Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Miến Điện/Myanmar: Con đường gian truân đi tới tự do

Christoph Hein/Udo Schmidt
Phan Ba dịch
Christoph Hein là thông tín viên kinh tế của tờ “Nhật báo Phổ thông Frankfurt” (Frankfurter Allgemeine Zeitung – FAZ) chuyên về Ấn Độ, Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương. Sống từ mười bốn năm nay ở Singapore, ông là tác giả của nhiều quyển sách và đồng thời cũng viết cho các tạp chí như “Merian” hay “Mare”.
Udo Schmidt từ tháng 3 năm 2011 là thông tín viên của đài phát thanh thuộc ARD với trụ sở ở Singapore cho Đông Nam Á, Úc, New Zealand và Nam Thái Bình Dương. Trước đó, ông là giám đốc thường trực của chương trình phát thanh NDR Info. Udo Schmidt là cử nhân chính trị học với trọng tâm về ngoại giao.

Tương lai bất ngờ

Mong ước của người dân
Soe Wie bán DVD ở cạnh Anawyadar Road trong nội thành Rangoon. Nghe có vẻ hết sức bình thường – nhưng trong Myanmar của những cải cách chính trị thì còn chưa được lâu. Vì người đàn ông hai mươi chín tuổi đó chất hàng chồng bản sao lậu “The Lady” của Luc Besson lên trên quầy hàng của anh ấy ở ven đường, cuốn phim về người nữ lãnh tụ phe đối lập Aung San Suu Kyi.

Các bản sao đó có giá năm trăm kyat, độ chừng năm mươi euro cent, rõ ràng là một cái giá có thể chấp nhận được, vì người bán hàng trẻ tuổi trên đường phố này bán được tròn bốn trăm cái DVD trong một ngày, theo như anh ấy nói. Hẳn cũng vì nội dung của những cái đĩa bạc đấy. Người dân trong Rangoon muốn có Aung San Suu Kyi, họ tôn sùng người nhận Giải Nobel Hòa bình và con gái của vị anh hùng giành độc lập Tướng Aung San đó. Có thể họ cũng trả một ngàn kyat cho một bản sao. Soe Wie có thể kiếm thêm nhiều tiền nữa.
“Không, tôi không hề muốn điều đó”, anh quả quyết, “tôi chỉ làm việc này cho Aung San Suu Kyi, tiền chỉ đóng một vai trò phụ mà thôi.” Chắc chắn là một vai phụ hết sức dễ chịu, vì Soe Wie với những cuốn  phim của anh trong một ngày kiếm được nhiều hơn là một người thầy giáo hay một nhà báo trong cả một tháng.
Soe Wie không đơn độc với ý tưởng buôn bán của anh ấy: huy hiệu đeo áo, áp phích đủ loại với Aung San Suu Kyi như là “Covergirl” – người phụ nữ đứng ở tiền tuyến của phong trào dân chủ là món hàng bán chạy.
“Thật là tốt, khi Daw Suu – ‘bà Suu kính mến’, như bà ấy được nhiều người ở đây gọi như thế – ngồi ở trong Quốc Hội”, con người hai mươi chín tuổi này nói, người trong lúc đó lại nhanh chóng bán thêm được một cái DVD nữa, “nhưng hoàn cảnh sống của tôi không được cải thiện qua đó.” Nó chắc sẽ được cải thiện nhiều hơn qua số tiền dành dụm mà Soe Wie sẽ tích lũy được, nếu như anh vẫn còn tiếp tục bán DVD thêm một vài tuần hay vài tháng nữa.
Nhưng cả những người thật sự không có tài sản gì cũng phản ứng tương tự. Như Nae Mae Weh ở quầy hàng chợ của cô ấy trong Dala, tỉnh cực nghèo ở bên kia sông, đối diện với Rangoon. Thật ra thì đấy không phải là một quầy hàng, nó là một mảnh vải đầy vết dơ nằm trên mặt đất. Trên đó là cá khô, trong cái nóng nực thì đúng là một thách thức cho khứu giác.
Tất nhiên là Nae Mae Weh có biết Aung San Suu Kyi. “Vâng”, cô nói, “tôi rất kính trọng bà nữ lãnh tụ đối lập”, nhưng việc Lady có thể cải thiện cuộc sống cá nhân của cô, điều đấy thì cô không cho là như thế.  Cuộc sống cá nhân của cô nhất định phải được cải thiện, điều đó thì cô biết, người phụ nữ bán cá trên cái chợ dơ bẩn của tỉnh nhỏ Dala, cách Rangoon chưa tới hai mươi kilômét nhưng nằm trong một thế giới hoàn toàn khác. Cô biết, và cô cũng nói điều đấy ra. “Tôi hầu như không thể sống được với số tiền kiếm được ở đây”, người phụ nữ không không rõ tuổi tác nói, mù một con mắt từ một cơn bệnh khi còn bé, “tôi nói chung là chỉ sống được qua ngày vì anh tôi thường hay nhét thêm ít tiền cho tôi.” Và về mặt sức khỏe thì cô cũng không được tốt, vào buổi trưa, cô thu lại tấm vải với cá không bán được, cô không còn sức để mà bán tiếp nữa.
Cả ở đây trong Dala cũng có một cái gì đó có thể nhận rõ được. Nae Mae Weh và những người buôn bán khác ở chợ nói chung là sẵn sàng phát biểu ý kiến của mình, tin tưởng một con người xa lạ. Điều đấy hoàn toàn không phải là tự nhiên sau năm mươi năm độc tài. Không một ai ở đây đã hưởng được sự tự do ngôn luận trong cuộc đời của họ. Điều đấy cũng giải thích cho cách diễn đạt “kính trọng Aung San Suu Kyi”. Tuyên bố kính trọng biểu tượng bất khuất của phe đối lập, điều đấy thì đã được phép lâu rồi, ngay cả khi không được thích nhìn thấy và nghe thấy, chỉ là người ta không được phép nói về sự ủng hộ, nếu không thì sẽ bị trừng phạt.
Có thể đến Dala, tỉnh lỵ trong đồng bằng sông Irrawaddy, bằng chiếc phà qua lại đều đặn, trong giờ cao điểm quá tải rất nhiều. Người ta mời mua bánh kẹo trên con tàu gỉ sét đó, mì sợi khô làm thức ăn cho những con chim hải âu bay theo tàu – một món hàng thân ái vô lý và thương yêu thú vật trong lúc bản thân còn nghèo khổ –, và tất nhiên là ở đây cũng có bán mọi thứ mà người có thể nghĩ ra được để tôn sùng phong trào dân chủ.
Nhưng vẫn còn chưa có cầu qua sông, vì thế mà các thế giới ở đây không hòa nhập vào nhau. Vì thế mà người dân đô thị của Rangoon và người dân tỉnh lẻ Dala khác nhau và có thể dễ dàng phân biệt được với nhau đến như thế. Nhưng có một điều mà người trong Dala đi trước người trong Rangoon. Họ được phép chạy xe gắn máy và mô tô, nếu như họ có khả năng. Ít nhất thì có thể mua một chỗ ngồi trên yên của một chiếc xe ôm. Chính trong Rangoon thì xe gắn máy và mô tô đã bị cấm từ lâu vì sợ những kẻ khủng bố, sợ những vật nổ được quẳng đi từ chiếc xe hai bánh chạy lạch cạch ngang qua. Cái khiến cho những người từ Phương Tây đến thăm thành phố sáu triệu dân này vui mừng thì lại không phải là thú vui cho những người đi làm hàng ngày.
Thao Thin đi xe đạp và vẫn như thế. Trên một con đường phụ bên cạnh ngôi chợ lớn dành cho du khách, anh đứng với chiếc xe đạp của anh, ở trên yên chở hàng có cột chặt một cái lồng chim to, và chờ khách hàng. Những người này mua ba con chim của anh với giá một ngàn kyat, tròn một euro, chỉ để thả tự do cho chúng ngay tại chỗ. “Điều đấy mang lại may mắn”, Thao Thin nói, “và với một ít tiền như thế thì lúc nào cũng đáng giá cả.” Ba lần may mắn cho một ngàn kyat, ngay trong Myanmar cũng đã là một tỷ giá tốt rồi – và trong lúc đó thì Thao Thin chẳng phải mất tiền. Những con chim nhỏ màu nâu đỏ đã được thuần phục sau khi bay một vòng thoải mái dưới ánh nắng mặt trời của Rangoon sẽ lại quay trở về lồng của chúng. Chúng là cái tương xứng ở Đông Nam Á cho con chim bồ câu đưa thư ở Đức. Công việc kinh doanh của Thao Thin không phụ thuộc vào mùa trong năm và dân chủ, ít nhất thì anh hy vọng là như thế. “May mắn”, anh nói, “cái đấy thì lúc nào cũng cần cả.”
Đứng cách đó chưa đến một trăm mét đường chim bay là Ko Shwe Htaay trong một gian phòng trưng bày nhỏ trước bức tranh mà ông thích nhất. Ko Shwe Htaay Maung lâu nay đã là một nhà nghệ sĩ trong Myanmar và tất nhiên là đã tự sáng tác lấy tác phẩm nghệ thuật mà ông thích nhất. Nó thể hiện một bức tường có nhiều ổ cắm điện, dây điện kéo lộn xộn trên lớp vữa, đến những cái bóng đèn tròn mà trong số đó có cái sáng, cái không. Một lồng cầu thang đặc trưng trong Rangoon, có lẽ hơi ít nấm mốc một chút, người xem tranh ít hiểu biết nghĩ như thế. Chính người  nghệ sĩ thì lại nhìn nó khác đi. Đối với ông ấy thì đó là những kết nối của cuộc sống, những cái không bao giờ được phép ngắt quảng, để có thể vẫn là con người.
Bức tranh làm đẹp cho trang bìa quyển danh mục triển lãm của Myanmar Traditional Artists and Artisans Organisation – và người ta cho rằng nó có giá tới ba ngàn dollar Mỹ. Ko Shwe Htaay Maung, người nghệ sĩ với mái tóc thưa và rõ ràng là đã ở trong nửa sau của cuộc đời, phản ứng với thị trường đang thay đổi bằng cách đó. Ông muốn cuối cùng thì cũng có một lần kiếm được tiền, với cái mà ông có khả năng và với cái mà ông làm ra. Và cho tới nay thì ông đã làm được nhiều. Triển lãm có quy mô rộng lớn, rộng lớn như sự yên lặng mà ông vẽ tranh ở trong đó. Điều đấy luôn phụ thuộc vào tâm trạng của ông. Và phần lớn các bức trang tâm trạng đó có giá từ ba trăm cho tới năm trăm dollar Mỹ.
Nhưng điều mà ông chờ đợi trước hết là bắt đầu từ bây giờ có thể làm việc mà không bị kiểm duyệt. “Trong những thập niên vừa qua thì điều đó là không thể”, ông nói, và chỉ đến một bức tranh thành phố khổ lớn. Giữa những ngôi nhà ở ven đường Rangoon luôn có các chai bia Myanmar to như một ngôi nhà đứng đó. Cách phê phán sự tiêu thụ của Ko Shwe Htaay Maung và hẳn không phải là bức tranh thành công nhất của ông. Nhưng cả một thời gian dài nó là một bức tranh bị cấm, và vì thế mà ngày nay là bức tranh được người nghệ sĩ rất yêu quý.
Tranh bị cấm, ảnh chụp bị cấm một thời gian dài cũng là cái khiến cho người mua chú ý đến những tờ báo của U Tchai, những cái mà anh ấy trải ra ở ven đường. Thật ra thì các tờ báo của anh ấy không còn đáng giá của chúng nữa. Chúng cũ cả tuần rồi, chuyện đã qua rồi, yesterday papers. Ai mà còn muốn trả tiền cho chúng nữa chứ? Trong Rangoon thì tương đối có nhiều người muốn thế. Vì báo của tuần rồi rẻ tiền, hai trăm kyat so với năm trăm kyat cho số mới ra. Và một tờ nhật báo của tuần trước thì lúc nào cũng còn tốt hơn rất nhiều khi so với những gì có thể đọc lúc trước đây, cho tới trước đây hai năm, trong Myanmar của các nhà độc tài. Có thể nhìn thấy ảnh chụp Aung San Suu Kyi cũng như những bức ảnh của một phóng viên ảnh ở miền Bắc của đất nước này, người có mang máy chụp ảnh cuả mình đi theo cùng khi cảnh sát dùng bạo lực dã man để giải tán một trại biểu tình của những người nông dân, cái mà những người này muốn dùng để nhận được tiền bồi thường cho đất bị tịch thu. Không còn gì là bí mật nữa cả. Hai trăm kyat, nếu tin tức cũ đã một tuần rồi, chỉ một trăm khi số ra trước đây hai tuần là đã đủ.
U Tchai hài lòng với việc kinh doanh và cuộc sống của anh ấy. Hài lòng tới mức hầu như anh không biết diễn đạt một ước muốn nào cho tương lai. Nhưng rồi thì vẫn có một điều mà anh quan tâm đến: “Chẳng bao lâu nữa ngày nào cũng có báo, không chỉ một lần trong tuần. Tôi hồi hộp không biết điều đấy có ảnh hưởng như thế nào đến công việc làm ăn của tôi. Thế thì tôi có thêm được rất nhiều sự lựa chọn.”
Đường xá thật là xấu trong tỉnh Dala gần Rangoon. Ở Bagan, cách Rangoon nhiều trăm kilômét, ở đấy, nơi có nhiều ngôi chùa có cho tới cả ngàn năm tuổi nằm trên nhiều kilômét vuông, những cái về phần chúng lại chứa hàng ngàn tượng Phật, một phần còn không có đường nữa. Chỉ có những con lộ bằng cát hay bùn lầy đầy bụi. Tùy theo mùa trong năm. Mặc dù Bagan ngay trong thời của chế độ độc tài đã là điểm thu  hút chính cho con số ít khách du lịch, những người mang lại danh dự cho đất nước bị nô dịch đó với lần đến thăm. Và mặc dù Bagan bây giờ chắc chắn sẽ bùng nổ trở thành một điểm nóng cho khách du lịch. Nhưng vẫn còn tương đối yên tịnh trong Bagan, Win Nih Tu Tu vẫn còn có thời gian tán gẫu về cuộc sống của ông trong cửa hàng của anh ấy. Win Nih Tu Tu là thế hệ thứ năm bánlacquerware, những cái hộp, đĩa, cốc sơn mài. Không đơn giản là chỉ sơn lên, mà được phủ có cho tới hai mươi lăm lớp sơn trong một phương pháp thủ công nhiều tốn kém. Ông của Win Nih Tu Tu đã được giới thiệu trong National Geographic năm 1972, một tạp chí với những loạt ảnh tuyệt vời. Lúc đấy, ngay trong những thời kỳ tồi tệ nhất của nền độc tài, việc này đã khiến cho anh tin rằng kinh doanh với lacquerware là có tương lai. Win Nih Tu Tu đã bọc nhựa số xuất bản đó của tờ tạp chí đặt trong cửa hàng của ông. Để chỉ cho xem. Để hãnh diện. Nếu như số đông người mua chẳng bao lâu nữa sẽ tràn đến đây, thì rồi những tờ giấy rõ ràng là đã hư hại đấy chẳng mấy chốc nữa sẽ không còn tồn tại.
Vật liệu cơ bản cho các tác phẩm sơn mài nghệ thuật trong cửa hàng của Win Nih Tu Tu là tre. Để có độ cứng phải cần thật nhiều lớp sơn. “Chỉ từ hai mươi lớp sơn trở lên thì ví dụ như một cái đĩa mới có thể bền được, tới mức người ta có thể dễ dàng sử dụng và rửa nó mà nó không bị vỡ”, người nghệ nhân thủ công gầy gò nói, vừa ăn mừng sinh nhật thứ bốn mươi của ông. Sơn, ông còn giải thích, được cung cấp chỉ từ vùng xung quanh Inle Lake. Inle Lake là một cái hồ cách Mandalay không xa, thị trấn ngay sau Bagan, hẳn sẽ thu hút khách du lịch thật đông.
Các thị trấn quanh Inle Lake thật sự là được xây trên nước. Những ngôi nhà đứng trên cột trong hồ nước cạn, người dân làng chỉ đi lại bằng ghe chèo. Họ cũng ra vườn của họ với những chiếc ghe đó, để làm đồng. Cây cỏ ở đây mọc trên những luống đất hẹp, ở giữa đó là những con kênh đào nhỏ cho các nhà nông đi lại trên nước. Và cả người ta đi làm cũng bằng ghe. Như đi đến xưởng dệt, cái quảng cáo rằng sẽ ảo thuật khăn quàng cổ ra không chỉ từ sợi tơ và còn từ sợi sen nữa. Nae Weh Ah là giám đốc. Ông hy vọng nhiều vào tương lai gần đây. “Nếu như khách hàng của chúng tôi chẳng bao lâu nữa có thể trả bằng thẻ tín dụng thì công việc kinh doanh của chúng tôi sẽ tốt hơn nhiều”, ông lạc quan cho rằng như thế. Có thể là ông đúng. Khăn quàng và áo sơ mi có giá tính ra từ ba mươi đến một trăm euro. Những số tiền đó ít đập vào mắt hơn như nếu thanh toán bằng thẻ.
Cả vùng xung quanh Inle Lake sống nhờ vào du lịch. “Chắc chắn có hai ngàn người phụ thuộc vào du lịch”, Khun Htun Oo nói; “và thêm vào đó là nhiều người kiếm tiền bằng cách bán thứ gì đó cho khách du lịch.” Khun Htun Oo là giám đốc của một công ty nhỏ, Golden Island Cottages Group, lo tổ chức tất cả cho những người đi du lịch cá nhân. Từ xe đạp qua thuyền cho tới phòng khách sạn hay xác nhận giờ bay. Khun Htun Oo vì thế đã nhận ra ngay từ bây giờ, thời này đã tốt hơn rồi. Trong khu vực du lịch của Myanmar, các mong đợi ở tương lai gần là lớn nhất, và có lẽ là ở đây chúng cũng bị làm thất vọng ít nhất. Những người khách du lịch với ý thích của họ, không muốn đến quá muộn, không muốn đến mãi khi tất cả những người khác đã đến đây rồi và những con đường đi đã bị dẫm nát rồi, những người đó đã bắt đầu lên đường và con số của họ đang tăng lên.
Ngược lại, nguồn thu nhập của Swe Swe Mieh chỉ có thể được xem là tạm thời. Người phụ nữ giữa độ tuổi ba mươi đó đứng ở cạnh một ngã tư trong Rangoon. Nói cho chính xác thì cô đứng ở giữa đường, che nắng bằng một cái nón vùng nhiệt đới được đan bằng mây lá và giơ hàng của cô vào kính của những chiếc xe ô tô đang dừng lại trước đèn đỏ. Hàng của cô gồm một vài tờ tuần báo, nhưng trước hết là bản bìa cứng, mỏng, của “Foreign Investment Law”, của Luật Đầu tư do Quốc hội Myanmar thông qua, để khuyến dụ các nhà đầu tư và qua đó là tiền đi vào trong nước. Đạo luật này có nhiệm vụ đưa ra những bảo đảm về mặt luật pháp. Trên gần mười lăm trang giấy, nó mới đưa ra một cái gì đó giống như tuyên bố ý định mà thôi. Vâng, chúng tôi muốn doanh nghiệp nước ngoài hãy đầu tư vào Myanmar, có thể đọc được qua những hàng chữ như thế. Điều đó cần phải diễn ra như thế nào, điều này thì cuối cùng không có trong tập sách mỏng. Và Swe Swe Mieh cũng không thể nói gì về điều đó cả. “Tôi không biết đọc”, cô giải thích một cách gần như là thích thú vậy. “Tôi lúc nào cũng chỉ nhìn xem có người nước ngoài nào ngồi trong chiếc taxi hay không và rồi tôi chào bán tập sách mỏng đó.” Bản luật này có bằng tiếng Anh ở cô ấy, nhưng cũng cả bằng tiếng Miến Điện nữa. Ai cần nên mua bản tiếng Miến Điện, điều này thì Swe Swe Mieh không thể nói được. Mặc dù vậy, cô vẫn cố bán nó. “Chồng tôi đau bệnh và không thể đi làm được. Chúng tôi có hai đứa con và tôi là người duy nhất kiếm được một ít tiền, tính ra khoảng ba euro một ngày”, Swe Swe Mieh còn nói và rồi phải quay trở lại với đường phố. Swe Swe Mieh là cái đối xứng với Sow Wie với những cái DVD về Aung San Suu Kyi. Cuốn phim đấy chắc chắn là hay hơn và dễ chịu hơn, hiện bây giờ đang quan trọng hơn trong Myanmar thì lại là đạo luật đầu tư mà Swe Swe Mieh đang cầm ở trong tay.

Cánh cổng mở rộng

Dân tìm kho báu chiếm lĩnh Rangoon
Cái nóng nực của ban ngày vẫn còn đè nặng nề lên trên thành phố. Mặt trời đang lặn để cho cái đỉnh tháp bằng vàng của ngôi chùa Shwedagon sáng rực. Ở đây, trên sân thượng, có một làn gió nhẹ thổi mát, con người nhún nhảy theo điệu nhạc từ những cái loa to màu đen. Ai ở đây, người đấy thuộc vào trong số những người thắng cuộc của Myanmar mới: doanh nhân và những người thừa hưởng gia tài, người làm trong ngành quảng cáo và chuyên gia máy tính, giám đốc và nhà ngoại giao, phụ nữ đẹp và đàn ông mặc sơ mi hở một khuy áo. Ánh sáng màu hồng của một quán hát karaoke buồn tẻ đang chập chờn trong ngôi nhà cao tầng đối diện. Những đôi mắt sáng lên trên sân thượng. “Bây giờ thì chúng tôi có được cơ hội mà chúng tôi cần”, U Moe Kyaw nói. “Nếu bây giờ mà Phương Tây không giúp đỡ chúng tôi thì rồi chúng tôi sẽ rơi vào tay của Trung Quốc nhiều thập niên. Nhưng thế nào đi nữa thì chúng tôi cũng thắng cuộc.”
Buổi tiệc đã bắt đầu – không chỉ trên mái nhà của chiếc tháp văn phòng này mà U Mow Kyaw mướn ba tầng ở trong đó. Với tập đoàn nhỏ của ông, cái xuất bản quyển Trang Vàng đầu tiên nặng hàng kí lô của trung tâm kinh tế Rangoon, nhận quảng cáo, tiến hành nghiên cứu thị trường, ông đứng ở hàng đầu của lần bùng nổ. “Cho tới nay thì chính phủ đã sống nhờ vào ba chữ C: quan hệ [contact], kiểm soát [control], chỉ huy [command]. Bây giờ thì có thêm cái thứ tư nữa: quan tâm lo lắng”, người đàn ông bốn mươi bảy tuổi nói. “Và nó sẽ thay đổi tất cả.”
Vào đầu năm 2011, Myanmar đã cởi bỏ sự tồn tại của nó như là nền độc tài quân sự tồi tệ nhất của Đông Nam Á như cởi bỏ một bộ quân phục cũ. Các tướng lĩnh trở thành người dân thường, những người tự gọi mình là nhà dân chủ – nhưng họ vẫn tiếp tục có quyền quyết định trong chính phủ. Đường lối của Myanmar khiến cho người ta nghĩ đến việc lái ô tô trên một con đường cao tốc về đêm mà không có đèn xe: có một ý tưởng cho mục đích, nhưng con đường thì nằm trong bóng tối. Đổi hướng hay quay ngược lại là không thể. Hương thơm của tự do đã phủ lên đất nước này, lơ lững như một đám mây mềm mại trên các thành phố và trên những ngôi nhà ở nông thôn. Ai cũng hít thở nó. Hầu như vẫn còn chưa có ai biết mình cần phải làm gì với sự tự do này. Nhưng cần phải tiến lên. Với nhiều cơ hội hơn nữa. Nhiều tiền hơn. Và con cái sau này cần phải sống tốt hơn là cha mẹ của chúng.
Min Lyat Chan biết điều đấy có cảm giác như thế nào. Anh được gọi là Kenmin, có thân hình như một nhà thể thao chuyên nghiệp, nét thu hút của một người thành công và một nghề nghiệp mà ai cũng ganh tỵ với anh: anh dạy trong một trung tâm về an toàn cho công nhân dầu mỏ và thủy thủ. Nó được xây dựng bởi công ty Đức Uniteam Marine, một doanh nghiệp hạng vừa, cung cấp thủy thủ đoàn Miến Điện cho tàu đi biển. Bên cạnh đó, với Savoy, Uniteam cũng khánh thành một trong những khách sạn đẹp nhất thành phố. Con đường thăng tiến của Kenmin cũng bắt đầu ở đó: người chỉ huy trung tâm an toàn chú ý đến người bồi bàn. Ông nhận người đàn ông trẻ tuổi biết nói tiếng Anh tốt đó vào làm việc như là huấn luyện viên. Gửi anh đến trường đại học vào buổi tối để học thêm một ít về tâm lý học. Ngày nay, Kenmin hai mươi sáu tuổi huấn luyện cho công nhân dầu mỏ để họ sống sót được khi chiếc máy bay trực thăng của họ rơi ngoài biển khơi và cho thủy thủ, để họ tự cứu mình lúc đắm tàu. Từ số tiền năm trăm dollar mà anh ấy nhận được hàng tháng như là huyến luyện viên, anh gửi một nửa về nhà cho cha mẹ của anh. Hàng ngày, anh ấy lặn xuống bể huấn luyện lớn nhiều lần. Sếp của anh ấy, người Hà Lan Paul van Empel, xác nhận như một ông thần thời tiết: “Chúng tôi có thể tạo ra mưa và bão, sương mù và sóng ở đây”, van Empel nói. Rồi ông ấn vào một cái nút, thế là có một cơn bão nổi lên trong cái hồ bơi khổng lồ ở ngoại ô của Rangoon.
Nếu như cũng đơn giản như thế với tự do – ấn vào một cái nút và rồi tập luyện cách làm thế nào để sống sót qua được. “Bây giờ mọi việc tiến triển nhanh lắm”, Kenmin cũng nói. “Không phải ai cũng chuẩn bị trước cả. Tôi hy vọng là chúng tôi không bị người nước ngoài tràn ngập.” Anh có thể nắm bắt được lần bùng nổ bằng cả hai tay. “Trước đây hai năm, điện thoại di động còn có giá một ngàn dollar ở chỗ chúng tôi – bây giờ chúng tôi có chúng với hai trăm dollar.” Rồi anh nói: “Tôi có cơ hội để giàu lên.” Và anh nói điều đó giống như trẻ em đi học ở Đức kể về món quá Giáng Sinh đẹp nhất của các em.
Kenmin nhìn thấy rõ các mục đích của anh ở trước mắt. Nhưng đối với đất nước của an thì con đường còn dài. Myanmar – ở đây đã có những viên tướng không ngần ngại giết người, tra tấn, lấy cắp. Lính của họ truy đuổi các nhà sư trong chiếc áo cà sa màu đỏ của họ qua đường phố Rangoon, bắn chết phóng viên, hành hạ những người chống đối, bán rẻ nguyên liệu của đất nước. Cái bây giờ đang lột xác thành hình là một đất nước phụ thuộc vào Trung Quốc mà trong đó giới tinh hoa đang làm giàu quá đáng và xem người dân như là nô lệ lao động. Gỗ nhiệt đới và ngọc thạch, thuốc phiện và dầu mỏ, tất cả đều đi qua biên giới Trung Quốc, có những thứ nào đó sang Ấn Độ và Thái Lan. Năm 1862, Miến Điện là một trong những nước đầu tiên của Trái Đất xuất khẩu thùng dầu đầu tiên của mình. Vẫn còn dưới sự thống trị của Anh quốc, nó là nước giàu nhất Đông Nam Á, được ban phúc lành với khoáng sản và di tích văn hóa. Ai cai trị nó thì đã có quyền lực chỉ vì vị trí địa lý – một cái nêm nằm giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan, với một bờ biển dài đến Vịnh Bengal.
Chủ nghĩa Tư bản Bóc lột tiếp tục diễn ra dưới thời của các viên tướng. Nó dẫn đất nước đi đến chỗ phá sản nhà nước. Thống kê được làm giả, nợ không được trả – cho tới cuối 2012, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) còn chờ hơn bốn trăm chín mươi triệu dollar mà họ đã từng chuyển giao cho chính phủ. Trong khi các viên tướng đưa ra tỷ lệ tăng trưởng là mười lăm phần trăm thì các phái viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế xác định một tốc độ tăng trưởng thật sự là hơn năm phần trăm. Không có hệ thống tài chính, không có hệ thống ngân hàng, không có máy rút tiền tự động, nhưng có ba tỷ giá hối đoái. Năm 2007, một nửa các đầu tư nước ngoài chảy vào khu vực dầu và khí đốt. Các viên tướng nhét một phần tư ngân sách vào trong vũ khí. Vẫn còn lâu mới có được một cân bằng với các dân tộc thiểu số. Không có một xã hội dân sự đang hoạt động, không có hệ thống tư pháp, không có bảo đảm cho đầu tư. Họ nhốt người nhận Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi trong nhà của bà ở cạnh hồ nước mười lăm năm trời. Sau khi được trả tự do, bà cảnh báo giới doanh nhân Phương Tây trước một sự lạc quan nhẹ dạ: “Cần nên có một sự hoài nghi đúng mực.” Nhưng người anh của bà, bất hòa với bà, thì được phép xây một biệt thự khổng lồ ở cạnh bờ của con sông Irrawaddy, trong Bagan thiêng liêng. Củ cải và cây gậy, lọ mật ong và cây súng máy, đó là chiến lược của “Men in Green”.
Cơn bão Nargis năm 2008 đã chiến thắng giới quân sự. “Lúc đấy, các viên tướng đã nhận ra rằng người Miến Điện chúng tôi không nản lòng, đoàn kết với nhau”, Zaw Oo nói. Ông đã thành lập nhóm hoạt động Loka Ahlinn, tạo nên nhiều thứ trong bí mật. “Rồi sau Nargis, mùa Xuân Ả Rập đã giúp chúng tôi. Mãi đến lúc đấy các viên tướng mới sợ thật sự.” Đã từ lâu, Zaw Oo không còn tin vào cái tốt trong nhà độc tài nữa. “Không có cánh cửa nào mở ra cả. Các viên tướng đã đứng ở cạnh bờ vực sâu. Họ đã làm cho đất nước này suy tàn. Người dân đứng đối lập với họ. Các viên tướng phải đến với họ. Hay là nhảy qua.” Thế giới ghi nhận các thay đổi đó, khi người Miến Điện bất thình lình mở lời với Trung Quốc, thế lực bảo vệ họ, rằng họ sẽ không cho xây một con đập nước mà điện của nó đang được người Trung Quốc cần đến. “Đó là điểm ngoặc”, Tin Maung Thann nói. Ông là một trong những người đang được cần đến nhiều nhất của Myanmar. Vì tất cả họ đều gõ cửa tại tổ chức phi chính phủ Egress do ông lãnh đạo: các quỹ và chính trị gia, nhà ngoại giao và lãnh đạo kinh tế. “Chắc chắn là cuộc Cách mạng Ả Rập đã giúp đỡ, vì những người cầm quyền bắt đầu sợ, số phận giống như thế đe dọa họ. Thêm vào đó là áp lực của những nước Đông Nam Á láng giềng, những nước muốn cuối cùng rồi cũng tiến lên được mà không phải luôn biện hộ cho nền độc tài trong hàng ngũ của họ.” U Moe Kyaw thì nhìn khác đi: “Mười lăm phần trăm của mười dollar thì không nhiều bằng năm phần trăm của một ngàn dollar”, doanh nhân này nói. Điều mà ông muốn nói: Tầng lớp thượng lưu của Myanmar cũ đã nhận ra rằng họ sẽ có được nhiều hơn, nếu như họ không chỉ thực hiện những cuộc kinh doanh đen tối với người Trung Quốc. “Không ai thích người Trung Quốc cả. Nhưng chính là Phương Tây với những biện pháp trừng phạt mới đẩy chúng tôi vào tay của họ”, sếp Egress Tin Maung Thann nói.
Cái nóng oi bức của Myanmar để cho đầu kêu o o, huyền thoại xuất hiện ở đây tại ly Whiskey đầu tiên. Bước ngoặc của các viên tướng tạo chỗ cho sự cay độc. Một trong các doanh nhân nước ngoài trong Rangoon, người dễ hiểu là không muốn được nêu tên ra, nhìn lần mở cửa như thế này: các tập đoàn Phương Tây nhất định muốn đến với các lọ mật ong của Miến Điện, đặc biệt là dầu và khí đốt. Vì các viên tướng đã trở thành đa triệu phú ngay từ lúc người Trung Quốc bóc lột rồi, nên họ đi đến quan điểm rằng đất nước bây giờ đã trưởng thành đủ để mở cửa. Vì giả như có thêm một biển máu nữa thì có nguy hiểm là họ sẽ mất đi tất cả. Nhưng Phương Tây thì cần nhượng bộ về chính trị, để bãi bỏ các biện pháp trừng phạt. Vì thế người ta đã dâng lên cho Phương Tây lần bầu Aung San Suu Kyi vào Quốc hội trên một cái khay bạc. “Một bước ngoặc một trăm tám mươi độ”, người đàn ông nói. “Trước kia, bà ấy không được phép vào Quốc Hội trong bất cứ trường hợp nào. Sau lần bầu hồi giữa tháng 4 thì bà ấy nhất định phải vào.” Bà ấy là chiếc lá nho mà cuối cùng rồi cũng tạo khả năng cho các tập đoàn Phương Tây công khai bước vào Myanmar. Sau đó, bà ấy sẽ bị – “từ tuyệt vời đấy trong tiếng Đức của các anh là như thế nào nhỉ? À vâng, ‘vô hiệu hóa’”. Có những người nào đó nhìn tương lai của Myanmar như thế này: Chỉ cải cách vừa đủ để cho con đường với ASEAN và cho một sự cân bằng với Phương Tây vẫn còn tự do. Mở cửa về kinh tế, nhưng vẫn tiếp tục có một môi trường đầu tư cực kỳ khó khăn.
Dẫu sao thì sự quan tâm đã hầu như không thể còn kìm hãm lại được nữa: các phái đoàn và phái viên của doanh nghiệp, người môi giới, tư vấn và giới ngân hàng đang đi khắp Rangoon. Ai cũng muốn là người đầu tiên khi cánh cổng tiền mở ra. Sẽ không lâu nữa đâu. Cho tới cuối 2012, người Mỹ đã bãi bỏ một vài biện pháp trừng phạt, người Âu đã bãi bỏ trên quy mô rộng lớn, Nhật Bản xóa bốn tỷ rưỡi tiền nợ cho Myanmar, hứa hẹn những khoản cho vay mới, xây thị trường chứng khoán và một nhà máy mô tô. “Lúc trước, chúng tôi có một thư hỏi trong một tháng, bây giờ là hai trong một ngày”, Chit Su Wai thuật lại, người nhiều năm trời đã giữ chỗ cho Hiệp hội Đông Á [của các doanh nghiệp Đức] tại một văn phòng sáng sủa trong tầng hầm của khách sạn Inya Lake ở Rangoon. Giá cổ phiếu của Yoma Holdings, công ty mà người Miến Điện Serge Pun ở Singapore đã thành lập, tăng bốn trăm chín mươi ba phần trăm trong vòng một năm, sau khi sự mở cửa đã có thể nhìn thấy rõ được. Vì Pun có giấy phép để nhập xe tải Đông Phong của Trung Quốc vào Miến Điện, xây nhà ở, và ông ấy sở hữu đất ruộng.
Italian Thai Development xoay một cái bánh xe may mắn thật to khác: tập đoàn xây dựng Thái Lan này muốn phát triển một cảng nước sâu, một nhà máy điện và đặc khu kinh tế đầu tiên với gần mười ba tỉ dollar. “Họ đã thỏa thuận trước với các viên tướng rồi”, Zaw Oo cay đắng nói. “Nhưng chúng tôi sẽ ngăn chận không cho họ cung cấp tất cả điện sang Thái Lan và chỉ có các doanh nghiệp ở đấy là kiếm được tiền thôi.” Ai thính mũi thì đã nhờ bù nhìn mua từ lâu. Giá cả cho hộ ở trong khách sạn đã tăng gấp đôi trong vòng sáu tháng. Để mua một căn hộ nhỏ thì người ta phải cần đến một chiếc xe tải, hàng chục cái bao chứa đầy tiền giấy kyat và tám người canh giữ và khuân vác. Họ mang tiền mặt đến cho người bán, sau đó mới có chìa khóa. Nhà tư vấn đầu tư từ thành phố München Jens Erhardt đã cùng với bạn bè xây một khách sạn năm sao ở cạnh bãi biển. “Myanmar là một cái mỏ vàng, người ta nhìn từ hướng nào thì cũng thế – nguyên liệu, khí đốt và dầu mỏ, quy mô khổng lồ, vị trí giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Tăng trưởng sẽ đến từ mọi hướng, người ta đổ đến đây từ mọi xó xỉnh của thế giới. Không có một chuyến bay nào, không có một khách sạn nào mà không có doanh nhân đã đặt trước”, Craig Steffensen mô tả tình hình. Ông chịu trách nhiệm cho Myanmar tại ADB.
Trong khi đấy thì xây dựng Myanmar sẽ khó khăn hơn là vẻ ngoài. Cái nhìn sang biên giới cho thấy điều đó: Thái Lan, nền kinh tế quốc dân lớn thứ nhì của Đông Nam Á, với sáu mươi triệu người cũng có số dân cư khoảng chừng như Miến Điện. “Nhưng những khác biệt khiến cho người ta bật ngữa: khách du lịch đến thăm Thái Lan trong một tuần nhiều như khách đến Myanmar trong cả năm 2011. Số người có ô tô ở Myanmar chỉ bằng khoảng sáu phần trăm của con số đấy ở Thái Lan, số người có điện thoại di động chỉ bằng một phần trăm trong nước láng giềng”, Ian Gisbourne nói, người đã soi sáng cơ hội đầu tư ở Myanmar cho ngân hàng Thụy Sĩ UBS. Cấu trúc quyền lực trong nước cho tới nay hầu như không thay đổi – nó chỉ được mặc cho y phục khác đi thôi, những nhà phê phán nói. Tin Maung Thann nhìn kỹ hơn: “Quá trình chính trị bây giờ đang đi trên con đường đúng đắn. Nhưng để xây dựng nền kinh tế của chúng tôi, chúng tôi cần một mô hình nào đó, một thời biểu. Nhưng không có mô hình cho một việc như thế này”, Tin Maung Thann nói, nhà tư tưởng của Egress. “Chúng tôi không còn có thể áp dụng các học thuyết của thế kỷ 20, của cuộc xây dựng Hàn Quốc, Đông Đức hay Indonesia được nữa. Vì cuối cùng thì chúng ta đang ở trong thế kỷ 21.” Điện bị mất trong khoảng khắc này trong văn phòng của ông, cái máy điều hòa nhiệt độ lặng câm.
Con người đã quen với việc đấy. Nhưng vẫn còn chưa quen với tự do. Nhà đấu tranh cho quyền công dân Zaw Oo bây giờ được phép nói thẳng. Nhưng ông thì thầm khi nói về giới quân đội. Tin Maung Thann nhận được rất nhiều tiền viện trợ. Nhưng ông phải biện hộ trước những người phê phán trong nước và nhấn mạnh rằng Egress vào thời độc tài “đứng gần các thể chế, không đứng gần các cá nhân”. U Moe Kyaw cùng gia đình lần đầu tiên bay đến nơi có tuyết, đến Thụy Sĩ. Và rên lên, rằng giám đốc từ Mỹ của ông thu nhập một tháng bằng một trăm cô nhân viên điện thoại Miến Điện của ông. Và anh Min Lyat Chan trẻ tuổi hy vọng, rằng nhiều người đồng hương của anh từ Mỹ bây giờ sẽ trở về Myanmar mới – chính anh thì anh lại muốn sang Singapore để kiếm tiền. Các biến đổi này khiến cho người ta nghẹt thở. Các vết thương không có thời gian để mà lành lại nữa. Khi vượt qua một chiếc xe tải với quân lính, người tài xế taxi trong Rangoon nói: “Giới quân đội trông như người. Thật sự thì họ là thú.” Mới trước đây một năm, ông chắc chắc là chỉ dám nhìn xuống.

Không có quân phục

Một viên tướng trở thành người tốt
Một người thì chân trần trong dép tắm và quấn cái xà rông truyền thống có vạch xanh nước biển, một người trong bộ comlê màu đen, giày sang trọng và thắt cà vạt: khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Thein Sein, Tổng thống Myanmar, trong thành phố Rangoon, sự tương phản hầu như không thể hơn được nữa. Trước đó, chưa từng có một tổng thống Mỹ đến thăm Myanmar. Vài tuần trước vẫn còn chưa có ai chờ đợi từ Obamar một chuyến viếng thăm như thế. Nhưng đến cuối Thu 2012, đất nước này sống trong một thời kỳ chuyển tiếp – thời quá độ từ một chế độ độc tài quân sự sang một nền dân chủ được ban bố. Thein Sein, vị tổng thống, đại diện cho cả hai hệ thống. Từ một thành viên của nhóm quân đội cầm quyền, viên tướng này đã trở thành nhà cải cách đất nước.
Mãi đến đầu tháng 2 năm 2011, sau cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên – bị tranh cãi – từ hai mươi hai năm nay, Thein Sein mới được tuyên thệ trở thành tổng thống dân sự. Trước đó, ông đứng trong vị trí lãnh đạo của giới quân sự cầm quyền, nô dịch hóa và tàn phá Myanmar, từ 2007 là thủ tướng. Vào ngày 30 tháng 3 năm 2011, “Hội đồng nhà nước về Hòa bình và Phát triển” chính thức giải tán, và Thein Sein tuyên thệ trở thành tổng thống nhà nước cùng với chính phủ mới gồm năm mươi tám người. Vừa mới là Tổng thống, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia và Tổng tư lệnh quân đội, người đàn ông đã có tuổi này với cái đầu hói hết nửa và chiếc kính gọng vàng đã thể hiện là một nhà cải mới toàn hảo. Vị nguyên thủ quốc gia, về mặt hình thức là đầu tiên của đất nước này kể từ lần đảo chánh quân sự năm 1962, trả tự do cho các tù nhân chính trị, công nhận người nữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi trong vai trò của bà ấy, mở cửa cho nền kinh tế. Với mỗi một tuần trôi qua trên đất nước này, thế giới lại càng ngạc nhiên nhiều hơn về viên tướng không có quân phục ấy. Trong y phục dân sự, ông trông giống như một thầy giáo dạy tiếng La tinh, một viên kế toán, có lẽ là một dược sĩ – nhưng không giống như một thành viên đứng đầu của chính quyền quân sự mà đã chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn con người. Không một ai tin rằng người sĩ quan đã được thanh minh đó lại có được một sự thay đổi như thế.
Tối tối, tại nhà riêng, ở phía sau cánh cửa đóng kín, ông chắc cũng không thể tin được chính bản thân mình: trong mùa Xuân 2012, tờ Time Magazine bình chọn Thein Sein là một trong số một trăm nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới. Tên của ông nằm trong danh sách đề cử cho Giải Nobel Hòa bình. Và Thant Myint-U, tác giả và là con trai của cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, U Thant, vinh danh Thein Sein như là “kiến trúc sư của một trong những biến đổi dân chủ ít có khả năng nhất trên toàn thế giới”. Theo cách nhìn của ông, con người sáu mươi bảy tuổi này đang tìm thế cân bằng theo nhiều hướng: “Ông ấy phải sắp đặt chính phủ theo hướng dân chủ, cải cách một trong những nền kinh tế quốc dân lạc hậu nhất trên thế giới, và thương lượng chấm dứt hơn một tá các xung đột sắc tộc đã kéo dài lâu nay.” Tất cả những việc đó, trong khi ông phải làm sao cho các tướng lĩnh trước đây không nổi giận, những người vẫn còn quyết định chính phủ, liên kết các viên chỉ huy quân đội, giới doanh nhân, các đảng đối lập và xã hội dân sự trẻ tuổi.
Rõ ràng là máu vẫn còn vấy trên bàn tay của viên tướng qua đêm trở thành dân sự: Thein Sein là thủ tướng, khi chính quyền quân sự chấm dứt cuộc nổi dậy hòa bình của các nhà sư trong một biển máu năm 2007. Và trong vai trò đấy, ông cũng là người ít nhất thì phải cùng chịu trách nhiệm khi những người giúp đỡ nước ngoài không được phép nhập cảnh sau cơn bão Nargis năm 2008 – hơn một trăm ngàn người đã thiệt mạng trong khi đó. Theo huyền thoại, Thein Sein đã nhận ra được tính cần thiết của những cuộc cải cách ngay trong khi vẫn còn ngồi trong chiếc trực thăng bay trên những vùng đất bị ngập lụt mà ngôi làng quê hương của ông cũng nằm trong đó.
Trong bộ tham mưu các tướng lĩnh, Thien Sein có quê từ miền Nam của đất nước chưa bao giờ được tôn trọng nhiều. Người ta nói rằng ông ấy là một con người đồng tình với tất cả, như là một người lúc nào cũng gật đầu. Nhà cố vấn và cũng là người viết diễn văn cho ông Nay Wing Maung mô tả ông là “không tham vọng lẫn không quyết định nhanh chóng  lẫn lôi cuốn, nhưng rất ngay thẳng và thật thà”. Trong nhân dân, có người gọi ông là “Mr. Clean”, vì ông không tham nhũng nhiều như đồng nghiệp trong hệ thống dễ bị mua chuộc của Myanmar. Người ta nhận ra điều đấy từ đâu? Vì ông cho tới nay vẫn không giúp đỡ ngôi làng quê nghèo nàn của ông, không khoe khoang ở đấy như những người khác, không cho xây chùa tưởng niệm Đức Phật và chính mình. Surin Pitsuwan, cho tới 2012 là tổng thư ký hùng biện của cộng đồng các nhà nước Đông Nam Á ASEAN, cộng đồng mà Myanmar cũng là thành viên, mô tả Thein Sein là “rất mềm mỏng, rất hiền hòa và rất cẩn thận”.
Các đặc tính đó đã đưa đẩy ông lên cao trong chính quyền quân sự: từ 2001 đến 2003, ông là người phụ tá cho Than Shwe, viên tổng tư lệnh đáng sợ. Không có sự đồng ý của ông thì Thein Sein không bao giờ được phép nhận quyền lãnh đạo đất nước đi đến dân chủ. Con đường thăng tiến của ông không được vạch sẵn ra từ bé. Thein Sein xuất thân trong hoàn cảnh nghèo khổ. Ở Kyonku, nơi đồng bằng rộng lớn của con sông Irrawaddy mở ra biển Andaman, cho tới nay vẫn chưa có điện và nước máy. Cha của ông, cũng như nhiều người dân Myanmar khác, đã từng là nhà sư, sau đó là nhà giáo, đã dệt chiếu và bán mì từ một căn nhà nghèo nàn dọc theo con đường bụi bặm và làm cu li kiếm tiền ở bến tàu. “Đối với tôi, cái nghèo là dấu ấn lên tuổi thơ. Vì thế mà giảm nghèo là yếu tố quan trọng nhất của cuộc cải cách”, Thein Sein nói giống như một chính khách. Người con trai thoát khỏi cảnh nghèo nàn của gia đình mình, cũng như nhiều nam thanh niên Myanmar khác, qua lần bước vào Học viện Quân sự. Ở độ tuổi bốn mươi, viên tướng đứng thứ tư của đất nước được phép viếng thăm Trung Quốc và Singapore trong những chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên. Sau đó, khi ông là viên tướng chịu trách nhiệm về vùng người Shan ly khai ở miền Bắc, ông được cho là đã hành xử ít tàn bạo hơn những người khác. Tất nhiên là giới đối lập lan truyền rằng thời trước, Thein Sein thích ra sân golf hơn là quan tâm đến một chiếc máy bay rơi xuống vùng của ông ấy
Ngược lại, về việc mở cửa cho đất nước của mình thì rõ ràng là người tổng thống tự làm lấy. Khi đạo luật đầu tư hết sức quan trọng cho sự phát triển bị những người crony, những người đồng minh của chính quyền quân sự, làm cho mềm đi để họ hưởng lợi từ đó, văn phòng tổng thống đã lập tức thu hồi và chỉnh sửa nhiều điểm để tạo cho người nước ngoài có được những khả năng lớn hơn trong công cuộc xây dựng đất nước.
Nhưng thành tựu to lớn nhất của Thein Sein là việc công nhận Lady: nữ lãnh tụ phe đối lập Aung San Suu Kyi biết rằng bà đã nhận được gì từ người thủ tướng đó. Và điều đó cũng đúng theo chiều ngược lại: cả hai người có tuổi bằng nhau, và không ai trong hai người có thể đóng vai trò của mình trong nước Myanmar mới mà không có người kia. “ASSK” bắt đầu tin tưởng, khi Thein Sein mời bà vào dinh tổng thống tháng 8 năm 2011, nơi bà nhìn thấy một bức ảnh khổng lồ của cha bà, người anh hùng dân tộc Aung San. Viên cựu tướng lĩnh và người phụ nữ bị đàn áp nhiều năm trời đã bắt tay nhau ở dưới đó. Thein Sein còn tiếp nữa:  ông ấy không ngần ngại công khai tuyên bố sự kính trọng của mình đối với gia đình của người phụ nữ đấu tranh cho tự do: “Nếu như anh nhìn vào lịch sử của đất nước chúng tôi thì tấm gương duy nhất mà tôi có được chính là người anh hùng giành độc lập của chúng tôi, Tướng Aung San.” Với sự hiện diện của vợ ông và mẹ của hai cô con gái của gia đình, băng đá giữa người phụ nữ đấu tranh phản kháng và thành viên chính quyền quân sự đã tan chảy. Trong khi đó, vài tháng trước Aung San Suu Kyi còn bị giới quân đội căm ghét cho mức nhà độc tài toàn trị Than Shwe cấm không cho phép nói tên của bà ra trước mặt ông ấy.
Aung San Suu Kyi biết rõ rằng hiện bây giờ chỉ có Thein Sein là có thể tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách. “Tôi nghĩ Thein Sein thành thật”, người nữ trí thức để cho cả thế giới trích dẫn. Và Thein Sein cũng biết rằng Aung Sau Suu Kyi có đủ quyền lực để đánh đắm bất cứ một dự định nào của chính phủ. Thế nhưng sự im lặng của người phụ nữ đấu tranh đó mang lại cho ông tính chính danh mà ông cần, để có thể lấy điểm ở Myanmar và trước hết là ở nước ngoài.
Giống như đôi vợ chồng già, những người là địch thủ của nhau trước đây đã tạo một thỏa hiệp vì một Myanmar mới – “không với bạn và không thể không có bạn”, nó là như thế. Nếu như họ vẫn còn ngáng trở nhau trong những chuyến công du vào những tuần đầu tiên – sau khi AungSan Suu Kyi đến thăm Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thái Lan trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên của bà sau lần bị quản thúc tại gia, Thein Sein đã hủy bỏ không tham gia nữa –, họ nhanh chóng học được cách cũng để cho người kia đóng vai trò của mình ở nước ngoài. Vài tháng sau đó, khi ở New York, Thein Sein cũng nói về Lady: “Aung San Suu Kyi có một vai trò mang tính quyết định trong quá trình cải tổ. Bà ấy là nghị sĩ của Quốc hội và bà ấy đã làm việc với chúng tôi để đẩy mạnh một vài cải cách. Bà ấy là một người đồng nghiệp tốt. Tôi chắc chắn là bà ấy đang làm những gì mà bà ấy có thể làm, để hoàn thành quá trình cải cách.” Chỉ sau vài tháng trong chức vụ khó khăn, viên cựu tướng lĩnh đã tìm thấy những từ ngữ đúng đắn: “Di sản chính trị của tôi là việc chỉ cho thế hệ kế tiếp thấy rằng chúng tôi tôn trọng sự khác biệt; chúng tôi có ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi có thể làm việc cho cùng một mục đích vì đất nước này. Ngay với cả sự kình địch chính trị của hai thập niên vừa rồi.” Rằng “kình địch chính trị” chính là sự tô điểm có một không hai khi nhìn đến những bất công và thống khổ mà Thein Sein và những người đồng nghiệp trong chính phủ quân đội của ông đã gây ra cho đất nước này, điều đấy thì ông cố tình ỉm đi.
Nhưng liệu vị tổng thống đã tỉnh ngộ như thế có thể tự mình “hoàn thành quá trình cải cách” hay không? “Nếu theo ý tôi thì tôi chỉ muốn đứng đầu đất nước một nhiệm kỳ thôi”, ông nói. “Nhưng các quyết định trong tương lai tất nhiên là phụ thuộc vào nhu cầu của đất nước và mong muốn của người dân.” Sức khỏe của ông không được tốt. Vị tướng phải gắn một máy tạo nhịp tim ở thành phố Singapore hoa lệ – trên quê hương đã bị chính ông và các đồng nghiệp trong chính quyền quân sự tàn phá thì việc đó không đủ an toàn đối với ông.
Ngay cả khi Thei Sein cùng với người nữ lãnh tụ phe đối lập quyết định tốc độ mở cửa Myanmar, thì vẫn còn không rõ là ông muốn đi đến đâu. Vị tổng thống chỉ thỉnh thoảng mới đưa ra những lời nói ám chỉ. Như ông đã xin lỗi cho giới quân sự cầm quyền, rằng quân đội không còn sự lựa chọn nào khác khi giành lấy quyền lực vào cuối những năm 80, để tái lập “hòa bình và ổn định”. Và rằng các tướng lĩnh với hai mươi lăm phần trăm số phiếu vẫn tiếp tục giữ quyền phủ quyết, điều đấy là hợp lý theo quan điểm của ông: điều này tương tự với các hoàn cảnh trong thời quá độ ở Nam Hàn và Indonesia. Nhưng như vai trò của giới quân đội đã giảm dần đi cùng với sự ổn định của nền dân chủ trong cả hai nước đó, thì điều đấy cũng có thể xảy ra ở Myanmar.

Mềm yếu một cách anh hùng

Gánh nặng trên đôi vai của Lady
Aung San Suu Kyi đứng trong khu vườn nhà bà ở cạnh hồ Inya tại Rangoon. Người nữ lãnh tụ đối lập được tôn sùng ở Myanmar trông gầy gò mảnh khảnh, sức mạnh lớn lao của bà, khả năng chịu đựng của bà, cái mà bà đã chứng minh trong  hơn mười lăm năm bị quản thúc tại gia, đến từ bên trong. Không thấy nó ở cái nhìn đầu tiên.
Và bây giờ Daw Suu, bà Suu, như bà thường được gọi, vẫn còn mệt mỏi. Rất mệt mỏi. “Tất cả có hơi nhiều một chút trong những tuần vừa rồi”, người đàn bà sáu mươi bảy tuổi nói với một giọng nói không được rõ ràng và đòi hỏi như người ta thường quen ở bà. Đó là cái ngày trước lần bầu cử bổ sung vào Quốc hội tại thủ đô Naypidaw của Myanmar và Aung San Suu Kyi đã dẫn đầu cuộc tranh cử từ nhiều tuần. Bà thích thú khi có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, khắp mọi chỗ và được chào mừng. Nhưng niềm hân hoan đấy cũng mang lại nguy hiểm cho bà. Daw Suu hay vượt quá giới hạn thể lực, không hề quan tâm đến sức khỏe của mình. Hàng chục ngàn người reo hò chào mừng bà ở hai bên đường, toàn Myanmar chờ đợi ở người nhận Giải Nobel Hòa bình một cú đánh giải phóng, cái mà cuối cùng thì không buộc phải thực hiện, – có ai còn nghĩ đến sức khỏe của bản thân mình nữa chứ?
Cuối cùng, ngay trước lần bầu cử bổ sung, Aung San Suu Kyi rồi cũng tuân theo các dấu hiệu và lui về nghỉ ngơi trong ngôi nhà của bà một vài ngày. Bây giờ, trên bãi cỏ trước ngôi biệt thự, trong ngôi nhà mà cha mẹ của bà từng sống, bà vẫn còn chưa hoàn toàn bình phục. “Sức khỏe tôi có tốt hơn, nhưng thật ra thì tôi vẫn còn cần sự yên tĩnh thêm một chút nữa”, Lady thêm vào. Nhưng thật sự là không còn thời gian cho việc đó nữa.
Aung San Suu Kyi kiệt sức và kiệt quệ về tinh thần, đó là một trong những khoảng khắc hết sức hiếm hoi mà trong đó người nữ lãnh tụ đối lập được cả đất nước yêu mến, tôn sùng và mong đợi, bước xuống từ đỉnh Olymp, là một con người bình thường, mềm yếu.
Bà cũng thường được gọi là “Aunti”, cô, nhưng ở Myanmar mang ý nghĩa hết sức kính trọng. Việc Aung San Suu Kyi được tôn sùng không phải là một việc đáng ngạc nhiên. Bà là con gái của Tướng Aung San, người anh hùng giành độc lập của Myanmar, người bị giết chết năm 1947. Chỉ riêng điều đó cũng đã gần đủ. Nhưng trước hết là chính bà đã chứng tỏ mình có sức mạnh, nhiều can đảm cũng như sẵn sàng bằng lòng với những gì ít hơn trong việc riêng tư. Khi đảng của bà, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 1990, giới quân đội đã thu lại kết quả đó và quản thúc tại gia người nữ ứng cử viên đứng đầu. Suu Kyi cũng ở tại gia, khi Michael Aris chồng bà qua đời sau một cơn trọng bệnh ở Liên hiệp Anh.
Bà liên tục đấu tranh cho các cải cách dân chủ, mặc cho thế yếu của mình. Bị cô lập ở phía sau những cánh cửa đóng kín, bà ngày càng có thêm tầm quan trọng về chính trị. Tất cả mọi hy vọng cho lần mở cửa của Myanmar đều nhận được một cái tên trong những năm tháng này: Aung San Suu Kyi.
“Khi người ta hỏi tôi tại sao tôi lại luôn luôn đấu tranh cho dân chủ ở Miến Điện, thì tôi nói rằng vì tôi tin chắc là các thể chế dân chủ sẽ cho phép bảo đảm nhân quyền được tôn trọng”, Aung San Suu Kyi nói, và bà tin chắc như thế sâu trong nội tâm.
Bây giờ thì người nữ lãnh tụ đối lập này đã chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung tháng 4 năm 2012 mà không để lại cho đảng cầm quyền đến một ghế. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ hiện giờ có bốn mươi ba ghế trong Quốc hội. Nhưng đấy là lần bầu cử bổ sung mà trong đó chỉ tròn mười phần trăm số ghế được bầu mới. Đảng chính phủ của Thein Sein do vậy không phải lo sợ cho đa số của họ cho tới lần bầu cử Quốc hội 2015.
Từ tháng 11 năm 2010 không còn bị quản thúc tại gia nữa, vào lúc ban đầu còn bị giới hạn đi lại, rồi tầm quan trọng ngày càng được nâng cao qua những lần trao đổi với các đại diện của chính phủ, cuối cùng là người chiến thắng rạng rỡ trong cuộc bầu cử bổ sung tháng 4 năm 2012. Không ai tiên đoán được sự phát triển này. “Mỗi một sự giúp đỡ đến với Myanmar bây giờ phải mang lợi ích trực tiếp đến cho người dân, phải tăng cường cho họ, để họ trở nên độc lập với chính phủ”, Aung San Suu Kyi nói. Và bà có sự tự do và có quyền để nói điều đó. Bà ấy cũng cảnh báo trước một làn sóng đầu tư có thể chôn vùi đất nước này ở dưới nó. Và bà dựa vào Hoa Kỳ, đồng quan điểm với Thein Sein trong việc này. “Đã đến lúc chúng tôi trở thành bạn bè hay lại là bạn bè”, bà ấy nói, “cũng là bạn bè của một quá trình dân chủ thật sự. Tôi xin nước Mỹ hãy chú ý đến các vấn đề của chúng tôi.”
Hiện nay, giữa Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein đã phát triển một điều gì đó giống như mối quan hệ làm việc bền vững – giữa người nữ chính khách đối lập nhiều năm liền từng là kẻ thù số một của chế độ và vị Tổng thống, người bây giờ đang biến đổi sâu rộng chế độ mà ông đã hưởng lợi cả một thời gian dài. Sau cuộc bầu cử, Aung San Suu Kyi đã bước vào Quốc hội, qua đó được hợp pháp hóa một cách dân chủ, mặc dù vẫn còn một phần tư nghị sĩ thuộc giới quân đội, những người không phải đứng ra tranh cử. Qua đó bà cũng là một trụ cột cả cho chính phủ.
Thein Sein cần Aung San Suu Kyi, để các quyết định trong nhân dân có được đa số. Và ông cần bà để giải quyết các xung đột. Ví dụ như Lady được bổ nhiệm đứng đầu một ủy ban có trách nhiệm điều tra các sai phạm của cảnh sát trong lúc giải tán một trại biểu tình ở miền Bắc của đất nước. Ai được gắn kết như thế thì khó có thể làm những điều mà không ai đoán trước được. Đó hẳn cũng là một động cơ của Thein Sein, tiếp cận người nữ lãnh tụ đối lập trong những bước chân dài.
Không có Aung San Suu Kyi thì hiện nay hầu như không thể tưởng tượng ra được một phe đối lập ở Myanmar. Đó là một gánh nặng và cũng là một vấn đề. Sau Daw Suu thì không có ai được tin cậy và kính trọng như thế. Vì vậy mà bây giờ bà được tất cả mọi người không đứng vào phía của chính phủ ủng hộ. Và cũng vì vậy mà người ta phỏng đoán nhiều đến như thế, rằng liệu người phụ nữ sáu mươi bảy tuổi này có đủ kinh nghiệm trong hoạt động chính trị hay không, liệu bà về lâu dài có thắng thế hay không.
“Thỉnh thoảng, chúng tôi không biết chính xác là bà ấy đang nghĩ gì”, như diễn viên hài Zarganar nói, một cựu tù chính trị và hiện giờ đang nắm nhiều đầu dây trong nước Myanmar cải cách. Liên quan tới các dân tộc thiểu số của đất nước, những quyết định khó khăn nhất hay chỉ những lời phát biểu khó khăn nhất vẫn còn đang đứng ở phía trước của Aung San Suu Kyi. Bốn mươi phần trăm người dân Myanmar có cảm giác mình thuộc vào một trong những thiểu số đó, người Karen, Kachin, Shan hay Mon. Họ yêu cầu có nhiều quyền tự trị hơn, có phần nhiều hơn trong khai thác tài nguyên, và họ đã dùng vũ khí nhiều thập niên liền để biểu lộ những yêu cầu đó. Bây giờ đang có những cuộc thương lượng hòa bình với chính phủ, nhưng chúng diễn tiến chậm chạp. Và người phụ nữ nhận Giải Nobel Hòa bình cũng không thể phù phép một giải pháp nhanh chóng và đơn giản ra từ chiếc nón của nhà ảo thuật được. Các dân tộc thiểu số hy vọng có được thêm nhiều sự phi tập trung hóa từ bà, nhưng Lady cuối cùng thì cũng là một người Miến Điện, và qua đó là người hưởng lợi từ sự tập trung quyền lực ở trung ương.
Hòa giải trong nước hẳn là đề tài quan trọng nhất. Mối nguy hiểm mà các cuộc đầu tư cần thiết thể hiện cũng là một đề tài không kém quan trọng. Suu Kyi thường xuyên cảnh báo, như trong một chuyến đi thăm Ấn Độ:
“Myanmar giàu về khoáng sản và trong đó cũng tiềm ẩn một mối nguy hiểm. Đơn giản là bây giờ có quá nhiều người bước vào đất nước này, và muốn sử dụng các tài nguyên đó cho các mục đích riêng. Chúng tôi biết rằng Myanmar đang cần đầu tư, và chúng tôi cũng chào mừng những nhà đầu tư. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng các đầu tư phải hợp lý và phải được tiến hành một cách có trách nhiệm. Môi trường phải được bảo vệ, tương lai của đất nước phải được bảo đảm.”
Theo hiến pháp hiện nay, Aung San Suu Kyi không được phép ứng cử chức vụ tổng thống, vì bà kết hôn với một người nước ngoài. Nhưng ngoài việc đó ra: bà, đảng của bà, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, có thắng được cuộc bầu cử năm 2015 hay không? Tổng thống Mỹ Barack Obama dự đoán người bạn chính trị của ông sẽ thắng cử, người mà ông ấy trong lần viếng thăm Myanmar vào cuối năm 2012 đã sôi nổi ôm choàng lấy đến mức bà ấy phải hơi giật mình lui lại. “Chúng tôi nhìn đến cuộc bầu cử 2020, đó là một tầm nhìn thực tế hơn”, Zarganar nói – và nhiều nhà phân tích trong nước cũng nói như thế. Đến lúc đấy, phe đối lập, có Aung San Suu Kyi hay là không, sẽ ổn định.
Niềm hân hoan, cái mà Aung San Suu Kyi, biểu tượng cho hòa bình của Myanmar, tạo ra trong toàn Phương Tây, ngược với một cách nhìn khác hơn ở trong nước. Được yêu mến và được tôn sùng ở một mặt, bị phê phán là không có kinh nghiệm chính trị và có lúc trơ trơ trước những ý kiến cố vấn ở mặt kia. Ngay cả khi nó dường như là như thế trong cái nhìn đầu tiên: Myanmar trong thời của những biến đổi không đơn giản chỉ là đen hay trắng, tốt hay xấu. Tương lai có thể sẽ được vẽ ra trong những màu xám đậm nhạt khác nhau.

Gần có quyền lực

Phe đối lập muốn cải tạo
Chỉ đường đi là một tấm băng rôn lớn có con công đang tấn công, huy hiệu của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ. Nếu như không có tấm băng rôn ở phía trên cánh cửa đó thì chắc nhiều người đã chạy ngang qua mà không dừng lại, những người muốn trước hết là ở gần Aung San Suu Kyi, trong trụ sở chính của đảng đối lập lớn nhất, quan trọng nhất và cả một thời gian dài là đảng đối lập duy nhất. Ngôi nhà nhỏ hai tầng đứng đó bên cạnh nhiều căn nhà đơn sơ khác ở ven đường, không có gì nổi bật. Bây giờ thì tương lai của đất nước Myanmar sáu mươi triệu dân cần phải được suy nghĩ và lập kế hoạch ở trong đó. Có nhiều niềm hy vọng được đặt lên NLD, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, và trước hết là lên Aung San Suu Kyi.
Ở bên trong, ở tầng trệt, qua cái nhìn đầu tiên thì ở đó trông không giống như trụ sở chính của một đảng phái. Cạnh những cái bàn ở hai bên của gian phòng sâu vào bên trong, người ta chủ yếu là trả giá và bán hàng. CD với những bài diễn văn và nhạc ưa thích của Aung San Suu Kyi được chào bán. Bưu thiếp với chân dung của bà, áp phích 3D với cha và con gái, với Tướng Aung San, người anh hùng giành độc lập của Myanmar. Nón lưỡi trai với con công đang tấn công, được hình tượng hóa qua cái cổ vươn dài ra của nó, chồng chất lên nhau trên một cái bàn ở ngay trước một hộp cầu chì, cái chắc đã được lắp đặt vào thời Đệ nhị Thế chiến. Bên cạnh đó là huy hiệu đeo áo đủ mọi cỡ, cho mỗi một sự hân hoan đều có một vật phụ tùng tương xứng.
To Thein Santi bán những vật tôn sùng NLD ở đây từ hơn một năm nay, và cô nhìn đấy như là sự đóng góp của mình vào công việc chính trị. “Ở đây chúng tôi có đủ mọi thứ”, cô ca ngợi hàng hóa của cô, “đảng đang cần tiền.”
Các đầu dây chính trị của đảng đối lập quan trọng nhất trong Myanmar được điều khiển trong tầng một của ngôi nhà đã nhiều tuổi này. Ngồi ở đây là những người quyền cao chức trọng của Liên minh Quốc gia, trong những gian phòng nhỏ, được trang bị thiếu thốn. Kỹ thuật máy tính cho tới nay vẫn chưa bước vào trong gian phòng nào cả. Người ta đến đó qua một cái cầu thang dốc đứng bằng gỗ với những bậc thang đã mòn, cái trước đây nhiều năm hẳn là tốt, để không cho các lực lượng an ninh có thể nhanh chóng xông lên được. Bây giờ, một bức ảnh ở lối lên cầu thang biểu lộ tương lai: Aung San Suu Kyi, mỉm cười dè dặt, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, cười gần như là đã thách thức rồi.
Ngồi trong một căn phòng ở trên đó, cái không chỉ chật chội mà còn tối tăm vì các cửa sổ hầu như đều mờ đục, là U Thein Oo, người đỡ đầu của đảng này, hẳn là người có nhiều kinh nghiệm chính trị nhất. Trước đây, chính ông đã từng là bộ trưởng trong vòng hai năm. Bây giờ, U Thein Oo đang nghỉ ngơi trên một cái ghế xiên xẹo, hơi cúi thân mình về phía trước một chút. Từ khi nền độc tài quân sự bắt đầu năm 1962, không còn có ai quan tâm đến trang bị văn phòng trong căn phòng này nữa.
“Vâng”, ông nói trong một thứ tiếng Anh tốt nhưng tuy vậy vẫn khó hiểu vì nói lúng búng trong miệng, “Quốc Hội là một khả năng quan trọng để hoạt động chính trị. Chúng tôi tin rằng Aung San Suu Kyi cũng có thể cộng tác lâu dài với Tổng thống Thein Sein. Nhưng bà ấy không bắt buộc phải như vậy”, ông ấy thêm vào sau khi ngưng một lúc. “Bà ấy có thể rời Quốc Hội, nếu như sau này nó không mang lại kết quả như mong muốn, và chuyển hoạt động chính trị của mình ra đường phố.”
Đường phố lúc nào cũng phục tùng Lady và qua đó là phục tùng đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ. Trong năm vừa rồi, có lần đã có hàng chục ngàn người ủng hộ hân hoan tụ họp lại trước trụ sở chính của đảng. Nhưng sẽ vẫn như thế hay không thì còn phụ thuộc vào cơ cấu của đảng, vào việc đảng có thành công trong việc dịch lại gần với người dân hay không, và không chỉ là một hội bầu cử cho người nữ ứng cử viên đứng đầu nổi tiếng của họ.
U Thein Oo, người trí thức đứng đầu của đảng, đã khoảng tám mươi lăm tuổi, nhiều thành viên lãnh đạo ít nhất thì cũng đang tiến đến gần độ tuổi đó. Những thập niên của sự đàn áp bất cứ một hoạt động chính trị nào đã để lại dấu vết, trong những căn phòng nhỏ ở Rangoon này có thể thấy rõ được điều đó. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ quá già. Và mặc dù là đảng của Aung San Suu Kyi, NLD không còn hấp dẫn giới trẻ nữa.
Kyaw Thu Han là một trong những người quan tâm đến chính trị, những người mà sau này muốn cùng hoạt động cải cách, anh nói. Nhưng thế nào đi chăng nữa thì cũng không ở trong Liên minh Quốc gia.  “Đó chỉ là một đảng của những thây ma thôi”, người kỹ sư trẻ hai mươi sáu tuổi diễn đạt mạnh mẽ khác thường. Thông thường thì người ta cẩn thận hơn với lời nói ở trong Myanmar, và cũng kính trọng hơn. Tất nhiên là Han muốn đặt Aung San Suu Kyi ra ngoài lời phán xét mang tính hủy diệt đó rồi, nhưng ngoài ra thì người đàn ông trẻ tuổi đó không thấy có nhiều hy vọng cho NLD.
Một nhà ngoại giao không muốn được nêu tên cũng bày tỏ một cách rõ ràng. “Với Aung San Suu Kyi, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ có một nhân vật lãnh đạo nổi bật và sự ủng hộ rộng khắp trong đại đa số người dân của Myanmar. Nhưng ngoài ra thì ở giữa đó không có gì cả”, người này nói. “NLD chắc chắn sẽ thắng trong lần bầu cử năm 2015″, ông còn thêm vào, “nhưng vẫn chưa rõ là người thắng cử thật ra thì rồi sẽ là một đảng như thế nào.” Liên minh Quốc gia không phải là một đảng của giới tinh hoa, nhưng cũng không phải là một đảng của số đông người. Chính bởi vì những người đã đấu tranh trên đường phố cho cải cách, và vẫn còn đấu tranh cho chúng, không gia nhập Liên minh Quốc gia với số đông.
Cũng như Aung San Suu Kyi, nhiều người từ giới lãnh đạo cũ của đảng đã phải ngồi tù hay bị quản thúc tại gia, kinh nghiệm chính trị bây giờ lại phải được cực nhọc thu thập lấy. “Thiếu kiến thức về kinh tế chính trị, thiếu doanh nhân hoạt động tích cực trong đảng”, Myat Thin Aung từ ban giám đốc của ngân hàng Yoma than phiền. Và điều đó, theo như người làm việc trong ngành ngân hàng này, dẫn đến việc thiếu một viễn tưởng về kinh tế. Đảng thật ra không biết là cần phải đi theo chiều hướng nào. “Họ rất lắng nghe”, Myat Thin Aung còn thêm vào, “nhưng đơn giản là họ không hiểu nhiều tiến trình và những mối liên quan.”
Thêm vào đó, đảng đã bị suy yếu đi bởi cuộc tranh cãi trước lần bầu cử trong tháng 11 năm 2010. Lúc đó, Aung San Suu Kyi, vẫn còn bị quản thúc tại gia, không được phép tham gia cuộc bầu cử. NLD không có trên lá phiếu bầu, tuy vậy các lực lượng thực dụng đã tách ra, những người không muốn bỏ qua cơ hội của một cuộc bầu cử, dù nó có bị tranh cãi đến đâu đi chăng nữa.  Bây giờ phe của Đảng Dân chủ ngồi bên cạnh các nghị sĩ của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ trong Quốc Hội ở Naypidaw. Aung San Suu Kyi không buồn nhìn các nghị sĩ ly khai này đến một lần. Trong trường hợp này thì dường như là Lady không muốn tha lỗi.
Nhưng những người khác thì có thể tha lỗi. Như nhiều tù nhân chính trị, ví dụ như Zaw Thet Htwe. Ông là một nhà báo nổi tiếng trong Myanmar. Nổi tiếng, vì ông ấy viết cho một tờ báo thể thao được ưa thích. Cũng nổi tiếng, do ông đã ngồi tù nhiều năm vì niềm tin của mình. Năm 2008, sau cơn bão Nargis, Zaw Thet Htwe tổ chức giúp đỡ cho các nạn nhân dưới dạng cá nhân, cùng với diễn viên hài nổi tiếng Zarganar. Chính quyền trả thù, không muốn đứng đấy như một chính quyền yếu ớt và cần sự giúp đỡ, hai người đàn ông bị tuyên án nhiều năm tù, Zaw Thet Htwe mãi đến giữa tháng 1 năm 2012 mới được trả tự do. Bây giờ ông cộng tác với Zarganar trong công ty sản xuất video Home của ông ấy – House of Media.
“Liên minh Quốc gia vì Dân chủ nhất định phải được cải tổ, phải được chuẩn bị cho thời kỳ mà những người già không còn ở đó nữa”, nhà báo và là người am hiểu tình hình trong Myanmar nói. Và ông ấy nhắc nhở rằng Aung San Suu Kyi trong lần bầu cử năm 2015 sẽ không thể bước ra tranh cử tổng thống được. Thế nào đi nữa thì cũng không, cho tới chừng nào mà hiến pháp xuất phát từ thời chính quyền quân sự vẫn còn chưa được sửa đổi. Hiến pháp này quy định rằng không một ai có nguồn gốc là người nước ngoài hay có quan hệ họ hàng ra nước ngoài được phép bước lên đứng đầu Myanmar.
U Thein Oo, người đỡ đầu của Liên minh Quốc gia, lạc quan hơn. Ông dựa vào sức thu hút của Quốc Hội và của những chiếc ghế đã đạt được. “Chúng tôi cố tình đưa những ghế đó cho các đảng viên trẻ tuổi hay cho cả những người chỉ mới vừa gia nhập đảng thôi”, người giật dây tóc bạc của Liên minh Quốc gia nói, người mà cũng biết rằng thời gian có thể nhanh chóng không còn nữa. Chẳng bao lâu nữa, các lực lượng đối lập khác cũng có thể sẽ chen lên sân khấu chính trị và về lâu dài thì NLD không thể chỉ dựa vào ánh hào quang của Aung San Suu Kyi mà thôi. Nhưng U Thein Oo cũng tự phê bình. “Chúng tôi không chỉ phải trẻ hóa đảng”, ông ấy nói, “mà cũng phải dân chủ hóa nó.” Cho tới nay, trong những năm bị đàn áp, thì điều đó là không thể, “nhưng mà bây giờ”, người đàn ông già với mái tóc bạc nói, người trong chiếc áo khoác màu nâu nhạt và cái xà rông sậm màu, chiếc váy quấn Miến Điện, trông có vẻ đáng yêu cũng như thông thái, “bây giờ thì chúng tôi cần xây dựng đảng một cách dân chủ, để cho phép cùng quyết định.”
Một trong số ít những người trẻ tuổi không những hoạt động trong Liên minh Quốc gia mà còn được bầu vào Quốc Hội của Naypidaw cho NLD – hoàn toàn theo ý muốn của nhà chiến lược Đảng U Thein Oo –, là Zayar Thaw. Người đàn ông hơn ba mươi tuổi này không phải thuộc tuýp chính trị gia chuyên nghiệp, nhưng đã hoạt động chính trị từ lâu rồi, là một phần của tiểu văn hóa nhỏ nhưng hoạt động tích cực. Zayar Thaw là người cùng thành lập nhóm Generation Wave có trụ sở của họ ở cạnh biên giới với Thái Lan. Và anh là thành viên của ban “Acid” đã phát hành album Hip-Hop đầu tiên của Myanmar trong năm 2000. “Beginning” với lời nhạc mô tả một cách thơ mộng cuộc sống thường ngày trong Myanmar và qua đó cũng là cuộc sống thường ngày trong sự đàn áp, đã đứng đầu Burmese Charts.
Zayar Thaw thành lập Generation Wave năm 2007 như là một phần của phong trào tuổi trẻ dám nổi dậy chống lại những nhà độc tài quân sự. Vào ngày 12 tháng 3 năm 2008, anh bị bắt trong một quán ăn ở Rangoon và cuối cùng bị kết án năm năm tù.
Hiện giờ, người đàn ông này, làm giảm độ tuổi trung bình của Liên minh Quốc gia, là thành viên của nhóm vẫn còn nhỏ trong Quốc Hội của NLD – và qua đó là một trong những người mang niềm hy vọng của phe đối lập. Hiếm khi anh ấy còn có thời gian cho âm nhạc nữa.

O-Burma

Thời điểm của những nhà chiến lược
Khi cơn bão giật tung những cái mái nhà, khi nó ấn bẹp những bức tường tre giống như chúng được làm bằng bìa cứng và nâng những chiếc tàu thủy lên giống như chúng được làm bằng giấy, lúc đó người Miến Điện biết rằng sẽ còn có nhiều thay đổi nữa: đối với họ, sự ầm ào này là một điềm báo của trời đất.
Cơn bão Nargis, năm 2008 đã cướp đi sinh mạng của hơn một trăm ngàn người trong Myanmar, đối với họ là một lời sấm, một sự khải thị, một dấu hiệu của thần thánh, rằng chính quyền quân sự bị căm ghét đó chẳng bao lâu nữa sẽ bị quét phăng đi, rằng cơn bão sẽ giật bỏ những bộ quân phục ra khỏi thân thể của các viên tướng, chính quyền quân sự sẽ bị tẩy trừ ra khỏi đất nước, lần bắt đầu mới đang sắp đến. Họ đã đúng.
Xưa nay người Miến Điện đều nhìn vào những dấu hiệu từ tít trên cao. Không chỉ trước những quyết định lớn lao, Than Shwe, người sếp tàn bạo của chính quyền quân sự, mới cho xem sao bói toán. Trong tháng 11 năm 2012, thủ đô Naypyidaw bị động đất lay chuyển. Lần này thì các thần thánh muốn nói gì với người Miến Điện? Trật tự nặng như chì trong phần đất này của châu Á bây giờ sẽ bị tan rã ra? Có nhiều điều cho thấy như thế. Nhưng đó là ý trời thì ít mà là chính trị của trần thế thì nhiều hơn, cái đang lay động cho đến tận các nền tảng của trung tâm này trong châu Á.
Và điều đó đến Myanmar vào cuối mùa Thu năm 2012 trong hình dạng của Barack Obama, như là người tổng thống Mỹ đầu tiên. Ngay từ lần bầu cử Obama năm 2008, phe đối lập Miến Điện đã hy vọng vào “hiệu ứng O-Burma” cho đất nước của họ, củng cố cho phong trào dân chủ. Đối với Thein Sein, vị tổng thống đã tẩy sạch mình từ vị tướng lĩnh trở thành người đổi mới Myanmar, cái bắt tay với người Mỹ đồng nhiệm của ông ấy cũng đã trở thành cú đánh phong hiệp sĩ.
Nước Myanmar ngày nay đã là trạm chuyển tiếp từ nhiều thế kỷ. Như một cái nêm, nó đẩy mình vào giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chạm dãy Himalaja và tiếp giáp với Đông Nam Á. Các con đường của những nhà sư, thương gia, samurai và hoàng tử Ba Tư, những người phiêu lưu, tìm vàng và đi xâm chiếm cắt nhau ở đây. Ở đây, các đạo quân thuộc địa Anh đã dùng đại bác bắn vào những con voi chiến của Vua Ava. Người Bồ Đào Nha thiết lập pháo đài ở đây, người Anh mở rộng vùng ảnh hưởng của họ ra khỏi Bengal qua ba cuộc chiến tranh. Trong Đệ nhị Thế chiến, người Nhật cố tạo Miến Điện thành một pháo đài và sử dụng tài nguyên của nó cho nền kinh tế chiến tranh của họ, người Mỹ và người Anh với đội quân đánh thuê của họ đã chiếm lại từng mét đất một. Rồi người Trung Quốc đến vào đầu những năm năm mươi của thế kỷ trước. Lúc đầu là với vũ khí, rồi với cây xẻng – họ lấy từ người Miến Điện ngọc thạch và gỗ, ngọc bích và thuốc phiện được trồng trên núi. Ngày nay, họ là đối tác kinh doanh có nhiều ảnh hưởng của người Miến Điện; không được ưa thích nhưng quan trọng. “Đặc biệt Trung Quốc muốn Miến Điện, như là một nước chư hầu, xây cảng tàu, đường cao tốc và ống dẫn đầu, những cái tạo khả năng cho miền Nam và miền Tây của Trung Quốc đi ra biển, để giới trung lưu đang ngày một tăng lên của Trung Quốc có thể nhận được dầu của họ từ Vịnh Ba Tư”, Robert Kaplan, chuyên gia châu Á và là cố vấn của Bộ Quốc phòng Mỹ, mô tả tình hình.
Cuối cùng thì người Trung Quốc cũng tiếp tục một truyền thống: tất cả những đạo quân và người cai trị xa lạ đều nhắm đến tài nguyên của đất nước từng giàu nhất Đông Nam Á này, muốn có lối ra Vịnh Bengal và Biển Andaman của nó, muốn đi cho tới biên giới của cường quốc kia. Vì Myanmar nằm giữa hai đất nước có dân số lớn nhất trên thế giới, ở đây, nền độc tài lớn nhất (Trung Quốc) đụng đầu với nền dân chủ lớn nhất (Ấn Độ) của thế giới, thế lực kinh tế lớn nhất của châu Á gặp thế lực lớn thứ ba. “Myanmar nằm ngay chính giữa Delhi và Bombay và Thượng Hải và Hồng Kông. Nó chính là liên kết đang thiếu”, sử gia Miến Điện Thant Myint-U nói.
Cả trên sa bàn của giới quân đội, Myanmar cũng có thêm trọng lượng. Nó có thể là pháo đài ngăn chận không cho Bắc Kinh ra đến Vịnh Bengal. Hay lại là cái bàn đạp của họ trước bờ biển Ấn Độ. Từ cách nhìn của Bắc Kinh thì Myanmar là hạt ngọc cuối cùng trong sợi dây chuỗi mà Trung Quốc đã kéo quanh cường quốc nguyên tử kia trong những năm vừa qua: Tây Tạng với nguồn của những con sông Nam Á, Pakistan, kẻ thù không đội trời chung của Ấn Độ, Sri Lanka trước miền cực Nam của Ấn Độ – người Trung Quốc xây bến tàu, đường xá và hầm mỏ ở khắp nơi. Nếu Myanmar vẫn chịu ảnh hưởng Trung Quốc, Ấn Độ sẽ bị bao vây.
Trong những thế kỷ vừa qua, không một ai đã đến đây vì lòng nhân đạo cả. Obama cũng không. Chuyến đi qua Đông Nam Á của ông ấy cũng chỉ là sự tiếp nối của những trò chơi chiến lược trong vùng này. Nhìn một cách khách quan thì điều đấy thể hiện tầm nhìn xa trong Tòa Nhà Trắng, lại đặt giao điểm này của châu Á vào trong tiêu điểm của công chúng thế giới. “Nói cho ngắn gọn thì chúng ta tìm thấy ở Myanmar loại mật mã để hiểu được tương lai của thế giới. Miến Điện là cái giá đáng để chiến đấu giành lấy, như Trung Quốc và Ấn Độ – hoàn toàn không kín đáo – đã làm điều đấy”, Kaplan nói.
Trước đó chưa từng bao giờ có một tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm Myanmar. Thế nhưng một trong những người tiền nhiệm của Obama, Herbert Hoover sau đó là tổng thống, đã tìm may mắn của mình ở đó với một cái mỏ bạc.
Trong cuối mùa Thu năm 2012, người Mỹ muốn sử dụng hữu ích thời gian quá độ trong Myanmar. Cái chân không kỳ lạ đó trong lúc biến đổi từ một chế độ độc tài quân sự sang một nền dân chủ.
Giới tinh hoa của đất nước, các tướng lĩnh và các doanh nhân phụ thuộc vào họ, những người được gọi là crony, bây giờ đang hối hả tìm kiếm những nguồn mới cho sự giàu có của họ, không còn muốn chỉ là chư hầu của Bắc Kinh nữa, chỉ dựa trên một con bài. Thant Myint-U gọi nước Myanmar của các tướng lĩnh là “ví dụ điển hình cho sự lộng hành giống như trong một cơn ác mộng của thế kỷ 21, một quốc gia thất bại hay đang thất bại, đàn áp và không có khả năng đối phó với các vấn đề nhân đạo đang đe dọa.”
Việc người dân tự giúp đỡ lẫn nhau trong cơn bão thảm họa đó đã cảnh báo cho các viên tướng lĩnh bị yêu cầu quá khả năng của mình, rằng ngay đến người dân Miến Điện đã kiệt quệ mà vẫn còn có thể động viên được sức lực. Cuộc nổi dậy ở Bắc Phi từ năm 2011 đã để cho những kẻ thống trị phải lo sợ, rằng cả dân tộc của họ cũng có thể vùng lên. Họ cảm nhận được rằng thế giới sẽ không chấp nhận thêm bất cứ một hình ảnh nào của những nhà sư bị giết chết trên đường phố Rangoon nữa. Và cuối cùng, các nước láng giềng Đông Nam Á cũng tạo áp lực, vì họ biết rằng họ chỉ có thể hưởng lợi và bắt đầu sự tự do thương mại với Phương Tây khi chính quyền quân sự rút lui. Thời gian cấp bách: 2014, trong năm quyết định trước khi Đông Nam Á muốn bắt đầu liên minh kinh tế của họ thì lại chính là Myanmar sẽ tiếp nhận chức chủ tịch của liên minh các quốc gia ASEAN.
Và vì thế mà đất nước này bất thình lình trông giống như đã được một tiên nữ đánh thức dậy từ những cơn ác mộng. Nữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đi thăm thế giới và bước vào Quốc hội Miến Điện. Người Trung Quốc phải ngừng xây một đập nước ở Myanmar sau những phản đối của người dân. Tù nhân chính trị được trả tự do. Kiểm duyệt được bãi bỏ, một đạo luật đầu tư được ban hành. Các tướng lĩnh và các crony của họ ban bố dân chủ, và bất thình lình phần còn lại của đất nước cũng được ngửi tự do và học kinh tế thị trường.
Khi nào, nếu không phải là bây giờ, thì các nước Phương Tây cần phải quay trở lại, bãi bỏ cấm vận? Cuối cùng thì đây là những ngày mà các lá bài được xáo mới và cột mốc được đóng xuống. Ai bây giờ không có chân đứng trong Myanmar, người đấy sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. Coca-Cola và nhà cạnh tranh Pepsi muốn chiếm lĩnh thị trường sáu mươi triệu người đó, General Electric muốn bán nhà máy phát điện, Mastercard và Visa muốn phát hành thẻ tín dụng trong một đất nước mà vài tuần trước đây còn biết tới ba tỷ giá đổi ngoại tệ và dollar chỉ được chấp nhận khi chúng được là thẳng và không nhăn nheo.
“Lần đến thăm của Obama là một sự trợ giúp lớn lao cho cuộc chuyển đổi của đất nước này và sẽ giúp thế giới kinh doanh hướng sự chú ý của nó đến tiềm năng phát triển của đất nước này”, Elisabeth Buse, sếp châu Á của Visa nói. Khi đó, người Mỹ vừa mới gửi đại sứ đầu tiên của họ đến Rangoon sau hai mươi hai năm. Ở đó, ông học tiếng Miến Điện mỗi ngày tại một lãnh tụ sinh viên mới đây còn ngồi tù với một bản án nặng,
Obama muốn đột phá vào Myanmar, liên kết vào trong vành đai mà người Mỹ đang đặt quanh Trung Quốc từ hai năm nay. “Việc người Mỹ chuyển hướng quân sự sang Đông Á và tăng cường hoạt động với Myanmar sẽ khiến cho Trung Quốc thêm lo ngại là bị các đồng minh của Mỹ bao vây”, James Brazier của IHS Global Insight nói. Hillary Clinton diễn đạt điều đấy cô đọng hơn: “We are back”, bà ngoại trưởng gọi to vào năm 2010 với cái nhìn hướng đến châu Á, lại là chính ở Việt Nam đang có căng thẳng với Trung Quốc, to tới mức nó hẳn phải vang dội ầm ỉ trong tai của Bắc Kinh.
Sau khi tập trung vào Cận Đông, Obama đã nhận ra rằng ông chỉ có thể ngăn chận không cho Trung Quốc trở nên nguy hiểm khi ông củng cố cho các nền dân chủ và lực lượng chống Trung Quốc. Chỉ như thế mới có thể sử dụng được các cơ hội kinh doanh khổng lồ của vùng này trong “thế kỷ châu Á”. Người Á và người Mỹ biết tầm quan trọng của vùng này lâu nay, ngay cả khi có thời gian mà họ đã ít quan tâm đến nhau hơn. Trước đây bảy mươi năm còn có hơn một trăm năm mươi ngàn lính công binh chủ yếu là người Mỹ da đen và ba mươi lăm ngàn người dân bản địa phải xây một con đường khổng lồ xuyên qua rừng rậm từ Assam của Ấn Độ xuyên qua Myanmar đến Côn Minh trong Trung Quốc. Con đường Ledo này được dùng để tiếp tế cho người Trung Quốc dưới quyền của Tưởng Giới Thạch, để có thể chống cự lại một ít với nước Nhật là đối thủ trong chiến tranh.
Những người lính đã phải chịu đựng muỗi và mưa, rắn và đỉa. Nhưng trong năm cuối cùng của chiến tranh, họ đã mang một trăm năm mươi ngàn tấn vật liệu qua con đường núi này. Ngày nay, theo ý của người Mỹ, người Trung Quốc phải được chận lại từ ở Myanmar. Đồng thời, đất nước này sẽ có cả một mạng lưới đường bộ và đường sắt, nhà máy phát điện và cảng tàu. Đứa con gây phiền hà của châu Á qua đó lại có thể trở thành trái tim của vùng này.

Còn đang bắt đầu

Thế hệ trẻ tìm con đường riêng của họ
Naw Say Phaw Waa sống với cha mẹ và em gái của cô trong một căn hộ rộng tròn chín mươi mét vuông trong Rangoon. Cha cô đã trả chín ngàn dollar cho căn hộ này nhiều năm trước đây, đối với những hoàn cảnh trong Myanmar thì nó rộng lớn và sang trọng, ngay cả khi có một lớp dơ bẩn và mốc meo phủ lên nó. Naw Say Phaw Waa, ngắn gọn Nilar, như cô tự gọi mình, hai mươi lăm tuổi và đã học đại học báo chí ở Bangkok. Một đặc quyền, như chính cô cũng biết. Cha cô là biên tập viên của một tờ nhật báo, gia đình cô tuy không giàu có nhưng vẫn thuộc vào tầng lớp trung lưu phía trên của Myanmar, một nhóm người rất nhỏ. Một giới trung lưu rộng lớn, có khả năng mua sắm, hầu như không thể thành hình trong xã hội bị đàn áp của Myanmar trong vòng năm mươi năm vừa qua.
“Tất nhiên là nhờ vào quá trình đào tạo của tôi mà tôi có nhiều cơ hội tốt, tôi đã ở nước ngoài”, người phụ nữ trẻ tuổi với y phục thời trang và “make-up Miến Điện”, vạch thanaka truyền thống trên má, nói. Loại bột từ vỏ cây thanaka được cho là có khả năng chống nắng và hiện bây giờ cũng là một phần của phong cách Myanmar hiện đại. Nilar ngồi trên chiếc xô pha trong gian phòng khách rộng của căn hộ cha mẹ cô và nhìn sang cha cô, người ngồi làm việc cạnh chiếc bàn viết cách đó một chút. “Tôi đã có thể ở lại nước ngoài, nhưng tôi đã trở về, để có mặt ở đây, để có mặt trong đất nước của tôi và giúp đất nước của tôi”, cô nói thêm. Ngoài ra, cô dự định sẽ kết hôn và dọn ra một căn hộ riêng. “Trong Mynamar, nếu không có hôn thú thì không thể làm như thế được”, người phụ nữ trẻ tuổi nói, sẵn sàng chấp nhận hạn chế này. Giới trẻ Myanmar sống theo những quy định truyền thống, nếu như chúng không do các nhà độc tài quân sự dựng lên.
Nilar là một nhà báo tự do và được đào tạo tốt. Đó là một thời gian có nhiều hứng thú cho cô trong Rangoon, tuy vậy vẫn chưa phải là thời gian mà cô ấy có thể kiếm được nhiều tiền. Nhà báo trong Myanmar hàng tháng có được khoảng năm mươi cho tới một trăm dollar Mỹ – thật ra thì không đủ sống. Tuy vậy, Nilar có công việc làm ổn định tại tờ báo Anh ngữ nổi tiếng Myanmar Times. Và cô có thể hy vọng rằng giới truyền thông đã được giải phóng gần như hoàn toàn ra khỏi sự kiểm duyệt chẳng bao lâu nữa cũng sẽ có thể trả tiền lương cao hơn, khi thu nhập quảng cáo bắt đầu tăng.
Có thể đỗ đại học ở nước ngoài như Nilar, điều đấy thì Thit Lwing Aung chỉ có thể mơ ước. Anh hai mươi hai tuổi và học đại học năm thứ ba về kinh tế tại Rangoon University – một trường đại học chỉ còn là cái bóng của chính nó, khi nhiều phần lớn, nhiều chuyên khoa, bị đóng cửa sau lần nổi dậy của sinh viên năm 2007. “Người ta nói rằng trường đại học sẽ được thật sự khởi động”, người sinh viên trẻ tuổi đó nói. “Tôi cũng tin như thế. Nhưng tới nay thì chưa có nhiều thay đổi cho lắm, chúng tôi vẫn còn chờ. Chỉ tiến triển một cách chậm chạp thôi”, Thit Lwing Aung nói. Có tiếng nhạc pop vui nhộn văng vẳng ở phía sau, một đối nghịch với gương mặt hết sức nghiêm trang của chàng sinh viên trẻ tuổi. “Vâng, tất nhiên là tôi muốn được tiếp tục học ở đây”, anh nói thêm, không mỉm cười, “mặc dù tiêu chuẩn thấp và cuối cùng thì tôi cũng không biết rằng có bằng ở đây liệu có giúp ích được gì không.”
Thit Lwing Aung ngồi trong một quán rượu nhỏ nhưng rất được ưa thích trong một khu phồ nằm tương đối ở ngoài rìa của Rangoon, cái quán mà chẳng bao lâu nữa chắc sẽ phải chống cự lại với mạng lưới các chi nhánh Starbucks của Mỹ.
Chờ ở bên cạnh anh là người bạn của anh, Si Thu Maung, hai mươi bốn tuổi, cũng là sinh viên nhưng đã phải ngưng học nhiều năm trời. Si Thu Maung ngồi tù hơn bốn năm, sau khi người ta bắt anh trong tháng 10 năm 2007 vào lúc sinh viên đang nổi dậy chống lại chính quyền quân sự. “Vâng”, anh ấy nói, “tất nhiên là tôi muốn học tiếp.” Điều đấy tuy vậy vẫn chưa xảy ra, Si Thu Maung vẫn còn không hài lòng với tương lai của anh và cả với tương lai của đất nước anh nữa – mặc cho tất cả những hân hoan vì công cuộc cải cách. “Đã đạt được nhiều điều”, người đàn ông trẻ tuổi gầy gò đó nói, mang chiếc xà rông đặc trưng của đất nước, cái thể hiện một sự cạnh tranh thật sự với chiếc quần jean bao trùm khắp thế giới. “Nhưng cũng còn nhiều điều ở phía trước chúng tôi, chúng tôi vẫn còn chưa có dân chủ thật sự.” Người ta không xua đi được cảm giác, rằng ở trước Si Thu Maung cũng còn nhiều việc, còn sự tái đánh giá lịch sử riêng. Con người vẫn còn chưa lại là sinh viên trẻ tuổi đó chưa hòa nhập thật sự được vào trong cuộc sống hàng ngày của Rangoon. Bốn năm tù ở độ tuổi hai mươi, dưới những điều kiện tồi tệ nhất, không ai có thể dễ dàng vượt qua được điều đó cả.
Kyaw Thu Han có nhiều dự định lớn lao. Han, biệt hiệu của anh, không ngồi ở góc trong cùng của một tụ điểm cho giới trẻ, mà tít trên cao trong skybar ở tầng thứ hai mươi của ngôi nhà hiện nay là ngôi nhà cao nhất Rangoon trong nội thành, cạnh bên Scotts Market, nơi khách du lịch nào cũng biết. Người ta có một tầm nhìn đẹp đến ngôi chùa Shwedagon và ở trên này cũng có được một ấn tượng, rằng thành phố lớn sáu triệu dân này sẽ mang lại những khả năng nào cho xây dựng đô thị. Người ta hầu như có thể nhìn thấy được nó sẽ ra sao trong mười năm tới đây. Han với số tuổi hai mươi sáu của anh muốn sang Singapore, để lĩnh hội thực tế sau khi học xong ngành kỹ sư ở Rangoon – khoa này không bị đóng cửa trong những năm vừa qua. Và để kiếm tiền. Anh hy vọng ít nhất là có thể chịu đựng được ở Singapore, vì cho tới nay, anh chưa từng rời đất nước, suy cho cùng là chưa rời khỏi Rangoon, của anh. “Tôi muốn cuối cùng rồi cũng có thể sử dụng được kiến thức chuyên môn của tôi”, Kyaw Thu Han hiểu biết tốt về hàng hải. Lĩnh vực chuyên môn của anh là thiết kế giàn khoan ngoài khơi. “Ở Singapore thì điều đấy rất thích hợp”, anh lạc quan nói và mỉm cười hơi ngượng ngùng. Anh sẽ làm việc cho một công ty Miến Điện, cái sử dụng không những Singapore quốc tế để làm nơi đặt trụ sở mà còn cả lao động có giá phải chăng từ Myanmar. Han đã ký tên cho một hợp đồng hai năm. “Tôi sẽ chịu đựng được bao nhiêu lâu đó”, anh tin và hy vọng như thế. Sau đó, Kyaw Thu Han muốn đi theo con đường chính trị, sau này, khi anh đã thu thập đủ kiến thức. Chỉ có một điều là anh biết chắc chắn, anh sẽ không gia nhập đảng nào trong cả hai đảng đang tồn tại. “Phải có một cái gì mới xảy ra”, anh nói và nhìn qua cửa kính toàn cảnh xuống Rangoon của anh. Anh sẽ nhớ nó trong hai năm tới đây, anh nghĩ như thế đúng trong khoảng khắc này, người ta có thể nhìn thấy điều đó ở anh.
Tờ Myanmar Times có trụ sở trong một văn phòng biên tập đẹp và hiện đại. Vữa trên tường đã rơi xuống, gạch trần mang lại nét duyên dáng của gian phòng công nghiệp được biến thành nơi ở. Tờ Myanmar Times hiện giờ là tờ báo Anh ngữ độc lập duy nhất của Myanmar và vì thế mà mang tầm quan trọng. Cô biên tập viên trẻ tuổi Nilar ngồi cạnh một cái bàn viết với một cái máy tính cỗ lỗ và thử nơi làm việc trong tương lai của mình. Cô ấy biết là mình có may mắn cho tới đâu.
“Hiện giờ, Myanmar là một đất nước già nua, không chỉ trong lãnh đạo chính phủ – thế nào đi nữa thì cũng không phải là một đất nước của giới trẻ”, Nilar nói. “Hai mươi năm nữa thì điều đó mới thay đổi”, cô ấy còn thêm vào. Người phụ nữ trẻ tuổi lay chiếc máy tính Windows cũ kỹ. Nó vẫn không chịu khởi động cho.
“Thiếu trước nhất là triển vọng cho nghề nghiệp”, Nilar nói, “và nếu ai đã đi ra nước ngoài được thì thường là người đó không trở về Myanmar nữa.” Cô là một trường hợp ngoại lệ.
“Giới trẻ phải quan tâm đến chính trị, rồi thì hiện tình đất nước mới có thể là rất hấp dẫn”, Wai Phyo của nhóm Generation Wave đáp lời. Generation Wave được thành lập trước đây năm năm, trong lúc sinh viên nổi dậy. Nó là một trong số nhiều nhóm chính trị của thanh niên trong Myanmar mà thành viên của chúng vẫn tiếp tục hoạt động trong bí mật và đứng đối diện một cách nghi ngại với sự sốt sắng cải cách dưới quyền của Tổng thống Thein Sein. Ít ra thì vẫn có một văn phòng của Generation Wave, nhưng không có tên thành viên, không có danh sách, không có hồ sơ tài chính, sự mở cửa vẫn còn chưa đến đó. “Cuối cùng”, Wai Phyo nói, “thì bất cứ lúc nào cũng có thể có cảnh sát đứng ở trước cửa. Vẫn còn như thế.” Văn phòng này nằm trên một con đường phụ, gần sông. Người ta đến đó qua một căn nhà bậc thang không được chiếu sáng, rất dơ bẩn và so với lối đi lên nhà của Nilar thì thật là thân thiện. Wai Phyo muốn đấu tranh cho nhiều đào tạo hơn nữa, anh luôn nói điều đó, nói chung là cho một hệ thống đào tạo mới, cái mà anh vẫn còn chưa phác thảo một cách chính xác được.
Ko Pxyo chẳng muốn đấu tranh cho điều gì cả. Anh muốn kiếm càng nhiều tiền càng nhanh càng tốt và anh ấy có kiến thức để làm ra tiền. Ko Pxyo, gần ba mươi tuổi với tóc màu đồng, nhiều đồng cho tới mức chúng chắc chắn được nhuộm, là một nhà thiết kế đồ họa và hiện giờ đang làm việc như là người vẽ layout tại một trong số nhiều tờ báo độc lập của Myanmar. Anh thông thạo việc của mình, nhưng chưa từng bao giờ đọc báo của anh, như anh bướng bỉnh giải thích. “Tôi không quan tâm đến chính trị”, Ko Pxyo nói. Anh chỉ muốn nhanh chóng bỏ đi, ra nước ngoài – có lẽ là đến New Zealand. Nếu như có ai đó cần một nhà thiết kế đồ họa từ Myanmar.
Trong GTR Club ở cạnh Hổ Inya trong Rangoon có rất nhiều Ko Pxyo. Những con người trẻ tuổi, muốn thành đạt, chẳng hề quan tâm đến chính trị và có ví tiền đầy căng, đủ để trả bốn ngàn kyat, tính ra khoảng bốn euro, cho một Gin Tonic nhỏ. Nhưng cũng có những người khác đang nhảy trong quán nhảy Techno này. Con gái và con trai của các crony, những người được chế độ ưu đãi, những người mà trong những năm đóng kín cửa, nhất là trong vòng hai mươi năm của sự trừng phạt vừa qua, đã kiếm được bạc triệu,
Như Steven. Steven đã học ba năm đại học ở Úc. Và anh đã hưởng thụ cuộc sống ở Sydney. Mặc dù vậy anh vẫn trở về. Vì đối với những người như anh thì vẫn còn đủ để anh ấy thu lượm trong Myanmar. Cơ hội bây giờ còn tốt hơn nữa. “Tôi kinh doanh nguyên liệu”, Steven còn nói và lắc mái tóc đẫm mồ hôi vì khiêu vũ, trước khi anh rời hàng hiên nhỏ dành riêng cho những người hút thuốc và trở vào trong bóng tối của quán nhảy, cũng là để thoát khỏi câu chuyện.
Và cũng có những cái hoàn toàn khác trong Rangoon. Cách GTR Club mười lăm phút ô tô có tòa nhà của một xưởng dệt cũ. Người ta tổ chức tiệc tùng ở đây trong chín tầng, ngôi nhà tương đối bị xuống cấp này bây giờ mang tên “Local Entertainment Plaza”. Và ở trên cùng, trong F9, tức là tầng chín, có những người đồng tính luyến ái và transvestite đang nhảy. Cả điều đấy cũng có thể trong Rangoon, và nó đã như thế trước khi những bước tiến cải cách trong Myanmar bắt đầu. Một góc nhỏ cho dòng tiểu văn hóa không chịu khuất phục này đã có từ thời của nền độc tài quân sự.
Nilar không bao giờ đi nhảy. Đó không phải là thế giới của cô. Và cô cũng không có tiền cho những việc đấy. Trở về đến căn hộ của cha mẹ cô, căn hộ lớn và đẹp trong ngôi nhà tương đối đã xuống cấp, việc cô làm đầu tiên là xoay một cái vòng sắt. Điện thế trong Rangoon lại giao động, bây giờ nó quá thấp để mà tủ lạnh và máy điều hòa nhiệt độ có thể làm việc ổn định. Với cái vòng đấy, trông giống như một thiết bị đóng mở của một chiếc tàu ngầm cũ, Nilar lại tăng điện thế lên, để có thể có được một mức tiện nghi tối thiểu trong căn hộ của cha mẹ.

Rường cột màu đỏ

Christoph Hein/Udo Schmidt
Phan Ba trích dịch từ “Miến Điện/Myanmar – Con đường gian truân đi tới tự do”
Các nhà sư chỉ đường đi
Tu viện Maggin trong Rangoon nằm ở cuối một con hẻm nhỏ bụi bặm. Thợ thủ công đang làm việc cạnh bức tường bao quanh nhà và cạnh một con kênh thải nước. Tiếng búa đập vang khắp nơi, những người công nhân ngồi sát mặt đất theo kiểu đặc trưng ở châu Á và xử lý hòn đá được giao cho mình với sự dẻo dai và điềm tỉnh hết sức đặc biệt.
Toàn bộ tu viện là một công trường xây dựng. “Xây dựng lại thì phải như thế”, nhà sư Eain Daka nói, người đã được trả tự do hơn một năm trước đây. Eain Daka vào tù ngày 26 tháng 9 năm 2007, tu viện đóng cửa một năm sau đó và đã bị phá hủy phần lớn. “Cho tới lúc đó, tu viện của chúng tôi giống như một tụ điểm chính trị, chúng tôi cũng phân phát thuốc chữa bệnh ở đây và cố giúp đỡ”, Eain Daka thuật lại, người bây giờ ngồi thoải mái ở giữa gian phòng họp và nhấn mạnh đến các lời nói của mình bằng những cử chỉ bao quát. “Chúng tôi bị giới quân đội căm ghét. Vì thế mà họ đã phá hỏng hết tất cả.”
Nhà sư với nụ cười tinh nghịch chỉ tay ra ngoài, chỉ vào con đường nhỏ bụi bặm dẫn vào tu viện. “Cho tới mới đây, lúc nào cũng có cảnh sát mặc đồ dân sự đi lại”, ông giải thích sự hồ nghi vẫn còn sâu thẳm của mình. “Thật ra thì chúng tôi lúc nào cũng có thể nhận ra họ. Nhưng dần dần rồi cũng tốt hơn, khi quá trình cải cách tiếp tục diễn tiến.”
Các nhà sư đứng đối diện một cách dè dặt và phê phán với chính phủ dưới quyền của Tổng thống Thein Sen. Những tổn thương về thể xác và tinh thần từ thời chế độ độc tài quân sự vẫn còn quá sâu. Có những nhà sư nào đó, như Eain Daka, rất muốn lui về hoàn toàn trong cuộc sống tu viện, khi các vết thương lành lại. “Cuối cùng thì bây giờ cũng có một phe đối lập đang hoạt động”, ông thêm vào như một lời giải thích.
Một lời giải thích như thế đối với ông dường như là cần thiết, vì các nhà sư đã can thiệp vào diễn biến chính trị của Myanmar từ nhiều năm nay. Chính quyền quân sự đã đẩy họ từng bước một vào trong tư thế đó. Và quyền lực mà các nhà sư có được ngày một nhiều hơn trong những năm bị đàn áp bây giờ cũng vẫn còn tiếp tục tồn tại trong quá trình cải cách.
Năm 2007, họ đã bị chính quyền quân sự gây áp lực nặng. Những cuộc phản đối giá xăng tăng cao trong tháng 8 năm 2007 đã trở thành một lần biểu quyết chống lại sự đàn áp trong nước, chống lại các viên tướng. Lúc đó, vào đầu tháng 9, hàng trăm nhà sư và ni cô đã xuống đường và qua đó đã mang lại cho sự chống đối một định hướng cơ bản. Chính quyền bị dồn ép, các nhà sư, một quyền lực được tất cả mọi người kính trọng trong Myanmar Phật giáo, bất thình lình là đối thủ nguy hiểm của giới quân đội già nua quay lưng lại với thế giới.
Cuối cùng, chế độ độc tài đã quật trả không khoan nhượng, nhà sư và sinh viên bị quẳng vào tù, nhiều người không bao giờ tái xuất hiện nữa. Một vài phim tài liệu ít ỏi từ đất nước thời đó vẫn còn đóng kín cửa để cho người ta thấy những người đàn ông trẻ tuổi bị thương nặng trong chiếc áo cà sa màu đỏ của họ.
Kể từ đó, thật khó có thể tưởng tượng được chính trị trong Myanmar mà không có các nhà sư. Vì thế mà có lời giải thích gần như là một lời xin lỗi của Eain Daka, ông ấy muốn lui trở về cuộc sống trong tu viện vì đã có một giới đối lập đang hoạt động.
Trong miền Bắc của Myanmar, gần một mỏ đồng do một nhà đầu tư người Trung Quốc điều hành, các nhà sư trẻ tuổi đã giúp đỡ nhiều tuần liền những người nông dân đang phản đối. Những người này yêu cầu bồi thường cho đất đã bị tịch thu và chận lối vào khu vực mỏ bằng cách cắm trại phản đối. Khi cảnh sát phản ứng bằng vòi rồng và hơi cay, họ đã để lại dấu vết của bạo lực. Những bức ảnh chụp các nhà sư bị bỏng nặng trên mặt là những chứng nhận không tốt cho tổng thống Thein Sein có định hướng cải cách. Giới báo chí hiện đã độc lập cuối cùng cũng có thể thi hành được nhiệm vụ của họ và phát hiện ra những điều bất cập. Những người đàn ông trẻ tuổi trong chiếc áo cà sa màu đỏ gặp nhau, như năm 2007, ở cạnh chùa Shwedagon trong Rangoon và biểu lộ tinh thần cương quyết đấu tranh. “Chúng tôi yêu cầu phải xin lỗi trực tiếp tại các nhà sư đã bị thương”, một nhà sư trẻ tuổi giận dữ nói vào micrô của nhiều nhà báo đang đi theo đoàn phản đối. Và lời xin lỗi này đã đến tiếp theo sau đó. Các nhà sư một lần nữa lại chứng tỏ quyền lực của họ.
Và họ cũng sử dụng quyền lực đó ở những nơi khác trong Myanmar – ở miền Tây, tại tỉnh Rakhine. Các nhà sư đã trở thành một phần của cuộc xung đột với nhóm thiểu số Rohingya Hồi giáo, những người hầu như không có quyền gì trong Myanmar cả, nhưng một phần đã sống ở trong nước này từ nhiều thế hệ rồi. Và tuy vậy người Miến Điện vẫn gọi người Rohingya có làn da sậm màu là người Bengal. Và người Bengal, theo như ý kiến của đa số trong đất nước này, thuộc về nước Bangladesh.
Ở tỉnh Rakhine, sau vụ cưỡng hiếp một phụ nữ theo đạo Phật, có lẽ là do người Rohingyan gây ra, và sau vụ giết chết mười người Hồi giáo kế tiếp theo sau đó trong một hành động trả thù, cả một làn sóng bạo lực đã trỗi dậy. Hơn chín mươi người chết, hàng ngàn người mất nhà cửa, nhiều ngôi làng bị san phẳng.
Trong đó, các tu viện Phật giáo đã đóng một vai trò tích cực. Các nhà sư có vẻ chỉ muốn bảo vệ quyền lãnh đạo của mình. Việc các nhà sư Phật giáo còn cổ vũ cho đám đông đang đập phá, ít nhất là có mặt ở gần đó, khi nhà ở của người Rohingya bị đốt cháy, điều đó hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh của những người Phật giáo hòa bình.
Các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bị sốc và lần đầu tiên phê phán những người vẫn còn được xem là cốt lõi hòa bình của phong trào dân chủ. Thế nào đi chăng nữa thì những yêu cầu của các nhà sư, trục xuất người Rohingya, chở họ về Bangladesh, cũng không mang tính tiến bộ dân chủ. Ngược lại hoàn toàn. Với cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc Cách mạng Áo Cà sa năm 2007, các nhà sư bất ngờ ủng hộ tổng thống Myanmar Thein Sein thấy rõ. Hàng trăm nhà sư đã xuống đường trong tháng 9 năm 2012 ở Mandalay. Vị tổng thống không thể vui mừng nhiều về sự việc được cho là một sự ủng hộ này. Thein Sein không muốn gây nguy hiểm cho công cuộc mở cửa Myanmar và khiến cho các nhà đầu tư sợ hãi. Nhưng các nhà sư với quan điểm cứng rắn và không dung hòa của họ trong xung đột Rohingya đã thâu hẹp mọi không gian thương lượng.
“Thật là nặng trĩu khi phải nhìn chính các nhà sư, những người đã trải nghiệm việc đàn áp có nghĩa là gì trong năm 2007, bây giờ lại tham gia vào trong sự đàn áp”, Soe Aung phàn nàn, phát ngôn viên của Diễn đàn Dân chủ trong Myanmar. “Uy quyền về mặt đạo đức của các nhà sư qua vai trò của họ trong cuộc phản đối 2007 thật rất là to lớn”, Phil Robertson nói, chuyên gia Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch. “Chúng tôi rất lo lắng, rằng Tổng thống Thein Sein bây giờ không còn có thể và sẽ không có thể bước đến với thiểu số người Hồi giáo được nữa.” Cuối cùng, chỉ việc công nhận quốc tịch cho thiểu số người Hồi giáo là có thể mang lại một giải pháp và qua đó xoa dịu xung đột. Nhưng một giải pháp như thế hiện giờ là hầu như không thể. Cả đối với các nhà sư cũng không.
Một người, không tham gia vào trong các cuộc biểu tình này của các nhà sư, và phê phán rõ ràng việc những người theo đạo Phật yêu cầu trục xuất một dân tộc thiểu số ra khỏi Myanmar, là U Gambira. Năm 2007, trong cuộc Cách mạng Áo Cà sa, ông là một trong số các nhà sư hoạt động tích cực nhất, bởi vậy là một trong số các nhà sư nổi tiếng nhất, và sau đó là tù nhân chính trị nổi tiếng nhất. Vì vai trò lãnh đạo của mình trong các cuộc phản đối mà ông bị kết án sáu mươi tám năm tù giam. Trong diễn tiến của lần ân xá, U Gambira, cùng với nhiều tù chính trị khác, được trả tự do trong tháng 1 năm 2012.
Nhưng ông khó có thể cởi bỏ đi những năm tháng ngồi trong tù. “Sức khỏe ông ấy không được tốt”, Eain Daka từ tu viện Maggin cảm thông nói, “sau khi được trả tự do, ông ấy đã sống một thời gian dài với cha mẹ của ông ấy.” Cuối cùng, ông lại bị bắt giữ và tra hỏi. Lời buộc tội: ông đã xâm nhập vào các tu viện bị chính quyền niêm phong. U Gambira, người đã lấy lại tục danh của mình là Nyi Nyi Lwin, đã rời nhà tù Insein như một con người không còn sức phản kháng nữa, chính phủ có định hướng cải cách của Thein Sein không có một giải pháp nào cho ông cả.
Panna Wuntha đứng trước một tu viện ở ngay cạnh tuyến đường sắt qua Rangoon, trước tu viện Shwe Taung. Khái niệm tu viện ở đây có thể khiến cho người ta nhầm lẫn một ít. Đó là một căn nhà nhỏ, rất đơn sơ. Gian bếp được bố trí trong một căn phòng không có tường ở phía trước, trên một chiếc chiếu trước lò nấu có một người phụ nữ già nua, rất già nua, đang ngồi và hút một cheroot, một trong những điếu xì gà màu xanh lá cây đặc trưng của Miến Điện. Một cái rađiô được mở to, người phụ nữ già hát theo, ở phía sau có một nhà sư trẻ ngâm nga. Buổi trưa chỗ các nhà sư, người ta có thể mô tả cảnh tượng an bình hàng ngày này như thế. Panna Wuntha, trưởng tu viện, bước vào gian bếp. Ông ấy tắt cái rađiô và nhìn quanh. Panna Wuntha có một cái đầu thật tròn và ít cười hơn là Eain Daka.
Ông cũng bị bắt năm 2007, ông cũng được trả tự do vào giữa tháng 1 năm 2012. “Đó đã là thời gian ngồi tù lần thứ hai của tôi. Năm 1988, trong những lần nổi dậy lớn đầu tiên, tôi đã bị quẳng vào tù tám năm, lần này là hơn bốn năm, vì tôi là một trong số các lãnh tụ của cuộc Cách mạng Áo Cà sa. Khi đó, tôi đã soạn thảo các quy định cho cách làm việc của chúng tôi”, nhà sư nghiêm nghị nói, người không che dấu tính thích ăn trầu của mình. Răng ông ấy nhuộm màu đỏ sẫm. Một chỗ phồng lên trên má phải hé lộ cho thấy dự trữ trầu hiện giờ đang được cất giữ ở đâu. “Vào lúc đầu”, Panna Wuntha mô tả lại những điều kiện trong tù, “tôi bị giam cách xa tu viện và gia đình của tôi. Không ai có thể đến thăm tôi. Rồi từ năm 2009 mới có cải thiện. Đó là nhờ sự chú ý của quốc tế. Rồi các tổ chức giúp đỡ cũng có thể chăm sóc cho chúng tôi.”
Tu viện của Panna Wuntha không bị phá hủy năm 2007, nó không phải là một tụ điểm của phe đối lập, ngay cả khi người đứng đầu, là một trong các lãnh tụ của phong trào, bị đàn áp dữ dội. Cảnh sát chỉ hành động chống lại tu viện của Panna Wuntha khi người này được trả tự do. Tức là đã vào thời chính sách cải cách của Thein Sein. “An ninh đến đây một tuần sau khi tôi được trả tự do”, nhà sư kể lại. “Họ chẳng nói gì cả, nhưng lại khóa và niêm phong phòng của tôi.” Cánh cửa vào phòng của ông đã bị niêm phong một lần trước đó. “Khi tôi trở về đây từ trong tù, tôi nghĩ bây giờ thì chẳng còn vấn đề gì cả và tôi đã phá cửa vào. Cuối cùng thì cũng không có một phán quyết nào của tòa án hết”, nhà sư với đôi mắt buồn thuật lại. Nhưng điều đó có vấn đề và rõ ràng là cảnh sát cũng biết điều đó ngay tức khắc. “Ở đây còn lâu mới là một cuộc sống bình thường”, Panna Wuntha thêm vào. “Đối với nhà sư chúng tôi thì còn có nhiều điều khó khăn hơn là đối với những người khác trong Myanmar. Là sư thì vẫn khó nhận được một hộ chiếu. Chắc chắn là chúng tôi không muốn tham gia tạo lập chính sách cho các đảng phái. Nhưng cho tới chừng nào mà còn nhiều điều chưa đạt tới được thì chúng tôi sẽ tiếp tục can thiệp vào.”
Cuộc sống bình thường trong tu viện Shwe Taung, điều đó có nghĩa trước hết là học thật nhiều tiếng Anh bên cạnh tụng kinh và làm việc nhà, nhà sư trẻ tuổi U Ban Datha giải thích. “Tôi bao giờ cũng thức dậy vào lúc năm giờ sáng và chuẩn bị thức ăn sáng, rồi vào lúc sáu giờ, chúng tôi đi khất thực qua khu phố của chúng tôi, rồi tôi học cho tới gần trưa”, con người hai mươi tuổi hân hoan kể và chỉ vào chồng sách giáo khoa ở cạnh giường. “Trong lúc đó tôi phải phụ việc trong bếp, vì tôi là người trẻ tuổi nhất”, U Ban Ditha thêm vào, “nhưng bao giờ cũng còn thời gian cho bài tập và thực hành ngữ pháp. Buổi chiều tôi còn đi học một lớp ngoại ngữ nữa.” Và nhà sư trẻ tuổi đó có một mục đích rõ rệt: anh muốn dịch những bản văn của Đức Phật sang tiếng Anh, ngôn ngữ của thế giới, như anh nói.
Và để có thể tiếp xúc được với thế giới này, anh hay đến một quán cà phê Internet vào buổi tối. Các nhà sư muốn chuẩn bị trước cho thời kỳ mới, cho nền dân chủ sắp đến.
Tham gia chính trị, bước nhảy vào thời hiện đại – hầu như không còn thời gian để im lặng nữa trong các ngôi chùa của Myanmar.

Từ ngục tù trở về với cuộc sống

Gần như là đã tự do rồi
Ko Ko Gyi ngồi trong gian hàng nhỏ của người em mình. Ông đã thoải mái ngồi xuống một cái băng ghế trước một cái gương to. Thật ra thì người đàn ông năm mươi tuổi này không có lý do gì để mà thoải mái cả. Cho tới bây giờ thì ông đã ra tù được một năm rồi, từ một năm nay, ông tham gia vào đời sống chính trị của Myanmar, nhưng ông vẫn chưa tái xây dựng cho mình một cuộc sống cá nhân riêng. Cha mẹ ông đã qua đời trong thời gian ngồi tù, ông chưa từng bao giờ có thể thành lập một gia đình riêng, Em của ông tuy rất thích và cũng sẵn sàng tiếp nhận ông ấy, nhưng các ước muốn cá nhân của Ko Ko Gyi qua đó tất nhiên là không được thỏa mãn.
Ko Ko Gyi đã ở trong tù mười tám năm. Không phải liền một lần, ông ấy cũng thường có tự do giữa những đoạn thời gian đó. Nhưng vì ông cứ tiếp tục làm việc chống lại chính quyền quân sự nên thời gian ở ngoài nhà tù thường là ngắn. Lần cuối cùng, trước tháng 1 năm 2012, ông ở tù bốn năm sáu tháng.
“Đặc biệt là trong những năm cuối cùng”, ông thuật lại, “người ta không còn tra tấn tôi về thể xác nữa mà đã hành động tinh vi hơn”. Tất cả các tù nhân đều bị chuyển đến những nhà tù nhỏ ở nơi hẻo lánh, tất cả đều bị tách rời ra và cách gia đình của họ thật xa. Cô độc càng nhiều càng tốt là mục đích. “Đó là một hình thức hành hạ về mặt tinh thần”, Ko Ko Gyi nói. Chỉ người em của ông là có thể đi thăm ông, ba lần trong hơn bốn năm.
Ko Ko Gyi bị bắt lần đầu tiên năm 1988, trong những lần phản đối lớn, đông người, chống lại nền độc tài quân sự. Ông ấy là một trong các lãnh tụ của 88 Students Generation Group – và vẫn còn là lãnh tụ cho tới ngày hôm nay, cùng với Min Ko Naing. Bây giờ, cả hai người thường đi xuyên qua Myanmar, quảng cáo cho cuộc biến đổi dân chủ và cuối cùng thì cũng cho họ một chút.
Trong lúc trao đổi, Ko Ko Gyi biểu lộ mình là người ủng hộ Aung San Suu Kyi, ông  mong muốn phe đối lập với người nhận Giải Nobel Hòa bình đứng đầu, gặt hái được nhiều thành công. Nhưng sau này, và đó không còn là một điều bí mật nữa, thì 88 Generation Students Group cũng có thể xuất hiện với một đảng riêng. Hẳn là họ sẽ ở đâu đó bên phía trái của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi. Chậm nhất là sau lần bầu cử năm 2015, nếu như không có đảng nào trong hai đảng lớn giành được đa số, phe đối lập dưới sự lãnh đạo của Lady cũng không. Nhưng vấn đề bây giờ là sự tin tưởng của từng nhóm một với nhau. Điều đấy là quan trọng sau nhiều năm bị đàn áp. Và tạo sự tin tưởng cũng cần thiết trước hết là trong những vùng của các dân tộc thiểu số. Vì thế mà Ko Ko Gyio cũng thường đến những vùng của người Kar, Kachin hay Mon, những người đã nằm trong cuộc nội chiến với quyền lực trung ương hàng chục năm trời.
Một người khác, có trải nghiệm tù chính trị tương tự và cũng có sức thu hút tương tự, mặc cho nhiều năm trời ở trong hoàn cảnh tù đày, là Zarganar. Trước đó, ông là diễn viên hài nổi tiếng nhất của Miến Điện, rồi cũng là nhà làm phim, cuối cùng là nhà phê phán tình hình chính trị và vì thế mà đã ở tù nhiều lần, lần cuối cùng cho tới tháng 10 năm 2011.
Zarganar ngồi mỉm cười trên hàng hiên của một khách sạn lớn với tầm nhìn ra hồ Kandawgyi ở giữa Rangoon. Ông cảm thấy tốt trong thời điểm này, và ông cũng nói ra điều đó. “Trả thù”, người đàn ông năm mươi hai tuổi giải thích với giọng nói trầm, dễ nhớ, “không quan trọng đối với tôi. Tôi không cho trả thù là quan trọng.” Zarhanar, người lúc trước đây thường là một diễn viên hài thô tục mà những câu chuyện hài không được tinh tế của ông đã có thể hoạt động trong nền độc tài và mang lại cho ông một đám đông người hâm mộ, rồi cấm biểu diễn và cuối cùng là phòng giam, bây giờ là một nhà đấu tranh cho sự đền bù. Đền bù, điều đấy đối với ông cũng có nghĩa là cùng làm việc với chính phủ. Ông, người bị đàn áp nhiều năm trời, bây giờ là khách mời được hoan nghênh tại những sự kiện như một hội nghị về tương lai của điện ảnh Myanmar dưới sự tổ chức của Bộ thông tin.
Và ông cũng cảm thấy tốt với lần thay đổi vai trò này. “Tôi lạc quan một cách thận trọng”, Zarganar nói. Và lại mỉm cười. Và khi người cựu diễn viên hài mỉm cười thì người ta nghĩ rằng nó sẽ trở thành một tiếng cười vang ngay thôi. Con người hay đùa vẫn còn tồn tại. Và người ta có thể nhìn thấy con người đó, khi Zarganar táo bạo đưa vào cuộc trao đổi, rằng tổng thống Mỹ thì cuối cùng cũng không phải là Thượng Đế, Đấng Cứu Thế. Người dân trong Myanmar chờ đợi quá nhiều ở Barack Obama và Hoa Kỳ, ông muốn nói như thế qua đó. Ông nói theo cách của ông.
U Zaw Thet Htwe là một người bạn thân của Zarganar. Và là một người cùng chịu hoạn nạn. Họ đã cùng nhau giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão Nargis năm 2008, vì vậy mà họ bị bắt cùng nhau và bị kết án nhiều năm tù. U Zaw Thet Htwe nhận án mười lăm năm tù giam, và trong đó may mắn là ông chỉ phải ngồi tù ba năm rưỡi. “Cũng đã đủ tệ hại rồi”, người đàn ông đẹp nói, trầm lặng, từng là nhà báo thể thao chuyên nghiệp, người hiện giờ có công việc làm trong công ty sản xuất video của người bạn mình là Zargana. Trước đây, ông là một trong số các phóng viên thể thao nổi tiếng nhất của Myanmar, làm việc cho tờ First Eleven Sports Journal và được cả nước đọc. Bây giờ thì ông thích sống yên lặng ở hàng thứ nhì hơn và thỉnh thoảng làm thơ.
Tiếng nhạc rè rè vang to ra từ những cái loa to ở cạnh hồ Inya giữa Rangoon. 88 Students Generation Group đã mời đến dự buổi lễ tái ngộ, dự buổi tiệc tự do sau nhiều năm mà nhiều người khách đang vui vẻ trên bãi cỏ ở cạnh hồ đó đã ngồi tù trong thời gian đó. Một nhạc sĩ bước lên sân khấu, hát to những bài ca chống đối, tất cả, thật sự là tất cả đã cùng hát, mỗi một âm phát ra là một phần của sự giải phóng đối với những người đang tụ họp ở đây – Woodstock trong Myanmar, trông giống như thế một chút.
Đứng giữa đám đông người đó, sát cạnh bên nhau, là So So Linh và Di Nyein Linh, cha và con trai. Cả hai người vừa được trả tự do các đây ít lâu sau nhiều năm trong tù. Có thể cảm nhận được, có thể nhìn thấy được, rằng họ không muốn lại mất nhau nữa. Trong vòng hai mươi năm vừa qua, người cha phần lớn ngồi trong tù, vì quan điểm chính trị của ông, người con trai bị bắt giam năm 2007. Như là một trong các phát ngôn nhân của cuộc nổi dậy sinh viên thời đó. Họ không bao giờ bị giam trong cùng một trại tù, không nhìn thấy nhau nhiều năm. “Đó là một thời gian thật đáng sợ”, người con trai hai mươi ba tuổi nói. “Vào lúc đầu, tôi thường hay bị đánh đập, sau này có tốt hơn nhờ vào áp lực quốc tế.”
Nhưng họ được trả tự do cùng ngày. “Mẹ tôi không thể tin được”, Di Nyein Linh, người con trai, kể lại. So So Linh, người cha, nói ít. “Con trai tôi và tôi, chúng tôi đã lâu không nhìn thấy nhau”, ông chỉ nói nhỏ nhẹ như thế. “Bây giờ thì tôi rất hạnh phúc.” Cả hai, cha và con trai, không cười. Họ mừng rỡ với những gương mặt nghiêm nghị.
Khin MaungWhin chưa ngồi tù bao giờ. Nhưng hai mươi lăm năm vừa qua cũng không ở trong Myanmar. Nhà tù của Khin Maung Whin có tên là lưu vong. Cuối những năm tám mươi, ông phải biến mất khỏi Myanmar. Ông đã tham gia vào trong những cuộc nổi dậy của sinh viên, sắp sửa bị bắt. Ông ấy trốn vào rừng, như ông tự mô tả lại.
Ông chọn con đường hướng đến biên giới Thái Lan, sống ở đó một thời gian dài trong một trại tỵ nạn trong vùng của thiểu số người Kachin, cuối cùng là bảy năm trời cho tới 1995. Ở đó, ông được đào tạo, cả ở vũ khí lẫn cạnh máy quay phim. Khin Maung Whin bắt đầu quay phim, lén lút, với một cái máy quay nhỏ có chất lượng không tốt, cái còn làm tăng cảm giác có thật tại khán giả. Khin Maung Whin làm việc như một phóng viên bí mật cho đài lưu vong Democratic Voice of Burma. Ông ấy lo liệu sao cho ít nhất là một vài bức ảnh và cảnh phim lọt ra ngoài đất nước đóng kín hoàn toàn này, và qua đó đến được với giới công chúng thế giới.
“Đó là một thời kỳ khó khăn”, Khin Maung Whin mô tả lại trải nghiệm lúc đó của mình. “Nhiều bạn học cùng chạy trốn với tôi đã chết vì bệnh sốt rét. Tôi tuy cũng mắc bệnh, nhưng mà qua được những cơn sốt đó.” Sau này, bây giờ thì tự cầm súng, họ đã sa vào trong những cuộc chiến với quân đội chính phủ, ở bên phía của phiến quân Kachin. “Lúc đó có nhiều cơ hội để chết lắm”, người là cựu nhà báo, bây giờ đã trở về đất nước của mình, thêm vào.
Đối với ông, chiếc máy quay phim luôn luôn là thứ vũ khí quan trọng hơn, và cuối cùng thì cũng có nhiều tác động hơn. Khin Maung Whin và những người cùng chiến đấu với ông mang lậu phim qua biên giới Miến Điện – Thái Lan, để từ đó gửi chúng đến studio ở Na Uy. Đến một lúc nào đó, Khin đi theo những cuốn phim của mình. Ông về ở tại Oslo và đã chịu trách nhiệm cho chương trình Democratic Voice of Burma nhiều năm trời, một đài truyền hình lưu vong có thể được bắt sóng qua vệ tinh ở Myanmar và sau này thông tin bao quát về diễn biến trong đất nước của những nhà độc tài quân sự trên các trang mạng của họ.
Hiện giờ, Khin Maung Whin đã khai mạc một văn phòng của Democratic Voice of Burma trong Rangoon, ông là một người được cần đến, nhưng ông không biết sẽ tiếp tục như thế nào. “Không bao lâu nữa, chúng tôi sẽ không còn nhận được tiền”, ông buồn rầu nói. Những người cho tiền không còn nhìn thấy sự cần thiết phải giúp đỡ nữa, bây giờ, khi giới báo chí trong nước có được những khoảng không tự do mới, và họ có những nguyên tắc của họ. Một nguyên tắc nói rằng tiền trợ giúp không được phép rót vào giới truyền thông mà những người điều hành chúng trở về Myanmar từ nơi lưu vong. “Chúng tôi đang đứng trước ngã tư đường”, Khin Maung Whin nói, “chúng tôi không được chuẩn bị tốt cho thách thức này, chúng tôi đã không học cách kiếm tiền, mà lúc nào cũng chỉ tường thuật từ lòng tin và vì lợi ích chung.”
Bây giờ thì tất cả mọi người đều muốn nhận được lời khuyên từ Khin Maung Whin. Cuối cùng thìDemocratic Voice of Burma vẫn là một chương trình nổi tiếng và đặc biệt được thích xem ở những vùng nông thôn, nhưng cựu nhà báo lưu vong được yêu thích này chẳng bao lâu nữa hẳn sẽ phải lộn các túi tiền ra ngoài.
Đấy có thể là khoảng khắc cho một cái gì đó mà mới đây còn là ghê gớm, không thể tưởng tượng được – cho một sự cộng tác mật thiết giữa các đối thủ ác liệt, giữa đài nhà nước MRTV và chương trình lưu vong. Hiện giờ thì tất cả đều có thể, MRTV có trang thiết bị kỹ thuật cực tốt, Democratic Voice of Burmabiết cách mang nghề báo độc lập lên màn hình như thế nào. Mới đây, Khin Maung Whin đã được MRTV-3 phỏng vấn. “Họ đã hỏi tôi trong chương trình rằng tôi có thể cho họ vài lời khuyên hay không. Và tôi đã hứa sẽ chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi. Điều đấy thật là kỳ lạ, cuối cùng thì trước đây đó là những kẻ thù.” Cả hai bên ít nhất thì cũng thiếu kinh nghiệm tại một điểm quan trọng trong tương lai: câu hỏi, người ta kiếm tiền như thế nào với nghề báo.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét