Đặng Khương chuyển
ngữ, CTV
Phía Trước
Minxin Pei, Project-Syndicate
Minxin Pei, Project-Syndicate
Trong
một hành động táo bạo kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch
chống tham nhũng, Trung Quốc đã chính thức công bố bắt đầu các cuộc điều tra
liên quan đến những “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” đối với nhân vật cao cấp
nhất bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Chu Vĩnh Khang. Mặc dù những
tin đồn về sự sụp đổ chính trị của ông Chu đã được lan rộng gần một năm nay
nhưng bất cứ ai quen thuộc với những âm mưu chính trị của Trung Quốc đều biết
rằng các nhóm thân cận và phe cánh vẫn có thể cứu được ông Chu nếu Đảng Cộng
sản Trung Quốc chưa chính thức công bố hạ quyết ông. Bây giờ thì việc này đã
trở nên chính thức: một con “siêu hổ” đã bị quật ngã. Nhưng liệu đây có phải là
những gì mà Trung Quốc thực sự cần trong lúc này?
Từ năm 2012, khi Tập Cận Bình bắt đầu “săn hổ” – theo như đúng
lời ông nói – thì đã có ba bộ trưởng, tỉnh trưởng và các quan chức cấp cao khác
đã bị rơi vào lưới. Nhưng ông Chu không phải là một con hổ bình thường. Ông
từng là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết định cao nhất của
ĐCSTQ. Ông Chu từng được xem như một nhân vật bất khả xâm phạm.
Kể từ những năm cuối thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã tôn
trọng các quy tắc ngầm rằng các thành viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị,
đương nhiệm hoặc nghỉ hưu, đều được hưởng quyền miễn trừ truy tố hình sự. Tất
nhiên cũng có một số người bị thanh lọc trong cuộc đấu tranh quyền lực, chẳng
hạn như sự sụp đổ của Hoa Quốc Phong, người kế nhiệm của Mao Trạch Đông, vào
đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, những nhân vật bị đánh bại thường được đưa về
nghỉ hưu trong thầm lặng và không bao giờ phải đối mặt với các cáo buộc tham
nhũng.
Cho nên việc truy tố ông Chu là một bước ngoặt – còn xa hơn các
phiên tòa của cựu Bí thư Chi bộ ĐCSTQ Bạc Hy Lai ở Trung Khánh bị thất sủng một
năm trước đây. Việc này thể hiện một cách rõ ràng quyết tâm cá nhân và chính
trị của Tập Cận Bình. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Ông Tập hy vọng sẽ đạt
những gì với chiến dịch chống tham nhũng đáng sợ nhất của Trung Quốc trong hơn
ba thập kỷ qua?
Sự khôn ngoan đầu tiên là việc truy tố sẽ giúp phục vụ mục tiêu
củng cố quyền lực của Tập Cận Bình và buộc bộ máy chính quyền đầy quan liêu
phải thực hiện cải cách kinh tế vốn đi ngược lại lợi ích của chính mình. Hai
ngạnh trong chiến lược chính trị của Tập Cận Bình là làm sạch ĐCSTQ và tiếp
thêm sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Việc này có nghĩa rằng hai ngạnh sẽ tự bổ
sung và phụ thuộc lẫn nhau.
Chiến lược này có thành tích đáng kể. Nhưng ngay cả câu châm
ngôn xảo quyệt mà người cai trị thường khuyến khích sự sở hãi thay vì lòng yêu
thương trong dân chúng cũng chỉ có thể đi đến một giai đoạn nào đó thôi. Các
nhà lãnh đạo chính trị thành công nhất phải có kỹ năng xây dựng các liên minh.
Hãy xem Đặng Tiểu Bình, nhân vật cải cách thành công nhất của
Trung Quốc (mặc dù chính ông ra lệnh vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989). Liên
minh lớn nhất mà ông đã tạo dựng thành công, trong đó ông vượt qua tất cả các
âm mưu chính trị khác, là mang lại sự chuyển đổi kinh tế sau khi ông trở lại
nắm quyền vào năm 1979.
Câu hỏi hiện nay không phải là liệu Tập Cận Bình đã tích lũy
được đủ thẩm quyền để thực hiện những thay đổi cần thiết ở Trung Quốc hay
không, mà liệu ông đã xây dựng được một liên minh có khả năng thúc đẩy mục tiêu
phục hồi cũng như cải cách nền kinh tế thị trường hay chưa. Và cho đến nay thì
câu trả lời dường như là không có.
Từ khi nắm chức chủ tịch nước, những hành động củaTập Cận Bình đã
trở nên kiên quyết hơn nhưng cũng không kém phần mâu thuẫn.Một mặt,ông đã tích cực
săn”hổ” và “ruồi” (các quan chức cấp thấp hơn), trong khi kiềm chế các đặc quyền
mà giới quan chức Trung Quốc đang được hưởng. Mặt khác, ông đã đưa ra chiến
dịch mạnh mẽ chống lại tự do hóa chính trị, bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động nhân
quyền hàng đầu và đàn áp thẳng tay các phương tiện truyền thông xã hội vốn hoạt
động rất sôi động ở Trung Quốc.
Những rủi ro trong việc tiến hành một cuộc chiến tranh hai mặt
trận ngày càng trở nên rõ nét hơn. Nếu cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận
Bình có thật thì việc này sẽ tạo ra sự sợ hãi và oán giận trong bộ máy quan
liêu của Trung Quốc. Trong khi các quan chức giả vờ đồng tình với chương trình
cải cách kinh tế của Tập Cận Bình thì cùng lúc họ sẽ tìm mọi cơ hội để cản trở
nó. Việc thiếu vắng những thành công cụ thể kể từ khi Tập Cận Bình công bố chi
tiết kế hoạch cải cách kinh tế hồi cuối tháng Mười một cho thấy rằng điều này
đã xảy ra.
Đồng thời, lập trường cứng rắn của Tập Cận Bình trong việc chống
lại những cải cách chính trị đang làm giới cấp tiến mất hết hy vọng. Tất nhiên,
nhóm này – bao gồm cả trí thức, các nhà hoạt động xã hội, nhà báo và doanh
nghiệp tư nhân – có rất ít quyền lực trong thể chế chính trị ở Trung Quốc. Điều
họ có là khả năng gây ảnh hưởng đến những người Trung Quốc bình thường – giúp
bổ sung lực lượng vào liên minh ủng hộ cải cách. Đặng Tiểu Bình đã nhận ra tiềm
năng của các nhóm này vào những năm 1980. Nếu Tập Cận Bình không theo gót Đặng
Tiểu Bình thì việc tập hợp công chúng để ủng hộ kế hoạch cải cách kinh tế cũng
như viễn tượng tương lai của Trung Quốc do ông đề ra sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Đây chưa kể đến bắt nhốt Chu Vĩnh Khang không hẳn là một bước đi
sáng suốt. Nhưng bây giờ Tập Cận Bình phải thay đổi kế hoạch từ việc bắt các
nhóm tham nhũng sang liên minh với những đồng minh chính trị khác, thậm chí
những đồng minh mà ông chưa từng nghĩ đến. Sự thành công lâu dài của Tập Cận
Bình – cũng như cả nước Trung Quốc – phụ thuộc vào sự liên minh đó.
________
Minxin Pei là giáo sư ngành
Quản lý Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna và là nghiên cứu viên cao cấp,
không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét