Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Phân chia chiến tuyến

Trong tháng Mười Hai, sau khi nhậm chức Bí thư Đảng Cộng sản mới của Trung Quốc được gần ba tuần, Tập Cận Bình đã nói vài lời động viên dành cho những người ủng hộ cải cách chính trị. “Không một tổ chức hoặc cá nhân nào”, ông ta cho biết, có “đặc quyền vượt qua hiến pháp và pháp luật”. Ông ta không làm gì khác hơn là trích dẫn bản thân Hiến pháp Trung Quốc, nhưng một số người Trung Quốc theo chủ nghĩa tự do cảm thấy được khuyến khích bởi lời ca ngợi của ông ta dành cho “quyền lực vô cùng to lớn” của một văn bản mà đảng thường chọn cách bỏ qua. Các quan chức đảng đang cố gắng cảnh báo những người lạc quan không được quá đà.

Hiến pháp bao gồm nhiều điều mà những người theo chủ nghĩa tự do ngưỡng mộ. Nó không đề cập đến Đảng, ngoại trừ trong lời mở đầu. Nó hứa hẹn “tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do diễu hành và tự do biểu tình”, cũng như “tự do tín ngưỡng tôn giáo”. Nó nói “tài sản cá nhân hợp pháp của công dân là bất khả xâm phạm.” Theo phần bổ sung năm 2004, nhà nước “tôn trọng và bảo đảm quyền con người”. Ngoài việc cấm “phá vỡ hệ thống xã hội chủ nghĩa” và lời nói về một “chế độ độc tài dân chủ nhân dân”, phần lớn văn bản sẽ được chấp nhận trong bất kỳ quốc gia phương Tây nào.
Những người theo chủ nghĩa tự do kêu gọi ủng hộ cho “chủ nghĩa hợp hiến”, có nghĩa là văn bản đó phải đứng cao hơn bất kỳ bộ luật hoặc sắc lệnh nào khác của đảng. Bằng một cử chỉ dường như là cái gật đầu theo hướng của họ, ông Tập thừa nhận trong bài phát biểu tháng Mười Hai của ông ta rằng “các cơ chế giám sát” để đảm bảo thực hiện hiến pháp “không hoàn hảo”. Tân Hoa Xã, cơ quan thông tin của chính phủ, thậm chí ghi chép những yêu cầu (được đưa ra bởi nhiều người theo chủ nghĩa tự do) về việc thành lập một cơ quan thẩm tra hiến pháp. Nhưng một vài người trong đảng hiển nhiên đang lo lắng rằng những người ủng hộ cải cách chính trị sâu rộng ở Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy các chương trình nghị sự của họ bằng cách sử dụng hiến pháp như một lá chắn. Trong vài ngày qua, ý tưởng về chủ nghĩa hợp hiến đã hứng chịu đợt nhắm bắn xối xả của Đảng.
Cuộc tấn công bắt đầu bằng một bài viết của Yang Xiaoqing, một học giả về luật tại Đại học Nhân Dân (Renmin University). Nó xuất hiện ngày 21 Tháng Năm trên tờ Hồng kỳ, một tạp chí hàng đầu của Đảng. Các thành phần chính của chủ nghĩa hợp hiến, bài viết nói, thuộc về “chủ nghĩa tư bản và chế độ độc tài tư sản, không phải nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của nhân dân”. Nó nói chủ nghĩa hợp hiến là “lừa bịp”: có vẻ như cho thấy rằng tất cả mọi người đều được hưởng dân chủ. Nhưng trên thực tế, chỉ các chính trị gia được hỗ trợ bởi “các nhóm lợi ích lớn” mới có thể được bầu.
Ngày hôm sau tờ Global Times, một tờ báo được kiểm soát bởi cơ quan ngôn luận chính của đảng, tờ Nhân dân, tham gia cuộc ẩu đả. Nó nói rằng cuộc tranh luận về chủ nghĩa hợp hiến không chỉ là một vấn đề lý thuyết. Nhưng nó đã được sử dụng, tờ báo cho biết, để phủ nhận hệ thống chính trị của Trung Quốc và cố gắng biến nó thành một nền chính trị phương Tây. Lời kêu gọi chủ nghĩa hợp hiến đã thực sự vi hiến. “Thậm chí toàn bộ thế giới phương Tây kết hợp lại cũng không đủ sức mạnh để khiến cho Trung Quốc theo đuổi một con đường khác, chưa nói tới một số lượng nhỏ các nhà bất đồng chính kiến trong nước,” nó nói.
Khó có thể nói liệu bản thân ông Tập có đứng đằng sau các cuộc tấn công hay không. Trong tháng Giêng, các nhà báo tại một tờ báo có tư tưởng tự do, tờ Southern Weekend, tổ chức một cuộc tấn công bất thường đối với sự kiểm duyệt một bài báo ca ngợi chủ nghĩa hợp hiến. Điều này đã có thể cảnh báo ông ta về khả năng rằng cuộc tranh luận trên vấn đề này có thể kích động những lời kêu gọi táo bạo hơn cho cải cách chính trị, thậm chí gây ra tình trạng bất ổn. Nhưng mặc dù ông Tập đã không sử dụng từ “chủ nghĩa hợp hiến”, ông ta tiếp tục duy trì cuộc tranh luận bằng cách viện dẫn tầm quan trọng của văn bản đó một lần nữa vào tháng Hai.
Tuy nhiên, gần như là không thể xảy ra việc ông Tập đứng về phe những người theo chủ nghĩa tự do. Trong tháng Giêng, những lời nhận xét được nhiều người cho là của ông ta trong một bài phát biểu nội bộ được lưu hành trên Internet. Ông ta chỉ trích những người được giấu tên đã cho rằng cải cách có nghĩa là áp dụng “các giá trị phổ quát của phương Tây”. Một lý do chính cho sự sụp đổ của Liên Xô, ông ta nói, là một “sự dao động về các lý tưởng và niềm tin của nước này”. Trong những ngày gần đây, Internet tại Trung Quốc đã xôn xao với tin đồn về sự gia tăng nỗ lực của Đảng trong việc bóp nghẹt cuộc thảo luận học thuật về các giá trị phổ quát, tự do báo chí và các vấn đề mà nó coi là nhạy cảm về chính trị.
Nhưng nếu Đảng hy vọng rằng một vài bài xã luận và chỉ thị lẻ tẻ sẽ khiến cho những người theo chủ nghĩa tự do im lặng thì có lẽ đã nhầm. Như tờ Christian Science Monitor đưa tin, các tràng đả kích chống lại chủ nghĩa hợp hiến giúp thúc đẩy thảo luận trên internet. Từ này trở thành một chủ đề hàng đầu trên Sina Weibo, trang kiểm duyệt của Trung Quốc tương đương với mạng Twitter (bị chặn). Nó vẫn còn đang được tranh luận mạnh mẽ, nhiều lời chỉ trích hướng vào những tư tưởng của đảng. Phương tiện truyền thông tự do vẫn đang bảo vệ hiến pháp (như trên tờ Economic Observer và tờ Yanhuang Chunqiu, cả hai bằng tiếng Trung Quốc).
Nó không chỉ là một cuộc thảo luận bị hạn chế trong giới học giả và giới bất đồng chính kiến. “Bảo vệ các quyền bình đẳng [dành cho] một người, một lá phiếu: đó là chủ nghĩa hợp hiến”, ông Ren Zhiqiang, một ông trùm bất động sản, viết trên microblog của ông ta (nơi có tới gần 15 triệu người theo dõi*) vào ngày 27 tháng Năm. Thông điệp của ông ta được chia sẻ hơn 2.000 lần. Ông Tập có thể phải hối hận về cái ngày mà ông ta nêu lên đề tài này.
[*] Chỉnh sửa của tờ Economist: Số lượng theo dõi microblog của Ren Zhiqiang đúng là 15 triệu trên thực tế, hoặc gấp mười lần những gì chúng tôi đã đưa ra ban đầu. Đã được chỉnh sửa vào ngày 30 tháng Năm.
Nguồn: Bởi J.M., Ideological debate | Drawing the battle lines, The Economist, ngày 29 Tháng 5, 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét