách cụ thể. Jerome Cohen từ New York Scholl of Law nói: “Trung Quốc sẽ ở lại đó. Không thể chấp nhận việc không làm gì cả. Và cũng không thể chấp nhập mạo hiểm một cuộc chiến.” Phải thúc đẩy Trung Quốc đi vào khuôn khổ của luật lệ quốc tế. Điều đó có thể tiến hành ra sao thì vẫn không rõ – vì cho tới nay thì Trung Quốc cự tuyệt điều nói chung là có một cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Leszek Buszynski, giáo sư về chính sách đối ngoại tại Đại học Quốc tế ở Nhật Bản, cho rằng điều chính là Đảng Cộng sản Việt Nam phải giải phóng mình khỏi đảng anh em Trung Quốc. Và Gregory Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington ủng hộ một cách tiếp cận khu vực: đặc biệt là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải tiếp tục phát triển một bộ quy tắc ứng xử.
Carl Thayer của đại học Úc không còn tin vào thành công của những quy tắc như vậy nữa, vì Trung Quốc ngay từ bây giờ không tuân thủ theo bản ghi nhớ do ASEAN và Trung Quốc đưa ra năm 2002, nhằm phát triển một bộ quy tắc ứng xử. Ông đề nghị đưa ra Liên Hiệp Quốc. Điều đó lại bị nhiều chuyên gia cho rằng ít có triển vọng, vì Trung Quốc có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an.
Sự pha trộn từ cảm xúc dân tộc mạnh mẽ và oán giận lâu đời nhiều thế kỷ khiến cho một giải chính trị trở nên rất khó khăn, Gerhard Will từ Viện Khoa học và Chính trị ở Berlin nói. Các chính phủ ở mọi bên đều hứa hẹn với người dân của họ nhiều cho tới mức hầu như không còn có không gian cho thương lượng nữa. Thay vào đó là chỗ cho xúc cảm, tuyên truyền và học viên sĩ quan chỉnh tề.
Làn sóng Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét