Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

ĐẢNG CỦA THẾ KỶ: TRUNG QUỐC TÁI CƠ CẤU CHO TƯƠNG LAI NHƯ THẾ NÀO

Bản dịch của Lee Hoàn
(Party of the Century: How China is Reorganizing for the Future, Eric X. Li, FOREIGN AFFAIRS    January 10, 2014)
Tháng 11 năm 2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức Hội nghị TƯ 3 khóa XVIII, một Hội nghị được nhiều mong đợi. Các Hội nghị TƯ 3, được tổ chức một năm sau Đại hội đảng, thường thiết lập chương trình nghị sự, chính sách quản trị của ban lãnh đạo mới. Hơn 30 năm trước, Đặng Tiểu Bình đã trình bày những cải cách kinh tế mang tính đột phá tại Hội nghị TƯ 3 khóa XI – một Hội nghị làm thay đổi quỹ đạo của Trung Quốc và của cả thế giới. Một năm sau bước chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới, tại Hội nghị vừa qua, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã trình bày những nội dung cụ thể nhất dự định để lãnh đạo đất nước.

 Hầu hết các phân tích đã tập trung vào phạm vi rộng lớn của chương trình cải cách kinh tế tại kỳ họp. Điều đó là đúng, những điều chỉnh về kinh tế được công bố là sâu rộng hơn nhiều những gì mọi người hằng mong đợi, và nếu được thực hiện, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế  một cách bền vững. Cải cách bao gồm cho phép cổ phần (sở hữu tư nhân) các công ty nhà nước, giảm rào cản pháp lý cho các doanh nghiệp thương mại, trao cho nông dân được kiểm soát tốt hơn đất đai của họ, tự do hóa khu vực tài chính và nhiều nội dung khác nữa.
 Tuy vậy, ngay cả khi các cải cách kinh tế đang được chào đón, đã có các chỉ trích ban lãnh đạo mới của Trung Quốc bỏ qua cơ hội tốt đối với những cải cách chính trị trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Các nhà bình luận đã chỉ ra, một cách chính xác, rằng lãnh đạo của đảng đã thực sự tăng cường được quyền lực. Các phương tiện truyền thông như The Wall Street Journal, CNN, và The Economist đã mô tả sự phát triển vừa qua, về bản chất, đảng đã rẽ phải về kinh tế rẽ trái về chính trị. Những quan điểm như vậy thật chưa đúng.
 Hội nghị lần này đã khởi động một bước quan trọng, ở nhiều chiều kích, những cải cách chính trị chưa từng có sẽ làm thay đổi căn bản nền quản trị quốc gia lớn nhất thế giới. Cải cách bao gồm cách thức tái cân bằng mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phươngtái cơ cấu cơ chế kiểm tra kỷ luật trong đảng hệ thống tư pháp của nhà nước. Hội nghị lần này cũng trình bày việc tái cơ cấu tổ chức ban hành các quyết định quan trọng nhất của đảng trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân.
 TÁI CÂN BẰNG THỂ CHẾ
 Trong nhiều thế kỷ, một trong những nội dung chính trị gây nhiều tranh cãi nhất của đế quốc Trung Hoa là sự cân bằng quyền lực giữa chính quyền trung ương và địa phương. Thành công hay thất bại của quản trị quốc gia phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ này đã được điều chỉnh như thế nào. Sự cân bằng lành mạnh luôn đảm bảo cho sự thịnh vượng và ổn định trong thời gian dài. Ngược lại đã dẫn đến các cuộc đảo chính và phản đảo, và đôi khi dẫn đến sự sụp đổ của một triều đại.
 Trung Quốc trong đương đại cũng không là ngoại lệ. Trong lịch sử 64 năm của mình, mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương đã trải qua ít nhất ba giai đoạn. Thời kỳ đầu (1949-1956) là thời kỳ tập trung hóa theo kiểu Liên Xô. Hối thúc bởi sự cần thiết phải củng cố quyền lực chính trị và vực dậy nền kinh tế bị tê liệt, đảng đã nhập khẩu mô hình của Liên Xô và Bắc Kinh giữ quyền cai trị tối cao.
 Nhưng bắt đầu từ cuối những năm 1950, Mao đã áp dụng chính sách phân cấp quyền lực. Vào thời điểm đó, do điều kiện kinh tế và xã hội khác nhau đáng kể giữa các vùng. Hơn nữa, việc thiếu vắng quyền lực chính trị ở cấp địa phương đã dẫn đến việc quản lý yếu kém của bộ máy quan liêu ở trung ương và tình trạng trì trệ chung. Mao cho rằng phân cấp sẽ giải phóng năng suất kinh tế và đem lại sức sống chính trị tại địa phương. Quá trình này được tăng cường do có sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa vào cuối năm 1970. Đến lúc đó, chính quyền địa phương đã kiểm soát đáng kể hoạt động  thu thuế, các doanh nghiệp nhà nước, và thậm chí quản lý cả bộ máy quân đội. Những tàn tích của thời gian này kéo dài đến giai đoạn đầu của cải cách do Đặng tiến hành vào cuối những năm 1970. Trong suốt những năm 1980, chính phủ trung ương nhiều lần do hết tiền mặt đã phải yêu cầu hỗ trợ từ nguồn tài chính của các địa phương.

Mãi cho đến đầu những năm 1990, đảng mới bắt đầu cân bằng lại được quyền lực giữa trung ương và các địa phương. Thủ tướng Chu Dung Cơ chính thức hóa quá trình này vào năm 1994 bằng cách điều chuyển quyền đánh thuế trở lại tay Bắc Kinh, tuy vậy do tồn tại gần ba thập kỷ nên sự phân cấp đã không thể đảo ngược một cách dễ dàng. Ở thời điểm Hội nghị mới nhất khai mạc, chỉ một nửa số 20 nghìn tỷ nhân dân tệ doanh thu thuế hàng năm của quốc gia về được với ngân sách do Bắc Kinh kiểm soát.
 Hội nghị lần gần đây nhất đã điều chỉnh lại hoàn toàn cơ cấu này. Dường như cải cách lớn nhất trong quản trị chính trị của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, theo các nhà lãnh đạo đảng, là Trung Quốc sẽ có một ngân sách quốc gia duy nhất, doanh thu hợp nhất và chi tiêu vững chắc dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. Theo hệ thống mới này, chính quyền trung ương sẽ kiểm soát gần như hoàn toàn chi tiêu quốc gia. Trách nhiệm hành chính như giám sát các dự án cơ sở hạ tầng và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ được phân định rõ ràng hơn giữa Bắc Kinh với chính quyền các khu vực và địa phương. Quy định về chuyển tiền thanh toán giữa trung ương và địa phương được chuẩn hóa. Và Bắc Kinh tiến hành quản lý trực tiếp các khoản nợ của chính quyền địa phương.
 Những điều chỉnh này là thử thách khắc nghiệt cho phát triển Trung Quốc trong dài lâu. Hệ thống thuế và cơ chế giám sát nợ mới sẽ giúp ngăn ngừa chính quyền địa phương từ việc lạm dụng các nguồn lực đến việc đạt được các mục tiêu kinh tế trong ngắn hạn. Và với nguồn chi mới này, chính phủ trung ương có thể tài trợ được cho các chính sách xã hội cần thiết trong những năm tiếp theo.
 Kiểm soát đô thị hóa: trong 20 năm tới đây, mỗi năm 13 triệu người sẽ di chuyển đến các thành phố đã có và mới ở Trung Quốc. Khoảng cách nông thôn – đô thị và dân nhập cư đô thị hóa từ lâu đã đặt ra vấn đề dai dẳng cho mô hình phát triển của Trung Quốc. Người nông dân không được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe và không được hưởng các lợi ích từ giáo dục, thậm chí không có các quyền gắn với đất đai như dân cư đô thị, do đó dẫn đến sự phát triển mất cân đối cho các thành phố. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với lao động nhập cư, những người đã chuyển đến các thành phố để sống và làm việc nhưng vẫn được coi là cư dân nông thôn. Họ buộc phải tồn tại trong  tình trạng bấp bênh – xa đất của họ, không có phúc lợi nơi đô thị. Giờ đây Bắc Kinh sẽ có thể bổ sung lớn hơn nguồn lực quốc gia cho phúc lợi công cộng như y tế, phúc lợi xã hội và giáo dục, tạo điều kiện cho nông dân trở thành cư dân đô thị chính thức.
 Nội dung lớn nhất được trình bày tại Hội nghị này là nguyên tắc thị trường phải là yếu tố quyết định trong phân bổ các nguồn lực kinh tế. Một số người đã cho rằng việc tái cân bằng quyền lực chính trị về trung ương dường như đi ngược lại với mục tiêu này. Nhưng không phải như vậy. Thực hiện phân cấp trong 30 năm qua đã dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ ở địa phương và thiếu các quy tắc chuẩn cho hoạt động thương mại. Cả hai nội dung này đã cản trở sự phát triển nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc. Các công ty thường xuyên sử dụng quan hệ với chính quyền địa phương để ngăn chặn đối thủ cạnh tranh tham gia thị trường. Các quy tắc và qui định khác nhau giữa các tỉnh gây khó khăn cho các công ty hoạt động bên ngoài địa phương của họ.
 Các chính sách tập trung hóa của Hội nghị lần thứ ba, do đó sẽ tăng cường nền kinh tế thị trường sôi động ở Trung Quốc. Ngoài ra, tập trung hóa cũng có tác động tích cực khác. Ví như, chính quyền trung ương có thể bảo vệ tốt hơn đối với môi trường và an toàn thực phẩm khi yêu cầu thực thi các tiêu chuẩn quốc gia.
 TIẾP SAU SỰ KIỆN BẠC HY LAI
 Ngay từ những ngày đầu phát triển, ĐCSTQ đã chính thức quan ngại về tệ tham nhũng. Cơ quan kiểm tra nội bộ đầu tiên của đảng (sau gọi là Ủy ban Kiểm tra Trung ương) được thành lập vào năm 1927, chỉ sáu năm sau khi đảng thành lập và 22 năm trước khi đảng thực sự giành được quyền lực chính trị. Cho dù quyền lực và sự ảnh hường của Ủy ban này, theo từng thời kỳ, có lúc tăng lúc giảm, nhưng nguyên tắc hoạt động vẫn luôn nhất quán.
 Từ 1927 đến nay, mô hình phòng chống tham nhũng của đảng vẫn là tổ chức kiểm tra nội bộ được áp dụng theo Đảng Cộng sản Liên Xô. Về lý thuyết, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật (DIC) ở mỗi cấp chính quyền chịu sự lãnh đạo của DIC cấp trên, trực tiếp. Mọi báo cáo đều được chuyển về Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CDIC). Tuy nhiên, trong thực tế, hệ thống này thường bị phá vỡ. Người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng thường làm việc dưới ảnh hưởng, có sự gắn kết sự nghiệp của mình với người đứng đầu bộ máy hành chính hoặc chịu sự lãnh đạo, về phía đảng, của người đang bị xử lý kỷ luật. Lấy ví dụ về vụ án Bạc Hy Lai, bí thư bị thất sủng của Trùng Khánh. Bạc, bị kết tội tham nhũng năm ngoái, là Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quyền lực cao nhất ở Trung Quốc. Người đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng của Trùng Khánh, tiếc thay, còn không phải là ủy viên của Ủy ban Trung ương, vị trí ít nhất hai mức thấp hơn Bạc. Về cơ bản là không thể kỷ luật được Bạc tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt nhiệm kỳ của ông. Hiển nhiên, một chế độ như vậy, mặc dù thành công trong việc trừng phạt hành vi phạm tội ở mức độ thấp, sẽ không thể kiểm soát được sự lạm dụng quyền lực ở các cấp cao hơn.
 Hội nghị đã đẩy mạnh tái cấu trúc chế độ kiểm tra, chuyển Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương vào cơ quan có quyền ban hành quyết định độc lập với lãnh đạo cấp ủy. Các DIC giờ đây buộc phải báo cáo lên Ủy ban trung ương tại Bắc Kinh. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương có toàn quyền bổ nhiệm cán bộ chống tham nhũng ở các cấp trên toàn quốc và tiến hành điều tra tất cả các vụ việc. Như để khẳng định ngay cho sự điều chỉnh này, khi kết thúc Hội nghị, Hou Kai, một cán bộ đảng có ảnh hưởng tại Bắc Kinh, được bổ nhiệm đứng đầu Ủy ban kiểm tra Kỷ luật tại Thượng Hải.
 Tương thích với cải cách chế độ kiểm tra nội bộ đảng, từ Hội nghị này hệ thống cơ quan tư pháp cũng được cơ cấu lại. Giờ đây, hệ thống tòa án ở mỗi cấp không còn phụ thuộc cơ quan hành chính cùng cấp và chỉ chịu kiểm soát của tòa án cấp trên.
 Chưa thể đánh giá hết tầm quan trọng của những cải cách quản trị ở Trung Quốc trong tương lai, nhưng đây là những điều chỉnh về chất nhất trong phân định và tạo lập quyền lực của đảng trong nhiều thập kỷ tới. Trung Quốc là một đất nước rộng lớn với một chính phủ có nhiều phức hệ. Sự ra đời của cơ quan kiểm soát độc lập ở mọi cấp chính quyền có thể giúp đảng ngăn chặn được tham nhũng và tăng cường hiệu quả hoạt động, việc mà trước đây đảng chưa thực hiện được.
 HỒI KẾT CỦA MÔ HÌNH “BA ĐẦU TÀU”
 Có lẽ, cải cách chính trị đáng chú ý nhất của Hội nghị lần này là việc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia và Ban Chỉ đạo trung ương về thúc đẩy cải cách, hướng dẫn các hoạt động an ninh quốc gia và chính sách kinh tế. Cả hai cơ quan này sẽ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị, do đó, hầu giải quyết được các mâu thuẫn bất lợi trong cơ cấu chính trị của Trung Quốc như đã có trong nhiều thập kỷ qua.
 Khi đảng thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân (1949), nhà nước này được khuôn mẫu theo mô hình của Liên Xô và thường gọi là mô hình ba đầu tàu. Về hình thức, có ba cơ quan song song chia sẻ quyền lực: Quốc vụ viện – cơ quan lập pháp do Chủ tịch nước đứng đầu; Hội đồng Nhà nước – nội các do Thủ tướng lãnh đạo; và Bộ Chính trị đứng đầu là Tổng Bí thư. Chủ tịch nước và Thủ tướng cũng là thành viên của Bộ Chính trị (trong những thập kỷ gần đây, Tổng Bí thư cũng đồng thời là Chủ tịch nước). Cho đến nay, Hiến pháp vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo độc nhất của đảng.
 Về hình thức, sự phân định như trên đã tạo ra những phức tạp về thể chế, những mâu thuẫn và chứa đựng nội dung thiếu bền vững. Từ những ngày đầu của nền Cộng hòa Nhân dân, đã có những cuộc tranh luận về mức độ nhất thể hoặc tách biệt các cơ quan, về đảng đứng đầu bởi Trung ương và Bộ Chính trị, với chính phủ, được điều hành bởi Hội đồng Nhà nước. Trong 30 năm đầu tiên dưới thời Mao, người cầm lái vĩ đại dù chỉ lãnh đạo Đảng, nhưng đồng thời kiểm soát trực tiếp toàn bộ chính phủ. Xung đột thể chế như vậy càng trầm trọng hơn bởi ảnh hưởng của cá nhân người đứng đầu, dẫn đến những hậu quả thường là rất thảm khốc. Vào giữa những năm 1960, sự khác biệt quan điểm giữa Mao, đứng đầu ĐCSTQ, với Lưu Thiếu Kỳ, đứng đầu chính phủ, đã là ngòi nổ gây nên thảm họa Cách mạng Văn hóa.
 Kiến tạo Ủy ban An ninh Quốc gia và Ban Chỉ đạo trung ương về thúc đẩy cải cách, Hội nghị lần thứ ba này đánh dấu sự kết thúc mô hình ba đầu tàu. Giờ đây, đảng đã  nắm chắc vị trí đứng đầu và là trung tâm nền quản trị chính trị quốc gia, đồng thời tiếp tục củng cố tính hợp hiến của đảng. Chức trách của Ủy ban an ninh quốc gia sẽ bao gồm tất cả các khía cạnh của chính sách an ninh đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, từ lực lượng Công an đến Bộ Ngoại giao. Ban Chỉ đạo trung ương về thúc đẩy cải cách sẽ là mũi nhọn trong chiến lược kinh tế quốc gia. Cả hai cơ quan này giờ đây đều được đặt dưới sự chỉ đạo duy nhất của Bộ Chính trị. Ở một ý nghĩa nào đó, hệ thống quản trị Trung Quốc đã gần hơn với hệ thống bán tổng thống (như Pháp…).
 Cải cách sẽ giúp ổn định quản trị và cũng có thể báo hiệu một bước đột phá lớn về chính trị. Thật vậy, ĐCSTQ cuối cùng cũng thừa nhận rằng đảng là một tổ chức quản trị, không phải là một đảng chính trị. Hơn một trăm năm trước đây, các đảng chính trị hiện đại từ phương Tây du nhập vào Trung Quốc. Nhưng ở các nước phương Tây, nhà nước quốc gia được thiết lập trước, các đảng phái đại diện cho từng nhóm dân cư trong hệ thống chính trị thường ra đời sau đó. Ở Trung Quốc, quá trình này xảy ra theo chiều ngược lại, đảng ra đời trước, và 28 năm sau, đảng lập nên nhà nước Cộng hòa Nhân dân. Từ đó, ĐCSTQ đã tuyên bố đại diện cho một đa số dân tộc Trung Hoa.
 Cùng sự kết thúc nhà nước Xô Viết với mô hình ba đầu tàu và cấu trúc pha trộn đảng với Chính phủ, Hội nghị lần thứ ba đánh dấu một mốc quan trọng cho sự trưởng thành trong quản trị quốc gia của đảng. Về lâu dài, quản trị quốc gia của Trung Quốc, về chất, sẽ khác với mô hình hiện đang vận hành tại hầu hết các quốc gia, trong đó với nhiều đảng chính trị đại diện cho các nhóm lợi ích khác nhau cạnh tranh nhau thông qua bầu cử. ĐCSTQ đang phát triển thành một tổ chức quản trị hiện thân cho toàn bộ xã hội Trung Quốc, nhưng không giống các triều đại phong kiến Trung Hoa. Tương lai của quản trị chính trị ở Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào năng lực thể chế của ĐCSTQ có tiếp tục thích ứng được với một xã hội đang thay đổi nhanh chóng.
 THÀNH CÔNG TỔNG THỂ
 Đề cập đến nội dung của Hội nghị lần này, hầu hết giới quan sát và các trung tâm nghiên cứu  phương Tây đánh giá thấp những cải cách chính trị của ĐCSTQ do họ không nhận thấy những nội dung dân chủ trong đa đảng và trong  bầu cử. Theo ý thức hệ, với Trung Quốc thuật ngữ “cải cách chính trị” đã bị đánh tráo và thường được diễn giải phù hợp với nền dân chủ kiểu phương Tây. Do vậy, mọi cải cách không phù hợp với ý nghĩa này, dù lớn hay nhỏ, đều bị bác bỏ. Các quan điểm như vậy phản ánh những cách nhìn, nếu không hoàn toàn có hại, cũng rất non nớt trong hiểu biết về Trung Quốc.
 Các học giả về Trung Quốc hiện đại thường chia sự lãnh đạo của đảng ở quốc gia to lớn này thành hai thời kỳ, mỗi kỳ khoảng 30 năm. Kỳ đầu tiên từ 1949 đến1979, dưới thời Mao, kỳ thứ hai bắt đầu với cải cách mở cửa của Đặng vào năm 1979 và kéo dài đến ngày hôm nay. Một số đã cho rằng thời kỳ 30 năm thứ hai được khởi nguồn chính từ và thậm chí là từ sự trì trệ của thời kỳ trước đó. Nhận định như vậy là sai lầm. Mặc dù thời kỳ đầu tiên và thứ hai dường như cho thấy có sự tương phản nhau trong ý thức hệ, nhưng thời kỳ thứ hai là kết quả tự nhiên của thời kỳ đầu tiên. Nếu không có những thành tựu của thời kỳ đầu tiên – độc lập dân tộc và xây dựng được cơ sở hạ tầng công nghiệp cùng lớp người cơ bản hiện đại – thì không thể có được thời kỳ thứ hai.
 Nếu những cải cách chính trị mới đây được thực hiện, Hội nghị lần này sẽ mở đầu một kỷ nguyên thứ ba – tích hợp thành quả của hai kỷ nguyên trước và tạo ra kỷ nguyên mới cho Trung Quốc hiện đại, vẫn bằng mô hình quản trị quốc gia vận hành không qua bầu cử nhưng hiệu quả. Khi tính đến hình thức giám sát và cân bằng mới, chính quyền sẽ nổi trội hơn về năng lực, về tính đáp ứng và linh động.
 Ngày nay, khủng hoảng về quản trị quốc gia gây nhiều hệ lụy trên khắp thế giới. Từ hiện trạng đảng phái tê liệt ở Hoa Kỳ đến những bế tắc của chủ nghĩa Tinh hoa châu Âu, hay các nước phát triển đang ngập tràn trong tình trạng trì trệ kéo dài. Ở hầu hết các nước đang phát triển, từ Thái Lan đến Nam Sudan, chế độ bầu cử hoặc là không được thực hiện hoặc là hoàn toàn mất tính hợp pháp.
 Dù phải đối mặt với vô vàn thách thức và đòi hỏi ngày càng tăng, Trung Quốc trong nhiều tiêu chí, đã đạt thành tích về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và gắn kết xã hội nói chung. Trong thời đại của Tập, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và với quỹ đạo này, đến giữa thế kỷ này Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc thật sự về kinh tế, chính trị và quân sự. Nhưng tiềm năng sẽ không thể thành hiện thực một khi thiếu vắng một hệ thống quản trị quốc gia chặt chẽ, trưởng thành và phù hợp với đất nước về chính trị. Những gì đã xảy tháng mười một năm ngoái ở Bắc Kinh hé lộ nhiều điều hơn so với trước đây người ta đã tưởng./.
Nguồn: Viet Studies, 14-1-2014.
Xem bản tiếng Anh: Tại đây



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét